Diễn viên Tạ Am: Diễn xuất ngược với tính cách bản thân

Diễn viên Tạ Am: Diễn xuất ngược với tính cách bản thân
TP - Khác hẳn với những vai phản diện hoặc hài hước trên màn ảnh, ngoài đời diễn viên Tạ Am hiền lành, giản dị, ít khoa trương. Tình yêu đối với nghiệp diễn đã khiến ông đi ngược tính cách bản thân để tạo nên những vai diễn ấn tượng.

> Ai chẳng thích diễn viên đẹp?
> 'Cầu vồng tình yêu' Việt hóa đến đâu?

Tranh của nguyễn xuân hoàng
Tranh của nguyễn xuân hoàng.

Gặp diễn viên Tạ Am khi ông đang nghỉ ở nhà sau một đợt tham gia đóng phim Số đỏ của Đài Truyền hình Việt Nam.

Bộ phim này dàn dựng khác với phim Số đỏ trước đây, dài 30 tập, dự kiến quay trong 5 tháng, nay mới làm được non nửa thời gian.

Trong Số đỏ, Tạ Am được mời đóng vai Victor Ban, một ông chủ hiệu thuốc giang mai lậu, người đã nuôi dưỡng Xuân tóc đỏ thuở hàn vi.

Sau khi đọc kịch bản, thấy các nhân vật chủ yếu trong phim được tô đậm thêm, trong đó Victor Ban có thân phận khá điển hình nên Tạ Am nhận lời.

"Đây là nhân vật phản diện, làm giàu bất chấp mọi thủ đoạn, còn thời sự đối với ngày nay. Tôi thích vai phản diện, vì ở đó thấy mình có cơ hội thể thỏa ý sáng tạo thêm vai diễn"- Tạ Am nói.

Thích đóng vai hài, phản diện

Tạ Am xuất thân là diễn viên kịch. Phàm là diễn viên kịch, hôm nay diễn vai này thấy có chỗ chưa đạt, hôm sau diễn lại vai đó có thể chỉnh sửa hoặc sáng tạo thêm. Nhưng với điện ảnh hoặc truyền hình, diễn xong đóng máy là thôi, không có cơ hội làm lại.

Tâm sự điều này, Tạ Am liên tưởng đến gã trọc phú Lý Hào, vai diễn gần đây của ông trong Cầu vồng tình yêu. Bộ phim vừa được chiếu lại trên truyền hình, nên những lúc rỗi rãi ông bật ti vi xem lại và tiếc "giá như chỗ này mình nhấn nhá hơn một chút, chỗ kia bớt cường điệu đi đôi chút thì hay hơn".

Tuy tiếc vậy, nhưng để có được nhân vật Lý Hào trên màn ảnh, Tạ Am cũng đã có cơ hội để sáng tạo cho vai diễn.

Diễn viên Tạ Am trong phim Cầu vồng tình yêu
Diễn viên Tạ Am trong phim Cầu vồng tình yêu.

Trong kịch bản, nhân vật Lý Hào được khắc họa xuất thân từ nghề nhặt rác, đến khi giàu có trở thành trọc phú, từ lời nói đến hành động đều kệch cỡm.

Thấy vậy, ông bàn với vợ may thêm cho mình một số trang phục lòe loẹt, rồi tiện thể lấy luôn cả vàng và nhẫn của nhà để đeo vào người cho ra chất Lý Hào.

"Nhân vật này ăn mặc phải mô-ve-gu, như cà vạt tím mặc với bộ quần áo sặc sỡ, cà vạt đỏ lại khoác áo xanh nõn chuối. Nghĩa là mọi thứ đều rất trái khoáy, không giống ai, nhưng lại phù hợp với tính cách vừa là đại gia vừa là đại ca của nhân vật"- Tạ Am cho biết.

Tuy thành công với nhân vật Lý Hào, nhưng ít ai biết rằng trong những năm tháng biên chế tại Nhà hát kịch Hà Nội, Tạ Am chỉ chuyên đóng những vai nghiêm túc, chính diện. Đến khi đã quá nửa đời người, ông mới được phát hiện khả năng diễn vai phản diện, hài hước.

Tạ Am bắt đầu diễn hài từ chương trình Gặp nhau cuối tuần trên truyền hình, đóng cùng cặp bài trùng Tự Long, Xuân Bắc.

Thấy ông vào vai quá ngọt, hai chàng diễn viên trẻ đầy năng động này sau đó đã rủ Tạ Am đi diễn khắp nơi, hầu như ở đâu cũng được người xem đón nhận.

Tạ Am hào hứng chia sẻ: "Tôi thích thể hiện vai hài bằng ngôn ngữ và tình huống, còn tránh gây cười theo kiểu phùng má trợn mắt. Diễn hài thành công là sau khi cười, nụ cười ấy phải lặn vào trong mới có tác dụng giáo dục".

Liền đó, vào những năm 2000, khi cộng tác với bên truyền hình làm sêri phim Cảnh sát hình sự, đạo diễn phim đột nhiên bảo ông: "Anh có vẻ hợp với vai trùm buôn ma túy Tuyết đen, thử xem được không".

Ban đầu Tạ Am lưỡng lự bởi trong bộ phim này ông đã thủ một vai phụ là nhân vật chính diện, nhưng sau khi nghiên cứu vai mới theo gợi ý của đạo diễn ông đã nhận lời.

Tạ Am bèn cắt đầu cua, mái để bằng, có thêm bộ râu và trang phục là những bộ áo lam cổ tàu hoặc có hoa văn núi từng.

Hóa trang xong, chẳng ai còn nhận ra vai phụ mà Tạ Am đã đóng ở những tập trước, còn đạo diễn ngẩn người nhìn ông và vỗ mạnh tay: "Vào rồi".

Đến tập Đằng sau tội ác tiếp theo của sêri phim trên, Tạ Am thủ vai Cốc Nàm Chẩy, một ông trùm rất giỏi võ.

Để khắc họa, ông thể hiện nhân vật lúc nào cũng cầm hai viên bi sắt mà dân võ nghệ thường dùng để tập cơ tay, mang đến sự khác lạ cho người xem một vai phản diện có nội công thâm hậu...

Sân khấu cuộc đời

Tạ Am đến với sân khấu như sự sắp đặt của cuộc đời. Số là sau khi rời ghế nhà trường, ông đã theo học Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội để trở thành nhà giáo.

Tuy nhiên vào năm 1963, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt, chàng thanh niên Tạ Am đã bỏ dở việc học để viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Vào bộ đội, ông được phát hiện khả năng diễn xuất và trở thành văn công sư đoàn, nhưng vài năm sau lại phải xuất ngũ vì lý do sức khỏe.

Tạ Am không trở lại học tiếp mà quyết định thi tuyển vào Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) để theo đuổi nghiệp diễn. Khi đó Đoàn kịch đang tập vở Hà Nội đầu năm 1946, ông được cho thử vai một người tẩm quất. Tạ Am đội mũ, tay cắp chiếu, tay quơ gậy và rao "tẩm... quất".

Chữ "tẩm" kéo trầm xuống, còn chữ "quất" vút cao khá ấn tượng khiến ông được tuyển chính thức vào đoàn. Tuy nhiên trong những năm tháng công tác tại đây, Tạ Am toàn được giao vai chính diện, nhưng chỉ là kép phụ.

Đến vở kịch nổi tiếng Tôi và chúng ta, khi diễn viên Trần Kiếm (là em rể Tạ Am) đóng vai Quých bị ốm, Tạ Am mới được thay thế. Đây là một nhân vật điển hình, từng được Trần Kiếm thể hiện xuất sắc, nay đến tay Tạ Am cũng được ông tiếp nối khá vẹn toàn. Vậy mà sau đó Tạ Am vẫn không được giao những vai khá hơn, mà nguyên nhân chính là do bản tính ông ngay thẳng nên hay làm phật lòng lãnh đạo.

"Khi diễn tôi có thể khóc ngay được, nhưng trong đời thực tôi ghét nhất nước mắt và không thích bị làm nũng. Yêu tôi nói yêu, còn ghét bảo ghét, thế thôi"- Tạ Am nói.

"Vậy mà trong Cầu vồng tình yêu, ông lại khá ngoa ngôn, nhất là khi nói những lời có cánh để an ủi bà vợ đồng bóng của mình?". Nghe vậy, Tạ Am bảo khi diễn mình như hóa thân vào nhân vật, trở thành con người khác. Điều này thì vợ Tạ Am (vốn cũng là diễn viên) hiểu, nhưng thỉnh thoảng cũng ghen và đùa "chẳng bao giờ được chồng an ủi như thế".

Hơn 20 năm tại Nhà hát kịch Hà Nội, toàn đóng những vai chính diện làng nhàng khiến Tạ Am hầu như không được người xem biết đến.

Năm 1991, khi chưa đến 50 tuổi, ông xin về hưu sớm khi thấy nghiệp diễn của mình không thể mòn mỏi như vậy mãi. Nghỉ hưu trong thời bao cấp khó khăn, Tạ Am phải cùng vợ dọn một quán cơm ra vỉa hè để kiếm sống.

Nhưng về hưu không có nghĩa đã hưu nghề. Cơ hội đã đến khi Tạ Am bén duyên với truyền hình, ban đầu là những tiểu phẩm hài, sau đó là những vai phản diện như đề cập ở trên.

Ông tâm sự, nếu được giao vai diễn phù hợp và yêu nghề đúng nghĩa thì diễn viên sẽ sống chết với nghề. Phần thưởng lớn nhất đối với diễn viên là được người xem biết đến.

Nhớ lần lên vùng cao Hà Giang để đóng phim Chuyện của Pao, ông được bà con tại đây nhận ra và níu lại hỏi chuyện khiến Tạ Am rất vui. "Có những lúc rơi vào hoàn cảnh bất ngờ, nhưng được mọi người nhận ra tựu trung lại vẫn vui"- Tạ Am nói.

Rồi ông kể cách đây một tháng, khi đang đi tới khu vực bến xe Kim Mã (Hà Nội), bất ngờ ông bị ngã xe máy khiến mũ bảo hiểm vỡ, mặt chảy máu, xước chân tay.

Lúc được mọi người đỡ lên và nhận ra, ban đầu Tạ Am thấy ngại vì thấy mặt mình khó coi, nhưng khi được chăm sóc ông thấy đỡ đau nhiều.

"Trước đây có lúc tôi từng nghĩ nghề diễn bạc như vôi, nhưng càng ngày càng thấy không phải. Nếu biết tận dụng khả năng và lao động hết mình, nghề diễn sẽ không bạc đãi"- ông nói.

Công khai tình yêu trước chi đoàn

Khi Tạ Am vào Đoàn kịch Hà Nội được hai năm, vợ ông mới gia nhập đoàn. Sau đó hai người yêu nhau, nhưng phải giữ kín vì quy định thời đó những ai mới vào đoàn phải sau 3 năm mới được yêu và lập gia đình.

Ảnh: K.N
Ảnh: K.N.

Ngoài Tạ Am, trong đoàn kịch còn có một vài đôi nữa cũng phải lui vào bí mật. Điều này khiến Tạ Am thấy rất khổ sở, nên trong một lần sinh hoạt chi đoàn đã mạnh dạn đứng lên công khai tình yêu của mình.

Tạ Am nói: "Chúng tôi yêu nhau đứng đắn, không có gì vi phạm đạo đức nên mong các đồng chí trong chi đoàn ủng hộ". Ban đầu nhiều người trong chi đoàn khá bất ngờ, nhưng sau đó đã ủng hộ trước lập luận và sự ngay thẳng của Tạ Am khiến quy định này dần dần được cởi mở hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.