Người anh hùng đánh B52 được tôn vinh về nghệ thuật rối nước

Người anh hùng đánh B52 được tôn vinh về nghệ thuật rối nước
TP - Tham gia cả chiến dịch Điện Biên lẫn “Điện Biên phủ trên không”, là một trong những chỉ huy xuất sắc, lập nhiều chiến công, ông Đinh Thế Văn còn được Bộ Văn hoá-Thể thao & Du lịch tôn vinh do những đóng góp trong việc phát huy nghệ thuật biểu diễn rối nước.

> Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52
> Khiêu vũ với tử thần
> Những anh hùng ‘khắc tinh’ ngáo ộp B52

Nhiều người biết đại tá Đinh Thế Văn, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Tên lửa phòng không 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) là một trong những chỉ huy xuất sắc trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” 40 năm trước.

Nhưng việc ông từng tham gia chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954, rồi được Bộ Văn hoá-Thể thao & Du lịch tôn vinh do những đóng góp trong việc phát huy nghệ thuật biểu diễn rối nước của quê hương thì còn ít được biết đến.

Bản lĩnh thời chiến và thời bình

 (từ phải sang) Kíp chiến đấu đầu tiên bắn B52 bằng phương pháp Vượt nửa góc: Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (tiểu đoàn trưởng), Nguyễn Văn Đức (sĩ quan điều khiển), Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà), Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly). Ảnh: K.N chụp lại
(từ phải sang) Kíp chiến đấu đầu tiên bắn B52 bằng phương pháp Vượt nửa góc: Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (tiểu đoàn trưởng), Nguyễn Văn Đức (sĩ quan điều khiển), Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà), Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly). Ảnh: K.N chụp lại.
 

Người anh hùng năm xưa tiếp tôi bình dị tại nhà ông (thôn Đào Thục, Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội). Câu chuyện lần hồi trở về gần 60 năm trước, khi Đinh Thế Văn là một thanh niên 16 tuổi.

Lúc đó địa phương có đợt tuyển bộ đội, Đinh Thế Văn hào hứng tham gia nhưng không được tuyển vì chỉ nặng 38kg. Đến tháng 2-1954, có đợt tuyển thanh niên xung phong, ông lại tham gia và được tuyển.

Ở đoàn thanh niên xung phong một tháng với nhiệm vụ phá đá làm đường, đơn vị của Đinh Thế Văn được chuyển sang biên chế quân đội. Khi đó, ông đã kê hai viên gạch dưới chân để tăng thêm chiều cao nhưng vẫn bị loại vì lý do cân nặng.

Khi đơn vị hành quân được một cây số, ông quyết định đuổi theo và năn nỉ Ban chỉ huy cho mình tham gia. Khi đó, chỉ huy đơn vị khuyên ông nên ở lại để học y sĩ, nhưng Đinh Thế Văn vẫn không chịu.

Trước sự kiên trì của ông, chỉ huy đơn vị đành đồng ý để ông nhập ngũ, tham gia chiến dịch Điện Biên. Tại đây, ông được huấn luyện xạ kích, sau đó trở thành chiến sĩ 12 ly 7 phòng không đánh tại đồi Him Lam. Sau giải phóng Điện Biên, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội rồi chuyển ngành sang công tác tại nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (Phú Thọ).

Công tác tại đây, ông học xong phổ thông, sau đó trúng tuyển vào khoa Vô tuyến điện Trường Đại học Bách khoa. Nhưng khi mới học được một tháng (cuối năm 1965), ông lại tái ngũ và được biên chế vào tiểu đoàn 77, sau đó trở thành tiểu đoàn trưởng tham gia chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”.

Kết thúc chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”, Đinh Thế Văn được lên làm tham mưu trưởng trung đoàn 257, được cử đi học tại Học viện Phòng không. Năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá.

Góp sức dựng thuỷ đình

Trở về địa phương, ông thấy truyền thống rối nước của quê hương bị mai một nên tìm cách phục hồi. Bởi trước đây, bố ông cũng là một nghệ nhân rối nước, trước khi qua đời đã dặn con trai sau này nếu cần phải đóng góp công sức giữ gìn truyền thống rối nước của địa phương.

Đinh Thế Văn cùng các cụ trong làng đã vận động mọi người xây dựng một thuỷ đình hoành tráng để phát triển nghề rối nước. Phường rối nước của làng khởi sắc trở lại, thu hút được khách đến xem, trong đó có cả du khách nước ngoài.

Đến đây, người xem thích thú khi được thưởng thức những màn rối nước truyền thống, đặc biệt là tiết mục “Bộ đội tên lửa Việt Nam đánh B52” do Đinh Thế Văn dựng kịch bản. Phường rối nước Đào Thục sau đó vượt ra khuôn khổ của làng để đi biểu diễn ở nước ngoài.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, người chỉ huy từng có những phát kiến đánh B52 năm xưa đã trở thành một nghệ nhân rối nước. Tháng 10-2010, Hội Di sản Văn hoá Thăng Long- Hà Nội đã tặng ông danh hiệu Người bảo vệ di sản văn hoá do đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Năm 2011, Bộ Văn hoá-Thể thao & Du lịch cũng tặng Đinh Thế Văn, Nghệ nhân múa rối nước Đào Thục Kỷ niệm chương vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành văn hoá, thể thao, du lịch.

Cùng với việc phát triển di sản văn hoá phi vật thể, Đinh Thế Văn còn góp phần tu bổ lại đình Đào Thục, chùa Thanh Phúc, hai di tích được xây dựng tại địa phương từ nhiều thế kỷ trước.

Ông cũng là người đưa sáng kiến quảng bá phường rối nước tại quê hương trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời kết hợp giới thiệu nghề mộc của địa phương đến với người tiêu dùng.

Đến nay, làng rối nước Đào Thục đã trở thành một điểm đến của các khách du lịch, nghề mộc của làng cũng thu hút được hàng trăm lao động nhờ tiêu thụ được sản phẩm. Đóng góp của một người lính từng tham gia hai chiến dịch Điện Biên năm xưa lại được phát huy trong thời bình.

Đột phá phương pháp đánh B52

Năm 1972, đơn vị đại tá Đinh Thế Văn được bố trí tại trận địa Chèm, hướng chính để bảo vệ khu trung ương Ba Đình và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu, ông thấy trong tài liệu đánh B52 của ta thời đó, có hai cách hạ B52 là phương pháp Ba điểm và phương pháp Vượt nửa góc.

“Phương pháp Ba điểm là khi Đài ra-đa, tên lửa và mục tiêu nằm trên một đường thẳng sẽ ấn nút hạ mục tiêu. Phương pháp này không phát sóng để vạch nhiễu tìm B52 nên tránh được sơ-rai (một loại tên lửa không đối đất) của địch, nhưng không phát huy được cách bắn tự động và một lúc thường phải bắn nhiều tên lửa.

Trong khi đó phương pháp Vượt nửa góc là phải điều khiển tên lửa sao cho luôn đón trước nửa góc so với mục tiêu. Cách đánh này là bắn đón, xác suất vừa cao, vừa tiết kiệm đạn” - đại tá Văn lý giải.

Thời gian này, ta hầu như không áp dụng phương pháp Vượt nửa góc, bởi dễ bị sơ-rai của địch phản pháo lại khi ta chưa kịp hành động. Đại tá Văn tâm sự: “Lúc ấy, tôi nghĩ phương pháp Ba điểm vừa tốn đạn vừa kém hiệu quả. Bởi giá trị một quả tên lửa thời ấy rất lớn nên không thể sử dụng phí phạm được. Tôi nghĩ đến chuyện tắt bật ra-đa mà không phát sóng liên tục để địch khó phát hiện, sau đó tập luyện kíp chiến đấu (gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ) phối hợp ăn ý để thao tác làm sao trong vòng 60 giây phải hoàn thành một trận đánh B52 bằng phương pháp Vượt nửa góc”.

Sau khi tập luyện xong, tiểu đoàn 77 sẵn sàng chờ địch trên bầu trời Hà Nội. Đại tá Văn nhớ lại, đêm 18-12-1972, hơn 23 giờ, thực hiện phương pháp Vượt nửa góc, B52 đã bị tiểu đoàn 77 bắn rơi tại chỗ rạng sáng 19-12, xác rơi xuống địa phận xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Toàn trận địa hò reo vui sướng. Đây là chiếc B52 thứ 2 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

Sau trận đánh này, đồng chí Văn Giang, Chính ủy Sư đoàn 361 đã nói: “Cậu Văn đã mở mắt rồi, các chú cứ mạnh dạn đánh”. Đó là cách nói về phương pháp bắn đã được ông Văn hoàn chỉnh. Tiểu đoàn 77 trở thành một trong 2 đơn vị hạ được nhiều B52 nhất trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”. Tiểu đoàn được phong anh hùng, tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. K.N

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.