Tranh Cao Ban Ban - Chân thật và Sinh động

Tranh Cao Ban Ban - Chân thật và Sinh động
TP - Nghệ thuật không đi đường mòn. Đó là cảm tưởng chung mà tôi nhận thức được sau khi xem 21 tranh – một nửa là sơn mài, một nửa là sơn dầu – của họa sĩ Cao Ban Ban, trưng bày tại nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (số 16 phố Ngô Quyền Hà Nội), mở đầu năm mới 2013.

> Bà họa sĩ Phần Lan đi xe đạp, thích bún chả
> 'Triển lãm sắp đặt lớn nhất Việt Nam' và 2 tấn dây điện

Dù chưa ở độ chín, nhưng tranh Cao Ban Ban đã gây được ấn tượng tốt với người xem: hồn nhiên, ngây thơ, chân thật, nhiệt tình, sinh động. Triển vọng đã mở ra: Không đi vào đường mòn. Không bị sa vào nhàm chán, trùng lặp. Không quan tâm nhiều tới chất liệu và kỹ thuật gia công theo công thức giáo khoa trường quy; tránh được sự khôn ngoan, kỹ sảo.

Xúc cảm và rung động chân thực trước cái đẹp. Đôi khi xử lý còn vụng về, nhưng là sự vụng về đáng yêu, dễ tha thứ. “Biên giới mùa xuân”, “Về bản”, “Mùa hè”, “Gọi bạn”, “Chiều nghiêng” (Sơn mài); “Bạch hổ”, “Phong cảnh Tà Phìn”, “Giao mùa” (Sơn dầu)… Đó là những bản nhạc, bài thơ đầy ý vị, giầu tình yêu, tình người, sự gắn bó chung thủy giữa con người với cảnh vật thiên nhiên giầu đẹp. Vì vậy, tranh cũng giầu tính nhân văn nghệ thuật.

Trong thời đại kỹ thuật số, con người luôn phải sống trong tâm trạng gấp gáp vội vàng, cạnh tranh căng thẳng, khốc liệt. Con người cần yên tĩnh nghỉ ngơi. Cần môi trường nguyên sơ xanh đẹp, tươi mát. Tranh Cao Ban Ban như làn gió mát, dễ đáp ứng nhu cầu.

Dù còn khiêm nhường, nhưng sẽ dành được thiện cảm với công chúng yêu nghệ thuật. Bởi chúng thích hợp với sự cân bằng, hài hòa trong cuộc sống hiện đại – đương đại.

Trần Thức
Nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG