Đam mê - thất bại của phim luận đề

Đam mê - thất bại của phim luận đề
TP - TS Ngô Phương Lan, Giám đốc LHPQT Hà Nội cho biết Đam mê được một hội đồng tuyển chọn, vượt qua 6 phim để cùng với Thiên mệnh anh hùng tranh giải. Không biết hội đồng này có những ai mà chơi khăm điện ảnh nội thế. Hay dốc cả vốn liếng lúc này cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Tối nay bế mạc trao giải LHP ở Cung Văn hóa Hữu nghị, trực tiếp trên VTV2 và VTV4.

> 'Vô vọng' - đối thủ của 'Đam mê' ?
> Đêm tĩnh lặng thách thức LHP Quốc tế Hà Nội

Có đam mê ắt trả giá

Trong gia đình ông Tư Dược, ai cũng có đam mê: Ông mê nuôi hổ, chinh phục hổ; anh con trai tên Hoàng mê kinh doanh nhất là kinh doanh mật gấu. Cô con gái Nhã Lâm mê làm người mẫu.

Theo đạo diễn, những người này không chỉ đam mê mà còn dùng thủ đoạn để ngăn cản đam mê của người khác, và “bộ phim chạm tới vấn đề lớn của thời đại”. Bi kịch là không tránh khỏi với những người theo đuổi đam mê.

Hoàng (Hứa Vĩ Văn) sau khi đứa con trong bụng vợ chưa sinh ra đã chết thì đâm hóa dại (ai bảo ác với gấu quá). Ông Tư, cuối phim gia đình đổ vỡ, đành thả hổ về rừng. Kim Kim- vì mê lên sàn mà bị bạn diễn hại đến tàn phế. Đạo diễn có vẻ ưu ái Út Lâm hơn cả, hình như ông cho rằng đam mê của cô chính đáng, nên không sao.

Khán giả chỉ thấy càng về cuối phim cô càng có vẻ điên điên khùng khùng nói cười ngô nghê, hành xử vô lối. Lúc nào cũng trong bộ dạng ma-nơ-canh. Đi trong rừng, ra mộ mẹ kêu khóc cũng quần là áo lượt dài quét đất, phấn son lòe loẹt.

Đó là cái kết phim. Xong luận đề về sự đam mê, trả giá. Và người ta đã xử lý bộ phim như thế nào?

Thất bại

“Nuôi thú là sở thích riêng của ba. Ba đã nói hàng trăm lần rồi mà không đứa nào chịu hiểu”- vừa vào phim, ông Tư đã tuyên ngôn. Cuối phim ngậm ngùi thả hổ về rừng (về với tự nhiên), có con ngần ngừ chưa chịu đi, ông triết lý: “Đi đi con. Không chống được quy luật đâu con ạ”.

Đây là một trong những đoạn thoại mô tả cảnh các nhân vật bộc lộ và ngăn cản đam mê của nhau: “Đó là cái nghề phù phiếm, đi ra đi vào uon éo hở hang chỉ phục vụ thị hiếu tầm thường”.

“Ba chưa xem con biểu diễn, sao lăng mạ niềm đam mê của con. Thế niềm đam mê nuôi hổ của ba thì ích lợi gì. Ngày xưa mẹ đã bị hổ hại chết, lẽ ra ba phải từ bỏ những con vật độc ác đó. Chừng nào ba từ bỏ niềm đam mê nuôi hổ thì con mới từ bỏ đam mê làm người mẫu”.

Khi Khởi, tay nuôi hổ có nhiệm vụ giám sát Lâm theo lệnh cha cô, tịch thu điện thoại để cô khỏi kết nối với thế giới hào nhoáng bên ngoài, cô khóc: “Bây giờ còn cấm cả tự do ngôn luận nữa sao”.

Phim mở đầu bằng cảnh gặp gỡ của ông Tư và Kim Kim trong một đêm mưa, quay khá ấn tượng, có vẻ bí ẩn, đâm ra kỳ vọng. Tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, mỏi cổ chờ một cảnh có vẻ tự nhiên, không bị dắt mũi, góc quay lạ, diễn xuất hợp lý mà… khó. May ra Quý Bình (Khởi) gương mặt, ánh mắt điện ảnh hơn cả, cũng được vài xen dễ chịu.

Còn lại bối cảnh phim quanh quẩn ở trang trại hổ, khu nhà gỗ đẹp của cha con ông Tư, và sàn diễn với không khí cũng giả như chốn trang trại kia.

Ngoài những con hổ im lặng trong chuồng (có quậy phá ở cuối phim) và gấu đôi lần lên bàn hút mật, thì các nhân vật chủ yếu gặp nhau để căng thẳng phát ngôn chủ đề của phim.

Tình cờ gặp ở nơi xa lạ, ông Tư mời Kim Kim (Kim Khánh) với di chứng là cái chân thọt - theo ông về trang trại an cư, mục đích “mở mắt” cho con gái biết cái giá phải trả cho nghề người mẫu.

Nhã Lâm được gặp thần tượng thì hớn hở song vừa nghe đàn chị kể về tai nạn nghề nghiệp, lập tức bị ám ảnh, đêm ngày gặp ác mộng: Đang say sưa “catwalk” thì bị đám thủy tinh nhọn hoắt chờ sẵn phía dưới đâm chân ngã nhào- y như Kim Kim.

Nhưng rồi đam mê đã thắng, bị quản thúc cô vẫn suốt ngày trèo ghế leo bàn, đạo cụ có thêm cái vò trên đầu để tập catwalk khiến cho bố và anh, và Khởi (anh người làm trông nam tính) chỉ còn biết ngẩn ngơ dõi theo.

Trung Dũng, Kim Khánh có vẻ mặt trầm trọng từ đầu đến cuối. Trung Dũng trầm trọng chắc vì nhân vật Tư thường xuyên tiếp xúc với hổ. Nhìn Kim Khánh già nua xiêu vẹo đi lại đã ái ngại, chưa cần cảnh bạo lực thủy tinh đâm nát chân.

Cô kể kết cục của những đồng nghiệp đã hại mình: “Bảo Hoa tự sát bên Mỹ; Kiều Hạnh, Mỹ Hoàng ngơ ngác trong viện tâm thần; Lam Kiều thì vật vờ trong trại cai nghiện - toàn những tên tuổi lẫy lừng làng thời trang bao năm qua”. Tóm lại, một bọn đam mê - trả giá nữa!

Thấy Kim Khánh là thấy sự nặng nề, nào luận về người mẫu đích thực, cái đẹp thăng hoa, về bản năng, đam mê, tự trọng, vân vân.

Ông Tư chỉ cho cô cái chuồng hổ, nói: “Khi lũ hổ bị thuần phục, sẽ tự nguyện vào sau song sắt”, Kim Kim: “Ông hy vọng điều đó sẽ xảy ra với Nhã Lâm à. Nhã Lâm là một tài năng lớn trên sàn diễn với đam mê không ai ngăn cản nổi, đánh thức đam mê đã tắt của tôi”.

Tóm lại, người xem khỏi nghĩ khỏi cảm, bởi luôn bị tranh mất. Để họ cảm nhận lấy thì có mà hỏng bét ý đồ nhân văn.

Trúc Diễm - người mẫu, được đạo diễn đánh giá “thông minh, có học, khả năng tập trung tốt” cũng khốn khổ không kém. Bắt gặp tảng lưng đầy vết thương của Khởi- người có vẻ cảm tình với cô, Lâm của Trúc Diễm thảng thốt: “Ai là tác giả bức tranh rùng rợn này?”.

Đương nhiên đó là cha cô do Trung Dũng thủ một vai không ra vai y như cô, trong một bộ phim luận đề thất bại hoàn toàn và như không có người chỉ đạo diễn xuất.

Phim dở nhất năm nay, hay bất cứ năm nào - xin đề cử Đam mê, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Phi Tiến Sơn, quay phim Lý Thái Dũng - toàn người làm điện ảnh có danh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG