Chém ruồi

Chém ruồi
TP - H. là con phố không lớn nhưng thơ mộng và khá sầm uất. Lọt vào giữa khu phố là cái hồ hình bán nguyệt. Xung quanh hồ có một vài cơ quan, còn lại chủ yếu là hàng quán bán quà vặt và đồ dùng cho học sinh. Đây cũng là lối đi tắt từ khu trung tâm sang con đường vành đai để xuôi về phía nam thành phố.

> Đặng Thân và cái 'siêu thị' hậu hiện đại
> Tiệc Phẩm
> 'Trò đời' làm sống dậy không khí Vũ Trọng Phụng

Đó là lý do thỉnh thoảng tôi qua phố H.

Mỗi lần như vậy tôi thường phóng xe chầm chậm để tận hưởng chút thư thái và tranh thủ hít thở. Đến cuối đường tôi cứ tự nhiên phải dừng lại vì tại đó có một cây đa toả bóng xuống mặt hồ.

Tôi thích ngắm những chiếc lá căng mọng, y như những bàn tay suốt ngày vẫy người qua đường. Chính vì thế, một lần tôi phát hiện ra, phía khuất bên trong, cạnh cái hốc cây bị thời gian ăn lõm khá sâu, có một lão già làm nghề mài dao.

Lão ngồi đó từ bao giờ tôi không biết. Cũng rất khó mà đoán được lão bao nhiêu tuổi, nếu chỉ căn cứ vào những nếp nhăn nheo trên hai cái má teo tóp của lão. Người lão hầu như chỉ còn lại xương.

Nhưng có thể thấy rõ là lão rất tinh anh qua những thao tác mài điêu luyện, chỉ vừa chạm lưỡi thép vào mặt đá như kiểu mơn trớn, qua cách lão gại tay vào lưỡi dao và qua những cái liếc xéo có lẽ còn sắc hơn cả con dao lão đang mài.

Vài lần như vậy tôi đâm ra tò mò. Tôi bỗng thấy thích cái hình dạng và vẻ mặt đầy thân phận của lão. Lần nào tôi cũng gặp lão ở đúng cái tư thế mà tôi gặp từ lần đầu: Ngồi xổm, đầu gối gần chạm tai, lưng hơi còng xuống.

Không nhìn ai, bỏ ngoài tai mọi động tĩnh, lão chỉ chăm chú vào việc duy nhất là mài dao.

Bên cạnh lão lèo tèo mấy thứ đồ nghề, trong đó đáng chú ý nhất là cái điếu cày và chiếc ấm sứt vòi cùng một cái tách mua từ thời bao cấp. Tôi nhận ra điều đó nhờ vào những hoa văn ngô nghê vẽ trên thành ấm và tách.

Lão không thèm cả ngẩng lên khi biết rõ có người đang chăm chú theo dõi lão.

Một chiếc xe máy phanh gấp do phải tránh bà già hoặc đứa trẻ con nào đó, tiếng bánh lốp miết xuống mặt đường nghe ghê rợn, kèm theo mùi khét, sau đó là tiếng vặc nhau chua ngoa; tiếng rao nhão nhoét của bà bán quà rong nào đó, nhiều lúc như vọng lên từ âm ti; tiếng quát lác của mấy ông giữ trật tự khu phố xua bọn trẻ con cứ xểnh mắt là mang bóng ra đá rồi cười đùa ầm ĩ; tiếng gõ thùng nhức tai vọng ra từ mấy xưởng gò hàn…

Ngần ấy sự ồn ào, huyên náo vẫn không thể khiến lão già dừng tay, ít ra thì cũng ngẩng lên xem mọi người sống hay chết, như thói thường của bất cứ ai. Có vẻ như với lão già thì những chuyện đó, hoặc là đang ở thế giới khác, hoặc nhàm chán đến mức chẳng cần phải biết thêm làm gì.

Chỉ có lão và con dao, hình như cũng là con dao duy nhất, với động tác mài lì lợm. Nghĩa là lão mài ngày này sang ngày khác cũng chỉ với con dao ấy thôi?

Từng động tác đưa lưỡi dao lên, nghiêng bao nhiêu độ, rồi nhẹ nhàng miết xuống mặt đá mài…đều rất nhẹ, mềm mại và cực kỳ chính xác. Động tác của lão thuần thục đến mức nó tạo ra thứ âm thanh thuần khiết một biên độ.

Không ai đủ kiên nhẫn để có thể chờ được cho đến khi lão ngẩng lên. Tôi đã thử thi gan với lão vài bận nhưng đều thất bại. Chính vì thế mà lần nào rời khỏi phố H, tôi cũng mang theo một câu hỏi: Lão mài dao để kiếm sống hay vì một ý thích nào khác?

Nếu vì kiếm sống thì thời buổi này chẳng ai lại làm như lão. Còn nếu vì ý thích quái quỷ nào đó thì chỉ có ở những lão gàn. Tất cả những điều đó dẫn tới một câu hỏi khác: Lão già ấy là người hay ma?

Tôi quyết tâm tự đi tìm cho mình câu trả lời. Cũng là một công đôi việc, vì vào thời gian đó tôi cứ ngày ngày phải qua phố H. trước khi sang phố L, nơi tôi tìm được một việc sau giờ hành chính.

Tôi chỉ việc đi sớm hơn một chút. Khi đi ngang qua lão già mài dao, tôi đều cố ý đi chầm chậm để có dịp thấy gương mặt lão, may ra có thể khám phá ra điều gì.

Nhưng vẫn như hàng chục hàng trăm lần trước, nó chỉ bao gồm những nếp nhăn đan chéo nhau không theo bất cứ trật tự nào. Vả lại cho dù có lần tôi chủ ý gây tiếng động mạnh, đột ngột, thì cũng không thể khiến được lão quay mặt ra cho tôi nhìn từ phía trực diện. Tôi bèn đổi hướng tiếp cận.

Một lần tôi quyết định dành ra cả buổi chiều sau khi lịch làm ngoài giờ hôm đó có chút trục trặc về thời gian. Tôi bèn tìm vào quán cà phê ven hồ, chếch một góc chéo so với chỗ ngồi của lão già mài dao.

Từ trong quán tôi có thể tha hồ quan sát lão già ở phía nghiêng của khuôn mặt. Chủ quán cà phê cũng là một lão già, chỉ khác là lão khá phốp pháp, luôn luôn để tràn ra sự mãn nguyện.

Hẳn trước khi về hưu lão có một công việc béo bở hoặc quán của lão đang ăn ra làm nên. Vì thế, lão tỏ ra ăn nói rất có trách nhiệm, chứ không văng mạng, đầy vẻ uất ức như phần lớn những người bất mãn khác cùng tuổi lão.

Tại thời điểm tôi vào quán của lão đang diễn ra những ngày kỷ niệm lễ lạt, nên lão già treo lá cờ bay phần phật ngay trước cửa và còn kéo hẳn một băng rôn khẩu hiệu đỏ chói, cố ý cho thiên hạ thấy là lão yêu cái cuộc đời này như thế nào.

Tôi đón tách cà phê từ tay lão già như đón một tờ bạc giả. Còn lão già thì chỉ thể hiện sự mặn mà vừa đủ, vì lão biết loại khách đi một mình như tôi sẽ chẳng moi thêm được cắc nhỏ nào ngoài số tiền đã niêm yết trên thực đơn.

Lão bỏ mặc tôi ngồi nhìn ra phía hồ, cầm tờ báo che mặt, chẳng biết lão đọc hay để che những cú ngáp. Tôi không giấu được vẻ khó chịu nhưng cố nén xuống, chỉ để lộ ra chút ưu tư.

Một vài cặp trai gái định vào quán lại quay ra. Điều đó khiến lão chủ quán thất vọng. Lão lầu bầu nói gì đó rồi lại kéo tờ báo che mặt. Bỗng lão già ngồi bật dậy, nhìn thẳng vào tôi như lão vừa nhận ra tôi giống như cái của nợ của lão, hất hàm hỏi không mấy thiện cảm:

-Anh chờ ai à?

-Không, tôi đi làm thêm nhưng được nghỉ nên tranh thủ ngồi thưởng thức chút không khí thanh bình.

-À, tôi cũng đoán thế…

Nói xong câu ấy, lão già phốp pháp có vẻ như đã tìm được chút yên lòng, rằng tôi chỉ ngồi một lát, không trở thành kẻ giám sát thủ thuật móc túi của lão với những đôi trai gái khờ khạo luôn sỹ diện sắp xuất hiện, nên lại lăn kềnh ra chiếc ghế xích đu. Nhưng lần này thì chính tôi muốn làm quen với lão. Tôi hỏi:

-Bác mở quán này lâu chưa?

-Tương đối.

-Hẳn bác phải thông thạo mọi thứ ở đây?

-Thông thạo thì sao? –Lão già có vẻ khó chịu và cảnh giác.

-À, không có chuyện gì đâu. Vì tôi thấy bác và ông ta rất khác nhau…

Lão già nghe tôi ỡm ờ vậy thì xoay người lại, y như con cáo đánh hơi thấy mùi lạ và sau đó lão ngồi hẳn dậy. Tôi biết là lão đã trúng kế của tôi. Với những lão già mà quá khứ thể nào cũng có vấn đề thì thường rất cảnh giác với bất cứ tín hiệu nào bất thường.

-Anh đang so tôi với ai?

Tôi hất hàm về phía lão già mài dao:

-Tôi nói không đúng sao? Bác thì đỏ đắn, phốp pháp, phúc hậu… (tôi nịnh thối lão một câu và đó là tất cả những gì thuộc về phép thuật mà tôi có được với lão già này) trong khi ông ta thì quắt lại như quả mướp khô, y như bộ xương di dộng mà tính tình thì quái đản (tôi bịa ra chứ thực tình tôi chưa bao giờ được nói với ông ta một câu, cũng là cách tôi “bơm” lão già phốp pháp này).

-Anh rất tinh-lão chủ quán đầy hứng khởi ngồi gần về phía tôi-đó là lão già quái đản, một kẻ chết rồi, bốc mùi rồi nhưng chưa chịu xuống mồ, không ai có thể sống được với lão-ngừng giây lát lão ta tiếp-vì thực ra có ai bắt chuyện được với bộ xương ấy đâu?

-Hình như lão ta có vấn đề về thần kinh…?-tôi tiếp tục thứ giọng của loại trí thức mẹ mìn.

Lão chủ quán ngồi dựng lên:

-Quá là có vấn đề đằng khác, anh đúng là người rất giỏi trông mặt mà bắt hình dong. Để tôi kể cho anh nghe…

Cứ thế, như một thùng nước gạo bị thủng đáy, không sức nào còn có thể bịt lại, lão chủ quán tồng tộc kể cho tôi nghe bằng ngữ điệu đầy miệt thị, về lão già mà lão gọi là bộ xương kia. Lão ta cho thấy không gì ở đời này khoái hơn được thoả thê nói xấu người khác. Theo đó lão già ngày ngày ngồi mài dao mà tôi đang kể từng có một tuổi trẻ oanh liệt, từng có những cơ hội vàng để về già thoát cảnh phải ngày ngày mài đũng quần, mài cả cái “chim khô”-lời lão chủ quán- xuống nền xi măng mới kiếm được thứ nhét vào miệng để kéo dài sự khổ ải. Nhưng rồi cái tính khỉ gió của lão đồ gàn cứ cuốn đi tất cả những gì trong tầm tay lão. Không ai chịu nổi một kẻ mà người ta cứ cảm thấy như mình có tội mỗi khi gặp mặt. Phải cho người ta sống nữa chứ. Đời người được bao lăm mà bắt nhau khổ thế. Lão già cứ thế “bật bãi”-lão chủ quán nhấn mạnh hai tiếng bật bãi, như một thứ tai hoạ. Lão có lẽ chỉ ở được với ma…Tóm lại đời lão già như vậy là đáng số. Số sướng không biết hưởng thì khổ là cầm chắc, trách ai bây giờ.

Sau khi kể một lô những tật xấu của lão già mài dao, chủ quán quay sang nói về triết lý sống khôn ngoan của lão. Theo lão thì đại gia hay tiện dân đều có số, do trời cho được vậy hay bắt phải thế. Ngẫm lại thì lão thuộc hàng giữa, chẳng đại gia nhưng cũng không đến mức tiện dân. Lão an nhàn vì lão chấp nhận đi giữa háng của các đại gia. Xấu hổ gì mà phải giấu. Người ta có số, mình không có số, thì mình ké cẩm. Là đại gia người ta có quyền ăn trên ngồi trốc, có quyền sai bảo, có quyền mũ áo sênh sang. Mình ké cẩm được tí nào thì ấm thân tí ấy. Cái số mình nó chỉ được vậy, muốn hơn có mà điên à?

Lão chủ quán đắc chí cười khùng khục. Rồi lão lại chĩa câu chuyện sang lão già mài dao: Kinh Kha thời nay đấy, cả đời mơ làm tráng sỹ hơ hớ…Nhưng lão ta quên mất là sông Dịch Thuỷ bị lấp mẹ nó bằng rác thải rồi. Cũng chẳng có ai đưa tiễn nữa đâu vì họ vào nhà hàng, nhà thổ hết. Mà tội gì không vào. Chỉ có đồ hâm thì mới cứ ngồi đấy mài dao để mưu việc lớn. Nhưng mà loại ấy đúng là chỉ có thể giết ruồi…

Lão lại cười, nước bọt bắn ra như mưa.

