Chết được đã tốt, toàn tận thế giả

Chết được đã tốt, toàn tận thế giả
TP - Không thiếu sự nghiêm trang, sâu sắc của nhà văn Tạ Duy Anh trong lúc bông lơn về “ngày tận thế 21-12-2012”.

> Trung Quốc bác bỏ tin đồn tận thế
> Nhà văn Lê Minh Khuê và 'ngày tận thế'

“Toàn tận thế giả” thì có thể nhưng sao lại “chết được đã tốt” hả anh?

Tôi biết chắc chắn chưa tới cái ngày ấy chính nhờ cuộc phỏng vấn của chị. Nếu biết đích xác ngày tận thế thì chắc giờ này chị chả ung dung vừa gõ bàn phím vừa tủm tỉm thế đâu.

Sẽ cuống lên như mọi người- về mở tủ lạnh ra xem còn gì thì chén nốt; sổ tiết kiệm sẽ quăng đầy đường còn tôi thì cố xóa nốt những tin nhắn nóng, vì ngộ nhỡ khi cùng bay lơ lửng trong vũ trụ mà vợ vẫn kịp tóm được điện thoại thì khó mà trong sạch để cùng sang thế giới khác. Sang đấy nó vặt cho trụi nốt tóc.

Tôi nói thế vì tôi không tin tận thế sắp xảy ra, không tin con người lại giỏi giang thế: Chúa tạo ra trái đất thì chỉ Chúa biết ngày nào nó kết thúc. Và biết đâu sau cái ngày ấy bọn mình chỉ toàn chơi, ka-ra-ô-kê, bình thơ và uống rượu…thì đúng là “chết được đã tốt”.

Nhiều người cho rằng cho dù ngày tận thế chỉ là giả tưởng nhưng nó cũng có tác dụng cảnh báo con người trước những nguy cơ do chính họ gây ra? Tôi thì cho rằng đa phần chúng ta “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, bản chất lạc quan có thừa?

Loài người có hai đặc tính dị thường so với các loài động vật khác: Khi là cả đám đông thì không ai dọa được cho họ sợ và không ai khiến được cho họ hết ích kỷ.

Vì thế cái gọi là cảnh báo chả ăn thua gì đâu! Một khi họ biết tất cả sẽ cùng chết (ngày tận thế chẳng hạn) thì họ còn cười như vớ được của nữa cơ, vì họ tin rằng ai đó chết chứ chắc không phải mình (có giời mới hiểu vì sao lại
như vậy).

Chính vì hai đặc tính đó mà giống người chúng mình không bao giờ bay được, cứ bò lê bò la vậy thôi.

Anh từng kể với tôi rằng sống đến tuổi này chỉ sợ mỗi một thứ: con cái. Tôi đã thấy nhiều người gọi mình là “nô lệ da vàng” của con. Như Lê Minh Khuê bị Dương Thu Hương chế giễu “làm như mỗi mình có con” song người bố như anh cũng hiếm? Anh không sợ gì nữa, sợ ai nữa thật à?

Tôi không bao giờ nịnh ai nhưng luôn phải nịnh con vì ngay việc nó chấp nhận thua thiệt, khổ sở để làm con mình, ngày ngày phải nhìn cái mặt mình… đã đáng để mình cúc cung hầu hạ nó suốt đời rồi.

Nịnh khổ nịnh sở, đến mức nhiều lúc muốn quát lên: “Ước gì chúng mày làm bố một lần xem bố khổ thế nào”.

Cứ hôm nào con tôi về mà tôi ở nhà, tôi đều đứng nép vào cửa, huy động các giác quan xem nó vui buồn mức độ nào để còn điều chỉnh âm lượng, vẻ mặt, mức độ cảm xúc… chào nó. Nó mà ban cho nụ cười thì coi như hôm đó thoát nạn, vui tới đêm.

Một trong những điều kiện của việc được sợ con là không có quyền sợ bất cứ điều gì nữa. Tôi phải tu mãi mới đạt được tiêu chuẩn ấy đấy.

À, anh còn có lúc muốn vào chùa đi tu thật?

Nhiều là khác. Thỉnh thoảng tôi cũng thử hình dung xem mình mà xuống tóc thì liệu có khác hổ mang nhiều không? Nhìn chắc kinh lắm.

Cứ nghĩ thế lại thấy không nỡ làm ảnh hưởng đến chốn cửa Phật và những người chân tu. Có lẽ số tôi còn khổ với đàn bà…cho đến hết đời nên không còn thời gian để đi tu.

Anh viết thì ghê, nói mạnh miệng nhưng không thấy đăng đàn bao giờ, nay lại chuẩn bị làm diễn giả trong tọa đàm về Lê Minh Khuê? Nhưng rồi chắc anh cũng bị anh Nguyên và chị Thái cướp diễn đàn thôi (Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái- đồng diễn giả trong tọa đàm về tập truyện ngắn “Nhiệt đới gió mùa” của Lê Minh Khuê 19-12 ở L’Espace).

Tôi được mời ít nhất khoảng 10 lần lên tivi, thậm chí đã được duyệt đưa vào chương trình Người đương thời khi người đẹp Thanh Hạnh còn phụ trách, nhưng đều từ chối.

Tôi bảo Thanh Hạnh rằng: “Cái danh giá ấy anh không có số hưởng đâu, vì anh mà lên tivi thì hôm sau con anh nó không dám đi học nữa đâu, hoặc tệ hơn nó không nhận anh là bố trước mặt bạn bè nó”.

Tôi không thích nơi ồn ào, hầu như không tụ họp ở những nơi long trọng. Vì thế tôi rất hồi hộp cho lần đầu tiên làm diễn…giả! Chắc hề phải gọi bằng cụ mất. Mong chị Thái và anh Nguyên cứ thật lòng và rộng lượng… nói luôn từ A đến Z, tôi xin hậu tạ chai rượu tây.

Gần đây có cuốn “Chết bởi Trung Quốc” của Peter Navarro và Greg Autry, còn anh thì dọa sắp cho ra cuốn “Sống với Trung Quốc”? Cuốn này hình dong mặt mũi thế nào? Vì sao vấn đề này lại khiến anh đau đáu?

Ai chết với Trung Quốc cứ việc chết chứ người Việt thì không bao giờ. Chính vì không bao giờ chúng ta chết bởi Trung Quốc nên chỉ còn vấn đề làm sao để có thể sống đàng hoàng, bình đẳng với họ (ngược lại họ cũng thế).

Điều đó thôi thúc tôi dành ra một năm để viết khoảng 60 trang sách với cái tên như chị vừa nêu, với mục đích hiến kế. Trong lời tự bạch tôi tự cho mình ba tư cách để làm điều đó: Tư cách con dân Việt, tư cách chiến binh Việt bẩm sinh và tư cách một kẻ cầm bút Việt. Nó sẽ nằm trong cuốn tản văn: Nghĩ mãi không ra.

Cái tên thú vị gớm, làm tôi nhớ “Có gì cứ nói ra đi” (Trương Nghệ Mưu), “Hễ sướng thì hét lên” (Trì Lợi). Sao lại là nghĩ mãi không ra? Anh thích tản văn, tạp văn của nhà văn nào?

Tôi thích đọc nhất những bài giống như tản văn (về mặt kích thước bên ngoài) của Phạm Thị Hoài, một số tản văn của Nguyễn Việt Hà, Bảo Ninh. Nói chung ở ta ít người dám viết thể loại này.

Ở nước ngoài có lẽ người ta coi tản văn, tạp bút và tiểu luận là một, chẳng hạn của Octavio Paz, Lỗ Tấn, Bá Dương, Nikolai Roerich…Tôi chỉ kể vài người thôi, số tôi thích thì còn nhiều.

Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.