On hay Off?

On hay Off?
TP - Khi được Tiền Phong đặt viết một bài để trả lời câu hỏi “On hay off trên thế giới mạng?” thì với tư cách một người viết có trách nhiệm, tôi đã cất công đi tìm tư liệu khắp khắp. Kết quả sơ bộ như sau:

> Người đàn bà mơ và năm chú lùn
> Nghệ sĩ xăm mình

Mạng xã hội là một cấu trúc xã hội hình thành bởi những cá nhân (hay những tổ chức), các cá nhân ấy được gắn kết bởi sự phụ thuộc lẫn nhau thông những nút thắt như tình bạn, quan hệ họ hàng, sở thích chung, trao đổi tài chính, quan hệ tình dục, những mối quan hệ về niềm tin, kiến thức và uy tín.

Ấy là Wikipedia tiếng Việt nói như thế. Tôi không biết cái vụ “quan hệ tình dục” có thật chính xác hay không, vì thật ra Wikipedia là cái đồ từ điển ba phải, ai thêm bớt xóa sửa trên ấy cũng đều được cả.

Bạn thậm chí không cần tạo tài khoản, chỉ cần vào bấm chữ “Sửa,” xong rồi điền ba lăng nhăng sai chính tả vào theo kiểu “bố thích thì bố sửa đấy, hê hê làm gì nhau nào,” xong bấm “Lưu thay đổi” thế là xong.

Nhưng nhân nói về “sở thích trao đổi quan hệ tình dục”, hôm trước tôi lại vừa mới đọc một bài trên tờ báo điện tử, bài ấy nói rằng xã hội ta đang có phong trào đổi vợ đổi chồng cho nhau mà không cần sổ hộ khẩu, quả thật là “cách mệnh”.

Lúc ấy nửa đêm, tôi ngồi xem và cười hí hí một mình, hồi lâu tự nhiên thấy cười một mình hoài cũng buồn, bèn vào Yahoo! Messenger, bốc một đứa bạn đang du học ở Mỹ, gửi ngay cho nó và bảo “Xem đi nào hay lắm”.

Gần như ngay lập tức, cái link (tiếng Việt ta tức thị Đường Dẫn) ấy được bồ nó là một đứa hot girl (tức thị Gái Nóng) post (tức thị Đăng Tải) lên trên một cái mạng xã hội nổi tiếng bốn phương là Facebook (tức thị Diện Thư), và chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ đã thâu thập được chừng bốn trăm like (tức thị Ham Thích) và hai trăm rưỡi comment (tức thị Lời Bàn), bao gồm cả những comment đại để “Em ơi, em xinh quá, áo em thật là hở cổ, lần sau em chụp hình nhớ cúi xuống thấp hơn nữa em nhé.”

Những đứa trong friendlist (tức thị Danh Sách Bằng Hữu) của nó cũng thi đua share (tức thị Chia Sẻ) cái link đó và tạo nên hiệu ứng viral (tức thị Truyền Nhiễm hay là sao đó mà tôi không dịch được), và chính là nhờ cái hiệu ứng viral này mà từ bữa đó đến nay ở ta chắc cũng có thêm được vài trăm cuộc trao đổi vợ chồng rồi.

Tôi kể thêm một ví dụ. Năm qua trên ti vi đang phát một chương trình gọi nôm na là “Tiếng Rống,” trong đó có bốn người mặc đồ đẹp ngồi đằng sau bốn cái ghế rất to - tất nhiên là mỗi người một ghế.

Họ nhắm mắt trông phê, ra bộ lắng nghe một người khác đang nhăn mặt nhíu mày vừa hát tiếng Anh vừa cười hở lợi đằng sau, rồi họ sẽ quay lại tháo nhẫn kim cương và nói “Đây chiếc nhẫn kim cương, tiếng Anh của em gọi là golden ring, em hãy đến với anh anh sẽ cho em sờ” và cái người đang hát kia sẽ quăng mi-cờ-rô, nhảy cẫng lên mà rằng “Em đồng ý sờ anh ạ!”.

Cái chương trình ấy rất được chúng ta rất yêu thích, cho đến khi một cái video bị post lên mạng, trong đó ngụ ý rằng cuộc thi “Tiếng Rống” này được dàn xếp kết quả, tức là từ vòng gửi xe thì thắng bại đã rõ.

Mạng xã hội, với sức mạnh kinh điển của nó, đã làm cho cái video này thành ra nổi như cồn, nhà nhà đều biết, đầu làng cuối xóm người ta túm tụm nhau rằng “Biết gì chưa, không phải cứ rống to là thắng đâu nhé.”

Thế là nhà đài trung ương bối rối quá, bèn tổ chức một cuộc họp báo giống như mấy năm về trước đã họp báo vụ một em bé ngủ với giai mà không dùng bao cao su.

Rồi bà giám đốc âm nhạc của “Tiếng Rống” phải đứng trước đám đông nhà báo mà khóc rống, rồi ca sĩ cũng giật mi-cờ-rô mà thét rống, nói chung là rất nhiều sự bối rối đã diễn ra, rồi mọi thứ trở về y như cũ.

Nhưng thôi chuyện tôi vừa kể là để câu giờ cho dài giấy. Bây giờ tôi quay lại với câu hỏi chính “On hay off trên thế giới mạng?”

Phương Tây có câu “Trên mạng không ai biết bạn là con chó.” Sau khi xem mấy trận cãi nhau trên Facebook, tôi nghĩ có lẽ ở ta nên có câu này nhưng dù sao thì chó hay người mặc dầu, sức mạnh của mạng xã hội là không thể chối cãi.

Bạn thấy nó ồn ào, bát nháo, nhảm nhí, và muốn trốn đi ư? Bạn trốn đi đâu, khi ông xe ôm chở bạn từ nhà ra sân bay, khi lấy tiền xong còn hỏi “Facebook của con là gì?” thế còn bà bán bún trước nhà bạn thì nhảy ngựa theo nhịp của bài Gangnam Style khi biết tin con bả được học bổng vào trường dân lập.

Về mặt vĩ mô, như tôi đã nêu, mạng có thể mang lại những nguồn thu khổng lồ trong hoàn cảnh nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Như thế tức là một cách gián tiếp, bạn đang chịu ơn cộng đồng mạng.

Về mặt vi mô, mạng mang lại những giờ phút thư giãn quý báu – cứ mỗi bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, bạn lại được thỏa sức ngắm nhìn những món ăn được post dày đặc trên Facebook.

Mạng lại mang đến những người bạn mới, những người bạn đâu từ trên trời rơi xuống, những người bạn vô cùng thú vị và đầy lòng quan tâm nhiệt thành, mời bạn mua áo ba lỗ với dép đi trong nhà cầu bán một đôi với giá một quai...

Cho nên, tôi thành thật khuyên bạn, hãy sống chung với mạng xã hội, hãy sống vững vàng trong cái thế giới phẳng này, coi như là sống chung với lũ đi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG