Em bé bụ bẫm

Em bé bụ bẫm
TP - Khi đến bệnh viện, tôi gặp một bà mẹ trẻ vừa sinh xong, chị mặc áo ngủ đàn ông kỳ quái có in hình con hươu cao cổ. Sau này khi đứa con lớn lên, nhìn vào tấm ảnh sơ sinh của mình, thứ mà nó sẽ mê cuồng chắc là với con hươu này chứ không phải mẹ mình; nên tôi cũng quyết định mặc cái gì đó đặc biệt để chụp ảnh.

> Người tình pha lê
> Tôi để ngỏ đời tôi...

Áo ngủ của tôi có màu xanh nước biển với những viền đăng ten kiểu Anh và một dải rút ngay dưới phần ngực để không bị ép vào cái bụng trống trơn mà trước đây còn căng cứng.

Tôi nằm để lộ đầu gối ra khỏi chăn đắp, đứa bé nằm ngửa ở phía phải, duỗi ra như chú mèo. Thậm chí người thợ chụp ảnh bảo rằng đây là kiểu chụp đẹp nhất trong ngày của anh ta. Anh ta bảo rằng tôi như một tia nắng rạng rỡ.

Khi anh ta đi khỏi, một người bạn gọi điện hỏi tôi phải khâu bao nhiêu mũi, sáu hay bảy. Tôi chẳng biết chính xác nữa. Chị ta khuyên tôi nên cố nhịn đi toilet để tránh xảy ra sự cố. Sau khi cúp máy tôi mới nhận ra là thậm chí chị ta cũng không hỏi tên của đứa bé là gì.

Tôi tìm một cái tên để đặt cho con tôi. Tôi thích tên Lili nhưng cũng chẳng biết có thể dùng làm tên chính hay chỉ là một cái tên thông tục thôi. Tôi không muốn gọi tên con gái là Liliane chút nào.

Còn có nhiều tên khác nữa như Marguerite và Pamela chẳng hạn, nhưng nói thật là tôi cũng sẽ chán chê những cái tên này. Tôi cũng không thích những tên kép mà bạn có thể hoán chuyển cách gọi.

Có một cái tên nghe dịu dàng là Jacques nhưng mà cho bé gái thì không hợp. Nếu bố của nó ở đây thì chúng tôi có thể cùng đưa ra một tên nào khác, nhưng anh lại không biết tôi vừa sinh con.

Anh thường đi công tác dài ngày, và lần đi gần đây nhất thì tôi đã mang thai được 4 tháng. Để đùa anh, lúc ấy tôi mang thắt lưng để cố làm cho anh tin rằng tôi đang mệt vì gió táp từ chiếc phi cơ anh đang bay. Tôi chẳng nói gì về cái thai, tôi sợ rằng anh sẽ không chịu quay về nếu phát hiện ra điều đó.

Vì tên của anh là Jules, nên tôi có thể đặt tên con bé là Juliette. Biết đâu việc này lại có thể xoa dịu anh. Anh không thích trẻ con nhưng tôi nghĩ đấy chẳng phải là vấn đề.

Ý anh không muốn có con vì anh không thích cái họ của mình và cũng bởi vì anh là độc đinh trong dòng họ, và anh quyết định không muốn tái diễn chuyện này.

Thật may là tôi sinh con gái cho nên họ của anh cũng không dùng được lâu, chỉ hai mươi hay quá lắm là hai lăm năm cho đến khi nó tìm được người trao nhẫn cưới cho nó. Sự thể là vậy đấy.

Trong khi tôi đang mang thai, một trong những người bạn tôi cứ bị ám ảnh không biết đứa bé sẽ hồng hào hay nhợt nhạt đây. Nhưng vấn đề thầm kín mà tôi nhận biết là Jules chỉ thích ngắm lũ trẻ da đen hay da vàng, anh thấy chúng thú vị hơn nhiều so với trẻ con da trắng.

Có hôm anh kể đang đi lang thang thì gặp một cậu bé da đen mang cặp sách to đùng, anh gọi “Ê, ê”.

Cậu bé quay lại nhìn anh với cặp mắt câm nín rồi nhún vai tiếp tục bước đi. Jules chắc rằng với một đứa bé da trắng thì nó sẽ òa khóc xen lẫn tiếng la hét của bà mẹ. Chính hình ảnh của các bà mẹ đã theo anh trong khi lang thang từ ngọn núi này đến ngọn núi khác để nghiên cứu về sự diệu kỳ.

Theo dự kiến thì anh sắp về, anh bảo chỉ đi bốn tháng nhưng đến giờ đã năm tháng rồi.

Rồi tôi sẽ phải kể cho anh về chuyện sinh bé Molly. Không, tên Molly nghe vẫn không hay, đối với tôi chẳng có lý do gì để đặt tên nó là Molly cả. Tôi nghĩ tôi sẽ mua một chú chó to kềnh hoặc sẽ xăm hình lên tai mình và như thế con bé mới có thể không bị chú ý quá nhiều.

Cũng có thể lấy một tên gốc Phi hay Á như Matou hay Comnet chẳng hạn để làm anh quên đi con bé là người da trắng chăng? Ngoài việc tôn trọng sở thích của bố con bé, tôi đảm bảo rằng bộ pijama đầu tiên của con bé sẽ có sọc màu đen vàng.

Tôi đã thấy trong một số cửa hàng áo quần, chỉ cần cắt đi mấy đôi cánh ong bé xíu là xong. Bé Maya đang ngủ trong nôi, cô bé có những móng tay dài, người ta bảo tôi để chúng tự rụng không cần phải bấm đi.

Còn một người bạn thì lại bảo rằng tôi nên cắn đi để tạo một sự ràng buộc giữa hai mẹ con và mối dây này sẽ đến nhanh và mãnh liệt hơn. Nhưng tôi chẳng thích nghĩ theo kiểu ấy vì nó làm tôi xúc động hơi nhiều thì lại càng thêm đau khổ.

Cũng vì lý do đó mà cô y tá đã hỏi tôi có nuôi con bằng sữa mẹ hay không. Và tôi đã hỏi ngược lại là cô ta đang nói ai và về cái gì. Dù sao đi nữa thì việc này có liên quan gì đến cô ta? Cô ta còn hỏi tôi có cần để cô cho thuốc uống khỏi cương sữa hay cứ để như vậy.

Thôi cứ để tự nhiên, tôi không dám từ chối thẳng thừng, tôi thấy rằng đấy chính là điều chẳng ai muốn làm rối lên cả. Khi sữa cương lên, hai bầu vú tôi căng cứng và nặng nề hơn.

Tôi cắt tấm khăn lau ra làm hai và che bầu vú lại mỗi khi bé Anna bú xong. Khi tấm khăn bông này ướt, tôi đi ra vắt , và thấy một thứ chất lỏng hơi xám nhỏ xuống.

Một cô bạn của tôi kể rằng “lòng mình cảm thấy bồi hồi xúc động khi bé Emeline bé bỏng nắm lấy bầu vú của tớ đấy”, tuy nói với tôi như thế, nhưng cô ta cũng chẳng buồn hỏi xem con tôi tên gì, do vậy tôi định giải thích với cô bạn rằng tôi thật sự xúc động, nhưng có một điều gì đó không ổn làm tôi đớ người ra.

Tôi không biết mình có phải vắt sữa ra hay không, giống như giặt khăn hay như vắt sữa bò, nhưng tôi lại không dám hỏi nên cứ nằm im áp đầu bé Marie vào ngực mình, đó cũng là cách mà tôi áp đầu của Jules vào đôi môi của mình, rồi tôi đợi chờ và nghĩ về một điều gì đó mơ hồ không rõ nét, một cảnh vật hay một chuỗi các từ ngữ gì đó.

Và rồi đến lúc bé ợ lên, lần đầu tiên tôi thấy cô y tá vỗ tay vui mừng, tôi cúi mặt nấp sau mái tóc của mình. Cô ta hỏi tôi có nghe tiếng ợ đó không. À, vâng! tôi có nghe, thật không dễ gì qua mặt được cô y tá hiểu nghề . Khi tôi đặt bé Corine nằm lại trong cũi, phần bụng tôi đã đẫm ướt, bé Edwige cũng sục bú như thế làm tôi nóng nực. Inès thì ngủ say, chỉ riêng tôi mệt nhoài người.

Trong khi chuyển dạ, tôi gọi Jules nhưng điện thoại của anh không nghe được. Làm gì có sóng trong vùng sâu của khu rừng già Amazone. Tôi hình dung nếu nói chuyện được với anh thì ắt hẳn tôi đã khỏi la hét các y tá, thật sự tôi cũng áy náy khi cứ mắng bà y tá đỡ đẻ là đồ chó cái.

Và cứ giữa mỗi lần mắng mỏ xúc phạm là tôi lại phải nói lời xin lỗi, nhưng cô y tá phụ lại bảo rằng chẳng vấn đề gì vì họ đã quá quen rồi.

Có thể tôi lỡ gọi bà ta là đồ dâm đãng, nên dù sau đó tôi đã cố kìm nén, bà ta nói như ra lệnh với tôi: Cất tay ra khỏi chỗ đó đi, đồ dâm đãng dơ dáy! Bà ấn vào bụng tôi để bé Emilie di chuyển xuống phía dưới, và trong tôi cảm thấy như ai đó dùng chiếc nĩa đâm vào da thịt mình.

Bé Sophie ngủ rất nhanh. Tôi buồn không thể tưởng, tất cả chỉ là nỗi cô đơn trong chiếc giường trắng toát, ngoài hành lang là âm thanh của những chiếc xe đẩy và tiếng la hét của những sản phụ cùng với tiếng khóc của trẻ con.

Buổi trưa tôi được ăn món súp mì sợi nhỏ. Tôi nghĩ đến tên Christine mà một ngày nào đó chắc chắn sẽ có những mầm sống trong cơ thể của nó. Tôi nghĩ đến ngày đầu tiên đi học của Elizabeth, khóc thút thít trên đường rồi la hét bảo là không muốn đi.

Tôi nghĩ về lời nói dối đầu tiên của Esther, rồi là dấu phiếu liên lạc, mất túi dụng cụ thể dục, bị xếp hạnh kiểm kém vì gian lận. Tôi cũng nghĩ đến Brigitte, cô bé lủi thủi ở ngoài sân trò chuyện với những viên đá cuội , chơi trò làm bố, mẹ và những đứa con, nhập vai cùng chơi đùa, nhưng tất cả chỉ là một mình nó đơn độc, không bạn bè.

Tôi nghĩ đến Sylvie, làm sao nó chịu nổi chứng vẹo cột sống, tôi phải viết ra những dòng tiếc nuối , làm sao để đỡ đần nó và đưa đi vật lý trị liệu bởi vì nó không tự làm được, hay phải giúp băng ngón tay nó hay gặm với băng keo cá nhân, quấn băng vào bàn chân bị trẹo và đeo cái nẹp cổ trên vết thương mà nó vừa gây ra.

Tôi nghĩ đến Eglantine, đứa luôn về nhất trong bất cứ việc gì thậm chí cả môn thể dục, nó lại là đứa không muốn được ôm ấp vỗ về. Rồi nó sẽ lập gia đình ở tuổi mười sáu và Jules chắc là sẽ vui lắm. Tôi lại nghĩ đến Antigone, nó muốn học ngành kịch nghệ.

Mọi người cho rằng đây là chuyện bình thường, ngoại trừ Jules. Anh cho rằng nó nên lo chuyện học hành cho xong đi đã đừng quá nóng lòng, và tôi cũng gật đầu đồng ý với anh, nhưng Antigone lại giận dữ, bỏ ra khỏi phòng khách và nói với lại, bố mẹ làm con phát ốm.

Tôi nghĩ về Ingrid, đứa bị hiểu nhầm là tham ăn vô độ hay nôn mửa trong bồn toa lét tất tần tật mọi món tôi dọn ngoài sân vườn, lúc đó nó chỉ thích nước nóng thôi, theo như nó nói là nước nóng làm dễ buồn nôn hơn.

Tôi nghĩ đến Doris, đứa hay tìm kiếm ý nghĩa của mọi sự việc, con người, hư cấu các kiến thức vận hành, đọc luận văn, ghi chép, noi gương, chạy trốn, chấm dứt công việc viết sách và tự tử.

Tôi nghĩ về Chloé bị căn bệnh ung thư mang đi khỏi cuộc đời này; Marianne bỏ trốn và bị phát hiện chết đuối, còn Valérie thì bảo rằng tôi không còn là mẹ nó nữa; Karine không thể rời tôi nửa bước, nó không muốn tôi buồn; tôi nghĩ Cécile cuối cùng trở thành gái già cũng vì tôi.

Tôi nghĩ về Prune hay bịa chuyện đau ốm và Annie sẽ làm cho chúng tôi lo nghĩ nếu nó cứ quan hệ lăng nhăng như thế. Tôi nghĩ về Laetitia ngửi toàn mùi thuốc lá, khuỷu tay bị chàm và một ngày nào đó đôi mắt dễ thương của nó sẽ quầng thâm và nó thề rằng đó là do cái cửa ra vào.

Tôi nhìn cánh cửa dẫn vào căn phòng luôn được mở sẵn, một người có vóc dáng nhỏ nhắn đi vào phỏng hỏi tôi đủ mọi điều và kiểm tra đứa bé. Tôi rà soát những cái tên , nhưng thiên hạ cứ cau mày nhăn mặt, như thể luôn nhắc người ta nhớ về một ai đó chẳng hay ho gì.

Điện thoại tôi nháy lên báo tin nhắn của Jules: Ngày mai anh sẽ có mặt ở đây vào giờ này, và anh đang nghĩ đến em. Tôi nhìn xuống phía dưới sợi dây kéo của chiếc áo ngủ, kích động phần bụng dưới, cố hít vào, tôi muốn ngày mai có thể giấu nó được.

Vanessa đang còn ngủ, hai nắm tay bé nhỏ nắm chặt để tựa hai bên đầu. Tôi nghĩ đến Jules khi anh nói rằng cuộc đời này thật tươi đẹp và anh tạo ra một cử chỉ muốn cổ vũ hay ít nhất, theo tôi nghĩ cũng đại loại như thế. Ngày mai tôi sẽ mua cho anh món bít tết, khi trở về anh thường đòi ăn món thịt và rồi vòi vĩnh người phụ nữ bé nhỏ của mình.

Tôi sẽ làm cho anh món khoai tây chiên giòn – còn mùi vị thì sao đây – và món súp dâu tây nếu tôi có thể tìm được dâu tây vào tháng hai. Điều làm tôi suy nghĩ là Bénédicte tuổi Song ngư. Tôi chẳng biết cái cung mạng của nó thế nào nhưng rồi một ngày nào đó chắc chắn nó sẽ hỏi tôi giờ sinh của nó, vậy nó phải tự tìm lấy thôi.

Rồi nó sẽ nói, Ồ khiếp thật! Con ở cung mạng bọ cạp giống như mẹ! Rồi tôi sẽ đẩy nó vào phòng, bắt phạt chép ngàn lần câu CÁC BÉ GÁI PHẢI THƯƠNG YÊU BỐ MẸ. Titine bây giờ đang làm tôi khó chịu, nó nằm trong cái hộp nhựa có gắn họ nhưng chưa có tên vì tôi chưa tìm ra một cái tên nào cả. Cô bé nặng 6 cân rưỡi, hay Loulotte. Một đứa bé ngộ nghĩnh.

Nhưng tốt hơn tôi nên tiếp nối cuộc sống, tôi còn phải làm xong việc nhà, dọn dẹp các vũng nước đọng từ tấm thảm phơi trong phòng chờ.

Tôi muốn về nhà , tôi đang mong đợi Jules như thiên hạ mong con, tay tôi ôm bụng như muốn nói với anh rằng : Em đây, tôi sẽ vuốt ve anh và mọi việc sẽ trôi qua trong yên bình và dễ thương. Bé Nénette thiếp đi rất nhanh.

Tôi vùng dậy thu dọn mọi thứ. Tôi sắp rời bệnh viện, họ sẽ biết đặt cho bé nằm ở đâu và mọi việc sẽ ít phức tạp đi dù bé chưa có tên của mình. Tôi sẽ đến thẩm mỹ viện để hút mỡ, ngày mai Jules sẽ về nhà và anh sẽ thấy tôi đổi khác. Tôi sẽ bảo rằng việc anh đi quá lâu làm tôi thật sự bị sốc. Nếu anh nhận ra những vết khâu này thì tôi bảo rằng tôi đã bị ngã. Chào nhé, bé yêu.

Em bé bụ bẫm ảnh 1
 

CLAIRE CASTILLON sinh năm 1975, tại Boulogne- Billancourt (Pháp); Tác giả của 12 tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Tác phẩm của bà được dịch ra nhiều ngôn ngữ: Anh, Italia, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc...

C.Castillon có lối viết đa thanh, phức cảm, không khoan nhượng. Bà rất tinh tế khi phát hiện những ngóc ngách kỳ lạ trong tâm hồn con người. Các truyện ngắn của bà tạo nên một dị bản ít được chờ đợi của cuộc sống, nhưng chính vì thế, nó mở ra một bức tranh về nhân giới thật kỳ ảo.

Truyện ngắn dưới đây là một ví dụ điển hình.

Truyện ngắn của
CLAIRE CASTILLON Pháp

Thanh Xuân, Công Thương dịch, từ nguyên tác “un petit coeur d’aimer” - Claire Castillon. Bản tiếng Việt “Không ngăn được con tim yêu bé bỏng”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.