Người trong lồng

Người trong lồng
TP - Mưa găm từng tia xuống mặt đường đất. Ẩm ướt và ầm ĩ theo kiểu một lũ ruồi điên cuồng đập cánh trong khoang cái xe khách.

> Em bé bụ bẫm
> Người tình pha lê

Minh họa: Đỗ Phấn
Minh họa: Đỗ Phấn.

Vài gương mặt hành khách trống rỗng tì lên cửa kính mờ mịt. Tôi hờ hững gấp lại quyển sách đã để mở khá lâu trong lòng mà chưa đọc lấy một trang, quyết định hành động theo bầy đàn, áp má vào lớp kính lạnh, cố nhìn ra ngoài.

Chiếc xe khách chúi xuống, rồi nghiêng khi bị sa lầy ở bánh phải phía trước. Mỗi lần rồ ga, cả không gian chật hẹp hình hộp chữ nhật đầy ắp những con người nhăn nhó mệt mỏi lại lồng lên.

Sáng hôm qua, khi thức dậy, một cơn chán nản đột ngột xâm chiếm cơ thể tôi. Theo sau chán nản là mệt mỏi. Chúng lan nhanh tới mức, chỉ sau vài giây, tôi đã mất quyền sở hữu cơ thể của mình. Tôi không muốn ngồi dậy, tôi không muốn đi làm, không muốn cử động dù chỉ một ngón tay của mình.

Tôi nằm đó. Và nghĩ.

Tại sao sáng nào tôi cũng phải thức dậy, đi làm cái công việc tôi không muốn làm. Ngày nào cũng như ngày nào. Điên cuồng khốn khổ mệt mỏi xoay vòng như cái lốp bánh xe đạp đã mòn vẹt cũ rích.

Vì cái gì nhỉ? Duy trì sự sống? Kiếm tiền để nuôi sống, nhét thức ăn vào cái cơ thể chán nản này. Để được mang tiếng là ổn định và bình thường?

Hèn hạ quá.

Tôi nhắm mắt. Một cơn thất vọng lan từ đỉnh đầu rồi mắc lại ở cổ họng.

Mình không muốn sống thế này.

Tôi điện thoại tới công ty xin nghỉ.

Giọng gã giám đốc léo nhéo, ngái ngủ trong điện thoại:

- Hôm nay à?

- Không. Tôi nghỉ luôn.

- Hả? Gã rú lên trong điện thoại - Tôi có cảm giác đắc chí trong vài giây.

- Còn việc cô đang phụ trách? - Gã hỏi, như tự động. Tôi bật cười:

- Anh có thể tuyển người khác. Chuyện ấy không khó.

- ...

Tôi tắt máy. Đến trưa. Tôi nhồi đầy một ba lô, một cái ví đầy tiền. Ra ga. Bắt chuyến tàu đầu tiên lên một tỉnh miền núi. Xuống tàu, lại lên xe khách. Đi mải miết. Và bây giờ, thì bị mắc kẹt trên cái xe bị sa lầy, trong cơn mưa trống rỗng này.

Mình còn làm cái quái gì ở đây nhỉ? Tôi lẩm bẩm rồi đứng bật dậy, vơ vội cái ba lô đặt dưới chân, chen qua một đám người lố nhố. Tới cửa, tôi chụp vội cái mũ lên đầu, lao xuống xe.

Mưa nặng hạt, gần như chẳng thể nhìn thấy gì sau màn mưa kinh khủng ấy. Tôi nhắm tịt mắt, chạy vào núp dưới một cái cây khá to ven đường. Cách đó vài mét, cái xe khách vẫn đều đặn rồ ga lên từng hồi bất lực.

- Mặc xác các người - Tôi lẩm bẩm, đeo ba lô, mặc áo mưa phủ ra ngoài, thẳng hướng ngọn núi trước mặt, cắm cúi đi.

Tôi sẽ leo lên đến đỉnh. Lên đó, sẽ có câu trả lời tiếp theo.

Con đường mòn nho nhỏ chỉ vừa một người đi. Bùn đất nhoen nhoét. Có đường là có người. Tôi bẩm lẩm, đếm nhịp bước chân của mình.

Một, hai, một, hai.

Tôi không kiếm tìm cái gì cả. Tôi đang đi vào trong chính mình.

Đi được một đoạn khá dài. Xuất hiện một con suối nằm vắt ngang đường.

Tôi quyết định ngồi nghỉ khi phát hiện có tảng đá khá bằng phẳng ngay mép suối. Mưa bắt đầu thưa dần. Núi rừng xanh mướt. Đẹp lấp lánh trong thứ mưa có hạt nho nhỏ phân phất đan chéo.

Tôi nhớ tới cái màn mưa trắng xóa khi nãy, tới con chim họa mi trong lồng ở khu chợ và bất giác thở dài trong khi hai hình ảnh ấy xoắn lấy tâm trí.

Tôi không nhớ mình đã ngồi bên bờ suối ấy bao lâu. Chỉ đến khi mưa ngừng hẳn, khi thứ ánh sáng của mặt trời làm sáng bừng bầu trời buổi chiều và phủ một chút ấm áp lên cơ thể, tôi mới kéo mình ra khỏi đống suy tư hỗn độn của mình.

Tôi vươn người đứng dậy, cởi bỏ cái áo mưa. Trong lúc chân tay khua khoắng, một chân tôi đá phải chỗ hõm nơi phiến đá đang ngồi, rồi kẹt luôn ở đấy.

Loay hoay, tôi cúi xuống, định bụng rút chân trần ra trước, sau đó sẽ tìm cách lấy chiếc giày. Khi gạt đám cây cỏ mọc chi chít quanh chỗ hõm sang một bên, tôi bất giác ớ lên một tiếng. Lộ ra bên dưới, là một bức tượng đá bán thân một người đàn bà.

Tôi đã ngồi trên hông của bức tượng, và chân phải thì đang kẹt đúng khe đùi, chỗ áp sát với mặt đất.

Bức tượng khá đẹp. Một người đàn bà khỏa thân. Tóc dài che một bầu ngực. Phía ngực còn lại nằm sâu trong đất. Nàng nằm nghiêng. Hai chân kể từ đùi cũng được chôn xuống đất.

Tôi rùng mình. Chân đột nhiên tuột ra khỏi bức tượng.

Ôm cái ba lô, tôi chạy mải miết về phía trước. Không phải sợ hãi. Hoàn toàn không phải sợ hãi. Tôi chạy, khi cảm giác bi thương dâng lên trong lòng. Tôi thấy ngộp thở. Chạy một lúc, tôi đã phải dừng lại để thở. Tôi dựa hẳn vào một cái cây. Xù xì.

Ở cái nơi khá cao này, qua những ngọn cây. Tôi vẫn nhìn thấy cái xe khách khốn khổ nằm chềnh ềnh giữa đường. Tôi đồ rằng nó đã chết máy hẳn. Có lẽ đám người kia sẽ phải nghỉ lại đây đêm nay.

Con đường núi vắng tanh này cả ngày chắc chỉ có một chuyến xe chạy qua. Và chuyến xe duy nhất ấy thì đang phơi mình đằng kia. Đi tiếp. Trưa mai tôi vẫn có thể quay lại kịp lúc chuyến xe thứ hai chạy qua đây.

Tôi bần thần ngửa mặt lên trời. Phía xa xa, có thứ gì như một cột khói. Tôi xốc lại ba lô. Men theo mấy vệt lõm dưới đất, mải miết đi về phía cột khói. Chiều đang buông dần. Tôi cần chỗ nghỉ chân cho đêm nay.

Nơi có cột khói là một làng nhỏ. Khá gần con suối. Có tổng cộng 5 nóc nhà giữa lưng chừng núi. Những căn nhà bằng đá màu xám gợi cảm giác lành lạnh, đơn côi.

Một anh chàng khá trẻ. Có lẽ ngoài hai mươi tuổi, nếu xét theo cái dáng khỏe mạnh nhìn từ phía sau. Lẽ ra tôi sẽ tiến tới và ngỏ ý xin tá túc qua đêm, nếu như không cảm thấy có chút e ngại. Anh ta đang mang trên người một thứ khá kì dị. Mà không nhầm, nó là một cái lồng chim.

Cái lồng được chụp kín từ trên đỉnh đầu anh chàng và trùm qua mông. Anh ta hoàn toàn chui trong lồng, chỉ có hai tay và hai chân, kể từ đùi là vung vẩy ở ngoài.

Mọi cử động của anh ta có vẻ đều thoải mái trong cái lồng ấy. Tôi cố lục lọi trí nhớ. Không hiểu có dân tộc nào lại có kiểu ăn mặc kì cục như thế. Hoặc có thể, biết đâu đó là một nghi thức độc đáo nào đó. Tôi tặc lưỡi và quyết định tiến tới chỗ chàng trai:

- Anh có nói được tiếng Kinh không?

Anh ta bỏ dở công việc đang làm, ngẩng đầu lên, nhìn tôi qua nan lồng màu xám rồi gật đầu. Gật đầu xong, anh ta lại cúi xuống cắm cúi đào bới cái gì đó.

Tôi ngập ngừng:

- Tôi có thể ở nhờ đây một đêm được chứ? Xe của chúng tôi bị hỏng dưới kia. Tôi chỉ tay xuống dưới núi. Mà tôi thì lỡ đi lạc lên đây. Không kịp trở xuống. Lại sắp tối rồi.

Anh ta lại ngẩng lên. Tựa như có một đám mây đen phủ quanh đôi mắt. Tôi có cảm giác chờn chợn khi phải nhìn anh ta qua cái lồng.

Anh chàng có vẻ suy nghĩ, rồi lại gật đầu, khoát tay có ý bảo tôi đi theo.

Trời bắt đầu nhá nhem tối. Khi tôi bước vào căn nhà đầu tiên tính từ con đường đi vào, cả bốn người trong nhà đều đồng loạt quay ra.

Họ nhìn tôi. Cái nhìn thảng thốt, có phần khó chịu. Tôi không rõ cái nhìn của mình có thiện cảm hơn không. Khi trước mắt tôi. Là bốn người đàn ông, ánh mắt như những con thú vờn mồi.

Và họ đều ở trong lồng.

Mình lạc vào nơi quái quỉ nào thế này. Tôi nhủ thầm. Rồi nặn ra một nụ cười.

- Tối rồi. Không đi được nữa đâu. Ở lại thôi - Người đàn ông già nhất, ngồi trong cùng phía bên tay trái, mái tóc bạc trắng khá dài được buông thõng qua hai vai, nói.

Tôi có phần ngạc nhiên. Giọng ông ta không hề giống những người dân tộc khác tôi từng gặp. Nó là thứ âm điệu quen thuộc mà mọi kẻ giao tiếp hàng ngày với tôi ở cái công ty chết tiệt tôi vừa rời bỏ vẫn dùng.

Tôi gật đầu.

- Cô có thể sang nhà bên cạnh. Đêm nay cô nghỉ ở đó luôn - Ông ta nói.

Rồi cả bốn bọn họ, lại châu đầu vào với nhau. Chấm dứt sự quan tâm ngắn ngủi cho một kẻ qua đường.

Tôi đi theo anh chàng lúc nãy sang nhà kế bên. Để lại bốn gã đàn ông rì rầm với nhau trong những chiếc lồng.

Tới chân cầu thang của căn nhà sàn kế bên, anh chàng trong lồng chỉ vào cái máng nước nhỏ, ra dấu nhắc tôi rửa chân.

Tôi tháo bỏ đôi giày, rửa sạch chân rồi cứ để chân trần, bước lên cầu thang, vừa đi vừa đếm số bước chân của mình.

Chẵn, lẻ, chẵn, lẻ.

Hết cầu thang là tới bước chân lẻ. Phía dưới, có mấy đứa trẻ, đều còn rất nhỏ, đang reo hò ầm ĩ trong một cuộc đuổi bắt tưởng tượng. Chúng trần truồng. Mỗi đứa đều có một cái lồng con, nan khá thưa, nhỏ nhắn ôm lấy cơ thể.

Tôi ngồi thu lu trên cái phản kê ở góc nhà, ngắm nghía đồ đạc phía bên trong căn nhà sàn. Mọi thứ được bày biện một cách thoải mái.

Nó có sự tự do dễ chịu khi tất cả bừa phứa xung quanh để phục vụ cho nhu cầu của anh, chứ không có cái quyền lực chi phối cảm xúc và tâm lý của anh như cách bày biện của dân thành phố.

Đồ đạc trong nhà không có nhiều. Vài đầu thú với hàm răng phô trương treo trên vách. Mấy bắp ngô treo ở góc nhà. Ngay phía dưới là bồ thóc khá to.

Ở giữa nhà, bên cái bếp nghi ngút khói, một người đàn bà trung tuổi đang lúi húi chuẩn bị bữa tối. Và đương nhiên, bà cũng có một cái lồng.

Tôi cất tiếng chào khi theo người thanh niên nọ bước vào nhà. Bà chỉ gật đầu, không hề liếc mắt về phía tôi. Tôi bước qua thoáng chần chừ của mình, rời khỏi cái phản, bước tới ngồi cạnh người đàn bà nọ.

- Cháu có thể giúp gì không?

Người đàn bà ngẩng lên, cười. Nụ cười hồn hậu tỏa sáng bên trong những cái nan lồng. Bà lắc đầu, xua tay.

Ở khoảng cách gần thế này tôi mới nhận ra. Cái lồng của bà dường như được làm từ thứ tre sẫm màu hơn, dày hơn lồng của những người đàn ông. Nó còn được quấn thêm nhiều những sợi nhiều màu, mà tôi đoán là một loại vỏ cây nào đó được tước nhỏ và nhuộm, dọc theo nan lồng.

- Cái lồng của cô rất đẹp. Tôi buột miệng. Cô có nói được tiếng Kinh không?

Người đàn bà đổi tư thế ngồi. Có vẻ cái lồng khá vướng víu khi người ta ngồi.

- Có chứ - Người đàn bà trả lời. Với thứ giọng mang âm điệu của núi rừng. Nó khiến tôi ngay lập tức so sánh với giọng nói của người đàn ông tóc bạc khi nãy.

- Chồng cô là người Kinh mà - Bà tiếp tục.

- Người tóc bạc ở nhà bên cạnh đúng không? Tôi hỏi.

- Phải rồi. Ba thằng bên ấy đều là con cô cả mà. Thằng vừa dắt cháu vào đây là cháu nội mà..

- Còn ai khác ở đây nữa không? Tôi hỏi.

- Những đứa con dâu và cháu thôi.

Người đàn bà trả lời. Tôi cảm thấy có chút lạ lùng. Họ đều là người một nhà. Tất cả năm nóc nhà ở đây. Một đại gia đình sống biệt lập, trong những cái lồng.

- Cháu hơi tò mò. Tôi rụt rè. Tại sao mọi người ở đây đều sống trong lồng?

Người đàn bà bỏ dở món măng rừng, chạm những ngón tay gầy guộc vào những cái nan lồng có buộc sợi màu của mình.

- Cháu hỏi cái này?

Bà ta hỏi. Giọng xa xăm.

- Vâng.

- Cô đã hỏi y hệt như thế. Khi lần đầu gặp chồng cô. Tại sao anh lại có cái này?

Bà kể, giọng đều đều.

- Năm ấy, cô mười tám. Và ông ấy trả lời: không phải em cũng có một cái lồng sao? Em không muốn nhìn thấy nó thôi.

- Thật ư? Tôi hỏi.

- Cháu cũng có đấy. Cháu không thấy sao? - Người đàn bà hỏi tôi, ánh mắt nhìn thẳng vào gương mặt có lẽ đang tái đi của tôi.

Tôi thấy lạnh người, nhìn xuống cơ thể mình.

- Cháu không thấy gì cả - Tôi trả lời, gần như thì thầm.

- Chồng cô nói, không ai muốn nhìn thấy cái lồng cả - Bà nói rồi quay lại với món măng của mình. Có vẻ bà muốn kết thúc câu chuyện.

Tôi lén liếc xuống cơ thể mình thêm một lần nữa, không có ý định bỏ cuộc.

- Nếu vậy, làm thế nào bà nhìn thấy cái lồng của mình?

- Tự nhiên thôi.

- Còn những đứa trẻ? Chúng cũng có lồng - Tôi hỏi, khẽ nhắm mắt lại. Một cơn rùng mình chạy dọc qua sống lưng. Những đứa trẻ con trần truồng trong những cái lồng con.

- Chúng có lồng từ khi sinh ra. Bà ta trả lời, giọng điềm nhiên.

- Từ khi sinh ra?

- Phải rồi. Lồng giống như của bố mẹ, của ông bà ấy mà.

- Nó như một sự di truyền?

- Cô không hiểu cháu nói gì. Chồng cô sẽ hiểu... - Bà dừng tay, chạm nhẹ vào vài sợi tua màu treo đung đưa trước mặt. Nhưng cái lồng của cô, là cô tự dệt sợi màu. Khác cái lồng hồi nhỏ lắm, khác lắm.

Tôi im lặng. Cái lồng của người đàn bà không nguyên vẹn. Vài chỗ có vẻ như bị gãy rồi được nối lại, buộc bằng những sợi màu.

- Chỗ này đã từng gãy sao? - Tôi hỏi, chỉ tay vào một chỗ nối.

- Cô bẻ. Nhưng mà đau lắm - Bà ta xua tay, một tay vén lớp áo khá dày đang mặc lên. Dưới lớp áo, chằng chịt những vết sẹo dài.

- Đau lắm - Bà lặp lại.

Tôi nhìn những vệt sẹo của người đàn bà trước mặt. Cuộc nói chuyện kết thúc. Người đàn bà tiếp tục với công việc bên cái bếp. Tôi khẽ khàng đứng dậy khi thấy mình cần một chút khí trời, và cầm theo cả đống hành lý ít ỏi của mình.

Bên ngoài, trời tối. Khi đi ngang qua căn nhà đầu tiên, ánh lửa nhảy nhót phía trong chẳng khơi gợi nổi chút cảm giác ấm áp. Có lẽ họ vẫn ngồi đấy. Những người đàn ông trong lồng.

Tôi kiếm cho mình một chỗ đất mềm. Ngồi bó gối. Tỳ hẳn cằm vào cánh tay. Suy nghĩ. Không gian trống trải ở đây, một nơi xa và lạ, khiến tâm trí tôi yên ổn. Bao nhiêu áp lực cuộc sống trở nên nhẹ bẫng, xa xôi như kí ức đã mờ nhạt. Tôi thấy lòng thanh thản.

Phía xa, ai đó đang đi về phía tôi, về phía ngôi làng. Tôi chớp mắt vài lần để mắt quen với bóng tối. Là anh thanh niên tôi gặp lúc vào làng.

Anh ta bước lại gần. Chỉ cách tôi một khoảng vài gang tay. Khá gần. Tôi ngẩng lên nhìn. Trong đôi mắt lấp lánh màu bóng tối của anh ta, tôi nhìn thấy câu hỏi: Cô ngồi đây làm gì? Anh ta không hề mở miệng. Nhưng tôi cảm thấy rõ rệt sự tồn tại của câu hỏi ấy.

- Tôi thấy ngột ngạt - Dừng lại vài giây, tôi tiếp. Một chút bối rối nữa.

Anh ta gật đầu. Liếc mắt xuống chỗ đất trống bên trái chỗ tôi ngồi.

- Anh ngồi đi. Tôi trả lời.

Anh ta loay hoay ngồi xuống, sau khi chỉnh cái đáy lồng cho cân. Bóng tối nhập nhoạng in thành một đường viền rất đẹp quanh chàng trai và cái lồng.

- Anh có thấy vướng không? Tôi hỏi.

Anh ta lắc đầu. Hai cánh tay thò ra khỏi lồng, chống ra phía sau.

- Tôi có bắt gặp bức tượng đá. Một người đàn bà khỏa thân. Ven bờ suối. Trên đường tới đây.

Anh ta gật đầu. Tôi nhìn trên mặt đất. Quá tối để nhìn thấy cái bóng in trên mặt đất. Nhưng nó luôn ở đó. Dù có nhìn thấy hay không.

- Bức tượng ấy không có lồng. Tôi nói, gần như thì thầm.

Anh ta nhìn tôi. Rất lâu. Có câu trả lời trong mắt của anh ta. Tôi nghĩ. Tối như thế này, nhưng vẫn nhìn thấy được.

- Bức tượng ấy đã từng có lồng?

Chàng trai gật đầu.

Tôi im lặng. Không đếm được tôi đã im lặng bao nhiêu lần giữa những cuộc trò chuyện trong một tuần gần đây. Cái thứ không gian không âm thanh ấy lẳng lặng xuất hiện rồi cuốn tôi vào đáy sâu không vực thẳm của nó.

Những cuộc nói chuyện chồng chéo. Những mối quan hệ nằm ngang, đè lên nhau. Cuộc sống lộn nhộn của tôi.

Tôi đang tìm kiếm cái gì? Và bọn họ, họ tìm kiếm cái gì? Trong những cái lồng của mình. Người đàn bà tượng đá, cô ấy đã trông thấy những gì?

Chúng tôi ngồi như thế rất lâu. Bóng đêm càng lúc càng sẫm màu, đặc quánh. Tôi không định đứng lên. Chàng trai dường như cũng vậy.

Chúng tôi ngồi bất động. Biết đâu đấy, sáng mai hai chúng tôi đều đã có thể trở thành hai bức tượng. Bằng đá chẳng hạn.

Ánh lửa từ phía những căn nhà sàn phía sau hắt cái bóng mờ nhạt lên khoảnh đất phía sau lưng chúng tôi. Đằng sau là ánh sáng. Trước mặt là bóng tối. Chúng tôi ngồi ở lằn ranh giữa ánh sáng và bóng tối. Và im lặng.

Suốt đêm, anh ta còn nói với tôi những điều gì đó. Bằng ánh mắt. Khi chạm vào tôi, chúng thấm nhanh qua làn da, chui qua những lỗ chân lông hẹp, luồn lách trong mạch máu. Len vào đáy sâu nhất. Rồi đóng cục.

Sáng, khi bầu trời ngả dần từ thứ màu thật sẫm sang chính nó ở gam màu nhạt hơn. Chàng trai vẫn ngồi bất động. Khi tôi quay sang nhìn. Anh ta đẩy ánh mắt sang bên cạnh. Đầu vẫn giữ nguyên tư thế.

- Cảm ơn anh. Tôi nói.

Anh ta gật đầu.

- Và chào mọi người giùm tôi. Tôi nói, xách cái ba lô và đứng dậy.

Khi đã đi được khá xa, ánh mắt của chàng trai trong lồng vẫn luẩn quẩn dưới bước chân. Tôi biết. Anh ta vẫn nhìn theo mình.

Trời sáng rõ, có lẽ đám hành khách trong xe vẫn ngủ. Và phải vài tiếng nữa mới có chuyến xe khác đi qua.

Lúc đi ngang qua con suối nhỏ, tôi có dõi tìm bức tượng đá. Nhưng tuyệt nhiên không còn tìm thấy nó. Nó đã biến mất. Hoặc con suối sáng nay không còn là con suối của ngày hôm qua nữa. Tôi vứt cái ba lô xuống một bên, ngồi xuống bờ suối, chạm tay xuống nước.

Nước lạnh, tôi vốc một chút nước, vã lên mặt. Cái lạnh tê tê chạy từ khuôn mặt xuống tận sống lưng. Tôi rùng mình. Người đàn bà in bóng dưới nước, khuôn mặt thảng thốt.

Một cái lồng chụp từ trên đỉnh đầu, ôm lấy cơ thể. Tôi nhìn mình, với cái lồng của chính mình trong một lúc lâu. Sau đó, lẳng lặng xách cái ba lô lên. Đi tiếp. Đâu đó, bên trong mình, đám ánh nhìn vón cục của chàng trai trong lồng, đang rừng rực cháy.

Vài giờ sau, tôi yên vị trên cái xe khách.

Xung quanh tôi. Một đám người lố nhố. Trong những cái lồng.

Truyện ngắn của An Hạ

Một con người có thể tự do đến mức nào? Hoặc có thể tự hỏi: một con người có thể bị ràng buộc bởi những gì? Điều kiện sống? Những kẻ khác? Hoặc từ chính bản thể của mình? Vv… và vv…

Người trong lồng ảnh 2

Tất cả những câu hỏi mang tính triết học này, không phải được trả lời, mà được gợi ra, được hiển lộ dưới một dạng thể rất vật chất: Cái lồng. Một cái lồng hết sức cá nhân, theo sát đời sống con người. Vấn đề dường như chỉ còn là: Ai sẽ tự nhận ra nó, ai không?

Một truyện ngắn độc đáo, với người viết non tay rất dễ rơi vào luận đề. An Hạ, may thay, thoát khỏi nó rất ngoạn mục.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.