Ngày 21-12, các thành viên của Mạng Việt Nam go.vn nhận được một thông báo từ ban quản trị website về việc sẽ gỡ bỏ tính năng cho phép người dùng đưa các bản ghi âm thanh lên trang cá nhân.
Đây là diễn biến mới nối tiếp sự kiện 18 trang web âm nhạc đồng loạt thử nghiệm thu phí tải nhạc hôm 1-11. Ban quản trị Mạng Việt Nam go.vn cho biết, đây là hành động thể hiện sự tôn trọng đối với luật bản quyền và cũng là để đảm bảo chất lượng nguồn nhạc đầu vào đồng nhất và có xuất xứ rõ ràng.
Hiện tại, rất nhiều trang mạng âm nhạc ở Việt Nam vẫn sử dụng các bản ghi do người dùng tự đưa lên mạng bằng cơ chế chia sẻ. Có thể điểm qua một loại website dùng cơ chế này như Mp3.zing.vn, nhaccuatui.com hay music.vnn.vn.
Ông Phùng Tiến Công, phó tổng giám đốc MV Corp, đơn vị đang nắm giữ bản quyền 45.000 ca khúc cho biết: “Do thiếu nguồn thu, các website âm nhạc phải tận dụng sự chia sẻ của người dùng để làm giàu kho nhạc của mình. Họ chấp nhận đánh đổi chất lượng để lấy số lượng. Thực trạng này có thể giải quyết khi việc tiến hành thu phí bản quyền đi vào guồng.”
Do sử dụng nguồn nhạc không có xuất xứ rõ ràng và được up lên không theo hệ thống, thế nên có rất nhiều tác phẩm được đưa lên không đầy đủ, không có thông tin hoặc sai thông tin ca sĩ và có chất lượng âm thanh rất kém.
Tại một số trang nhạc trực tuyến, nếu người dùng tìm kiếm ca khúc Trái tim không ngủ yên, trong kết quả trả lại sẽ có hơn 10 bản ghi cùng một lần thu của Bằng Kiều. Một vài trong số đó bị rè, lỗi. Một số khác thì lại ghi sai thông tin tên ca sỹ.
Đặc biệt với các ca khúc truyền thống, các ca khúc do các ca sỹ gạo cội thu âm từ những năm 90 đổ về trước, nhiều bản ghi được đưa lên mạng có chất lượng rất kém, hậu quả của việc sao chép, nén nhỏ nhiều lần so với bản gốc. Người dùng sẽ gặp khó khăn khi muốn tìm kiếm bản ghi chất lượng cao các ca khúc kinh điển như Hà Tây quê lụa (Quốc Hương) hay Tàu anh qua núi (Thanh Hoa).
Một số website đã sớm nhìn thấy hậu quả và dừng việc sử dụng nguồn nhạc do người dùng chia sẻ. Ông Phan Anh Tuấn, giám đốc Mạng Việt Nam go.vn cho biết: “Hiện chúng tôi đã tự xây dựng được một kho nhạc lớn, đủ để đáp ứng phần lớn nhu cầu của thành viên của go.vn. Người dùng không cần phải tự làm thao tác upload nữa. Chúng tôi không muốn người dùng bị rối mắt mỗi khi tìm kiếm ca khúc.“
Việc người dùng đưa lên những bản ghi kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nội dung trùng lặp… còn gây ra một gánh nặng cho hạ tầng mạng của nhà cung cấp dịch vụ nhạc trực tuyến. Việc người dùng đưa lên hàng chục bản ghi trùng lặp về nội dung đã khiến trang mạng tiêu tốn quá nhiều dữ liệu so với mức cần thiết.
Những người ủng hộ luật bản quyền rất kì vọng ở việc ngăn chặn các cá nhân tự do đưa các nhạc phẩm lên mạng. Hành động “rút củi đáy nồi” này được kì vọng sẽ làm hạn chế thói quen chia sẻ nhạc lậu của người dùng.
Tuy nhiên, đây có thể là tin không vui đối với các ca sĩ nghiệp dư, những người đơn thuần chỉ muốn up ca khúc của mình lên để chia sẻ với bạn bè.
Lan Chi, một thành viên của go.vn cho biết: "Thỉnh thoảng mình có đọc truyện ngắn tự viết rồi chia sẻ với bạn bè trên Mygo.vn, bạn bè mình thích tự ghi âm bài hát rồi gửi cho nhau nghe, bọn mình không tải nhạc lậu. Bỏ tính năng này đi thì mình rất tiếc."
Trước vấn đề này, ban quản trị Mạng Việt Nam go.vn cũng đưa ra lời cáo lỗi với cộng đồng và mong muốn được thương lượng bảo vệ tác quyền cho bất cứ thành viên nào có sáng tác mới muốn chia sẻ.
Động thái của Mạng Việt Nam go.vn tuy nhỏ bé nhưng cho ta thấy thiện chí của những nhà kinh doanh nhạc trực tuyến. Đây cũng là hành động tất yếu trong bối cảnh người dùng càng ngày càng quan tâm đến chất lượng âm nhạc và các phương pháp thu phí đang trở nên hết sức tiện lợi.