-Anh tưởng tôi nói mỉa lão ấy à? Anh cứ ngồi đây lát nữa mà xem, tôi không bịa tí ti nào đâu. Tôi bịa tôi không bằng cái đầu b…anh.

Lần này cả tôi cũng cười. Tôi nhấp chút cà phê để xoá đi khoảng trống vô duyên giữa tôi với lão già phốp pháp này-Không hiểu sao tôi cứ thấy chỉ riêng việc mặt lão cứ đỏ đắn với vẻ hơn hớn thế kia cũng đủ liệt lão vào một hàng với những kẻ bất chính. Bỗng nhiên tôi bị lôi vào thành đồng lõa với lão, nói xấu người khác sau lưng. Lão chủ quán bắt đầu quay sang thu dọn mấy thứ, bởi lão biết tôi sắp đứng dậy và những con “cá sộp” của lão thì cũng chuẩn bị đến nộp mạng. Bỗng tôi thấy lão nói như reo:

-Bắt đầu rồi hi hí…

-Ông bảo cái gì bắt đầu rồi?

-Thì kia, của nợ giở trò chứ còn cái gì, nhìn đi không lại bảo tôi nói láo.

Tôi nhìn về phía lão già mài dao. Vì chỉ nhìn từ phía nghiêng nên tôi thấy mặt lão giống như cái lưỡi rìu. Khi đó trên chiếc loa phường nhạc hiệu sáu giờ chiều bắt đầu nổi lên. Từng tiếng chuông dạo, chậm rãi, nghe vừa như thông báo điều gì đó, lại vừa như tống tiễn điều gì đó khiến không gian nở ra co lại. Trong cái ánh chiều loạng nhoạng đó, trong cái mầu thời gian đang sẫm lại và trong tiếng chuông đón đưa âm điệu mập mờ đó, lão già mài dao chuyển từ tư thế ngồi của Lã Vọng sang tư thế của một võ sĩ Samurai, nghĩa là cực kỳ điềm tĩnh, điềm tĩnh đến độ có cảm giác lão là bức tượng bằng đá, sét nổ bên tai cũng không gợn một nếp thay đổi. Rồi khi tiếng nhạc dồn dập đầy ngập không gian, lão bắt đầu chém những nhát nhanh như chớp. Thực ra chỉ thấy từng vệt sáng chuyển động lên xuống theo một hành trình cố định. Động tác của lão đạt đến mức bất động, thành ra không thể biết là lão đang chém. Chỉ thấy những vệt sáng đan chéo nhau, ánh lên đỏ rực dưới hoàng hôn. Những người qua đường vào đúng thời điểm ấy, không được sớm muộn hơn thời gian bắt đầu và kết thúc bản nhạc, mới có may mắn được thấy một trong những hình ảnh siêu phàm mà ngay cả trên những phim hành động có kỹ xảo cao cường nhất cũng không thể có được.

Bản nhạc chấm dứt, lão già cũng ngừng tay ngay tức khắc. Những mảnh chiều bị cắt nát lập tức liền lại, phẳng lặng như tấm kính trong suốt. Sau đó lão già mài dao nhẹ nhàng thu dọn đồ nghề, không để lại một tiếng động và tan biến mất ngay trước mắt mọi người nơi đầu con ngõ nhỏ.

Nhưng ngay cả khi lão ta đi rồi, thì tôi vẫn thấy ánh hồi quang của những nhát chém có một không hai. Thấy tôi cứ ngay cán tàn, lão già chủ quán cà phê hươ hươ tay như thể xem tôi có còn sống không. Rồi lão buông một câu rất triết lý:

-Đã ngu lại còn tỏ ra nguy hiểm…

Tôi không hỏi lại xem lão nói ai ngu. Tâm trí tôi không còn dành cho lão và khoảnh khắc hiện sinh. Tôi trả tiền lão rồi ra khỏi quán. Tôi chỉ kịp thấy lão già phốp pháp thấm nước bọt quệt lên tờ bạc trước khi đưa nó lên soi soi rồi nhét vào túi. Tôi dò dẫm đến cái nơi vừa xảy ra một trận thư hùng giữa lão già và không khí, bằng tâm thế của kẻ sắp bước qua cửa tử để gặp ma quỷ hoặc kẻ chân tu đắc đạo. Tôi cố nhìn xem nơi lão già mài dao chém những nhát thần sầu, có luồng khí nào bị rạch nát. Bỗng tôi giật sững người: Trên nền xi măng phủ một lớp rêu khô mỏng, la liệt xác những con ruồi. Con nào cũng bị đứt làm đôi, ở phần ngang lưng. n

Hà Nội tháng 10-2012

Truyện ngắn của
Tạ Duy Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG