Khi Anh Thơ không ngại hát nhạc ngoại

Khi Anh Thơ không ngại hát nhạc ngoại
TP - Liveshow Anh Thơ- Việt Hoàn tên gọi Vĩ thanh với mong muốn sau hạ màn sẽ còn để lại những tiếng vang tốt đẹp trong lòng khán thính giả. Chắc chắn một điều là đêm nhạc hé mở khá nhiều bất ngờ về hai giọng hát đã có một vị trí “an toàn” trong dòng nhạc tạm gọi chính thống.

> Anh Thơ: Một số ca sĩ trẻ rất lười
> Anh Thơ lo khán giả hoang mang

Bất ngờ nhất chính là tiếng hát cực to khỏe của Anh Thơ. Phần đầu chương trình chị hát khá bình thường trong phong cách quen thuộc. Anh Thơ đã có tiếng với cách hát pha trộn âm hưởng dân gian với kỹ thuật thính phòng phương Tây.

Chị dứt khoát không hát kiểu mềm mỏng, thẽ thọt nghiêng về dân gian hơn như các đàn chị đi trước: Thương Huyền hay Hương Lan (hải ngoại)… Cách hát vang, khỏe của Anh Thơ gây ảnh hưởng đáng kể với lớp ca sĩ đi sau, tạo nên cả một trường phái hát nhạc âm hưởng dân ca theo kiểu hiện đại.

Trong đêm Vĩ thanh (8,9-12 tại nhà hát Âu Cơ, Hà Nội), Anh Thơ không hát nhiều những bài thuộc dòng nhạc sở trường, chỉ có Anh ở đầu sông em cuối sông và Trước ngày hội bắn (song ca với Việt Hoàn), Về quê, Xa khơi, Mẹ yêu con, Ngẫu hứng giao duyên. Màn diễn không nhạc đệm Xa khơi đạt đến độ hoàn hảo.

Anh Thơ hát xong, đi vào ngay trong tiếng vỗ tay của khán giả, bỗng MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng gọi giật lại để tặng hoa. Anh cho hay đáng ra định tặng lúc hạ màn nhưng vì hát hay quá nên tặng luôn.

Nhờ đó anh mới nhận ra Anh Thơ đang… khóc vì xúc động. Ở phần đầu của chương trình, khán giả chỉ chực vỗ tay mỗi khi Anh Thơ cất lên một câu hát quen thuộc.

Phần sau chương trình, Anh Thơ mạnh dạn dùng cách hát đặc thù của mình cho bài Niệm khúc cuối song ca với Việt Hoàn. Giọng Anh Thơ có thể luyến láy khá tự nhiên, không phải cố và do đó khó ai có thể hát Niệm khúc cuối theo kiểu của Anh Thơ.

Vì là một thạc sĩ kiêm giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia, nên việc hát vang khỏe kiểu opera cũng là một kỹ năng sẵn có của Anh Thơ.

Chị thể hiện điều đó trong Thương lắm tóc dài ơi, và đến Mùa thu không trở lại- tiếng vỗ tay giảm hẳn đi. Chắc khán giả còn đang ngỡ ngàng vì Anh Thơ hát một số chỗ quá to, vang hết cỡ.

Âm lượng của chị không chỉ quá so với cách hát cố hữu của chính chị mà có khả năng khiến cả các diva cũng phải e ngại.

Nếu có một cuộc thi về kỹ thuật hát to, Anh Thơ là ứng viên nặng ký. Tiếc là cường độ âm thanh của Thơ có vẻ bị… phí đi khi áp dụng vào một bài hát trữ tình, nhẹ nhàng.

Sang các bài chất Tây hẳn thì Anh Thơ không gây xáo trộn gì về việc pha trộn kỹ thuật nữa. Chị cũng bỏ bớt bản Serenade (thường gọi là Nhạc chiều) của Schubert ra khỏi đêm diễn 8-12.

Trong bài song ca kết Time to say goodbye (tất cả những bài nước ngoài trong Vĩ thanh đều được đặt lời Việt), Anh Thơ một lần nữa khoe giọng cực khỏe nhưng lần này thì hợp lý hơn.

Anh Thơ từng tâm sự việc dạy thanh nhạc hàng ngày đã rèn cho chị một nền tảng kỹ thuật vững chắc và chị đã chứng tỏ điều đó trong đêm Vĩ thanh.

Anh Thơ hát trọn vẹn về kỹ thuật từ đầu đến cuối chương trình. Vấn đề còn lại chỉ là xử lý sắc thái to nhỏ và khán giả có thích phong cách lạ của chị mà thôi.

Anh Thơ đã ra một đĩa gồm toàn những bản aria (trích đoạn opera) tiếng nước ngoài nhưng không quảng bá rộng rãi. Chị lại còn đang làm bằng tiến sĩ thanh nhạc. Có nghĩa là kỹ thuật hát cổ điển phương Tây của Anh Thơ còn tiếp tục nâng cao và khả năng sẽ còn nhiều bất ngờ dành cho những ai vốn yêu thích chất giọng dân gian này.

Việt Hoàn hát nói chung không có gì để chê nhưng đặt bên cạnh Anh Thơ quá mạnh về kỹ thuật đâm ra hơi thiệt một tẹo.

Qua chương trình này, có thể thấy giọng hát khá cao và vang của anh khá đắc địa trong các bản nhạc sôi động như Tình ca du mục (tựa gốc: Those were the days) hay Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta. Khác với Anh Thơ ít di chuyển, Việt Hoàn khá uyển chuyển trong các bước nhảy.

Với những bài chậm, sâu lắng anh hay có kiểu giơ tay trước mặt (như đang vạch một cái màn gió tưởng tượng), mắt nhìn xa xăm có vẻ hơi “văn công tỉnh”.

Vĩ thanh chính là số tiếp theo của loạt chương trình Câu chuyện Âm nhạc chuyên giới thiệu các tài năng trẻ hoặc chưa được nhiều người biết đến. Kiểu Anh Thơ và Việt Hoàn thì nhiều người biết rồi nhưng có vẻ như vẫn chưa thành công (về tiền bạc, danh tiếng) hết mức có thể.

Có thể gọi họ là những nghệ sĩ công chức- khi ngoài thời gian cống hiến cho nghệ thuật- vẫn phải lo những phần việc thuộc về cơ quan đoàn thể.

Những nghệ sĩ như họ dễ bị đánh giá là “ngồi mát ăn bát vàng” khi đã có sẵn một kho tàng các bài hát nổi tiếng gắn với các giai đoạn lịch sử nước nhà cứ thế đem ra mà xào nấu lại.

Nhưng nghĩ kỹ thì vai trò của họ cũng khá quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy một thứ di sản âm nhạc quốc gia, chẳng hơn đi bảo tồn hộ cho nhạc cổ điển phương Tây?!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG