Đặt sẵn bia mộ cho phim nhựa

Đặt sẵn bia mộ cho phim nhựa
TP - Ông Ian Riches mang đến hình ảnh thú vị về thời điểm an nghỉ cận kề của dòng phim nhựa 35mm, tại hội thảo quốc tế trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội, sáng qua 28-11.

> 'Vô vọng' - đối thủ của 'Đam mê' ?
> Nghệ sĩ quốc tế nói gì ở LHP Quốc tế Hà Nội?

Xu hướng phát triển điện ảnh thời kỳ công nghệ số là nội dung hội thảo- với sự tham gia của hàng chục đại biểu quốc tế. Những kinh nghiệm, chia sẻ của họ khiến hầu hết cử tọa ngồi lại đến gần 1h chiều.

“Ở Pháp hầu hết phim đều quay theo định dạng kỹ thuật số, trừ một số đạo diễn muốn làm phim chú trọng nghệ thuật vẫn giữ cách quay với 35mm. Tuy nhiên, cơ sở xử lý hậu kỳ cho dòng phim này ngày càng ít, đặc biệt cuối năm nay không còn rạp chiếu phim 35mm nữa”- bà Claire Lajoumard của Acrobates Films nói.

Không riêng Pháp, đây là xu thế phát triển chung của thế giới. Ở châu Âu, người ta tổ chức rất nhiều hội thảo cho các nhà sản xuất phim bằng kỹ thuật số, nhất là khâu hậu kỳ. Bà Claire nhấn mạnh, nếu cứ giữ thể loại phim 35mm thì sẽ rất khó giới thiệu phim ra quốc tế.

Còn nhớ, tháng 7 vừa rồi Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan chủ trì hội nghị “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành, phổ biến phim giai đoạn 2012-2015”, từng nói hầu hết LHP quốc tế không còn nhận phim 35mm nữa.

Giới điện ảnh nước nhà cũng dự đoán đến 2015 hình thức làm phim nhựa chẳng còn đất sống. Sáng nay, ông Ian Riches, Giám đốc Golden Duck International mở đầu với hình ảnh ấn tượng: Thể loại phim 35mm được khắc trên bia mộ với dòng chữ Xin hãy an nghỉ, ghi tuổi thọ 1892-2013.

Có thể kể ra nhiều lí do dòng phim 35mm sắp vào bảo tàng: Chi phí ngày càng đắt đỏ; một số hãng như Kodak, Fuji không còn sản xuất phim 35mm nữa; quan trọng là chất lượng hình ảnh và âm thanh không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ số.

Quay phim bằng kỹ thuật số sẽ phát triển phong cách làm phim mới. “Tôi có dịp ra rạp trong khuôn khổ LHP này, tôi nhận thấy phim 35mm bị xước, màn hình đen hơn và bị co”.

Điện ảnh Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, nhưng bắt kịp xu thế này là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự vào cuộc của cả nhà nước lẫn tư nhân. Phí chuyển đổi một phòng chiếu thường sang kỹ thuật số mất chừng 60-70 nghìn USD, ước tính của Ian Riches.

Ở Hollywood, các hãng phim trích một khoản đóng góp cho các rạp chiếu trong quá trình chuyển đổi thành phòng chiếu kỹ thuật số.

Ông Jean Francois Merle- Giám đốc điều hành 3 cụm rạp ở Paris khuyến cáo: “Chúng tôi vừa thay đổi thiết bị cho 15 rạp chiếu ở Paris. Tôi cho rằng các bạn không nên cứ chạy theo sự thay đổi công nghệ, điều quan trọng là phải chọn được thiết bị phù hợp cho từng rạp chiếu. Nếu được, các bạn nên đàm phán với nhà cung cấp, bảo hành trong 10 năm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG