Sắp có làn sóng kịch lịch sử?

“Nguyễn Công Trứ” vở mới của Nhà hát Chèo Hà Nội
“Nguyễn Công Trứ” vở mới của Nhà hát Chèo Hà Nội
TP - Sau các hội thảo sáng tác về đề tài lịch sử của văn học, âm nhạc, điện ảnh, đến lượt các nhà làm sân khấu lên tiếng về nhu cầu bức thiết cần kịch lịch sử có chất lượng.

> Xuân Hinh giả gái trong 'Cao Bá Quát'

“Nghệ thuật sân khấu sáng tác về đề tài lịch sử”, tọa đàm hôm qua tại rạp Đại Nam, quy tụ các nhà lý luận, phê bình nghiên cứu sân khấu như NSƯT Trần Ngọc Minh, GS. Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc, Ngô Thảo; các nhà viết kịch Văn Sử, Hà Đình Cẩn, Lê Quý Hiền cho đến các đạo diễn lão làng, đóng góp về lí luận chuyên ngành; chia sẻ, suy ngẫm về sáng tác sân khấu đề tài lịch sử.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục nhấn mạnh, thời điểm này rất cần nhà viết kịch lịch sử vào cuộc: “Trước hiểm họa xâm lược thì những người viết kịch lịch sử phải làm gì? Đó không chỉ là hiểm họa đến từ vùng biển đảo, mà còn thể hiện rất rõ trong cuộc xâm thực văn hóa khắp nơi hiện nay. Tôi không quan tâm nhiều tới lý thuyết. Tôi nghĩ: chống xâm lược thì phải tập luyện hàng ngày. Nghĩa là người viết kịch lịch sử cũng phải làm việc như hải quân, không quân tập luyện bằng tài năng và nhiệt huyết của mình. Hãy nhìn vào sự thật xem chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa nào để viết cho trúng, chứ không phải viết cho sướng”.

Sân khấu có thể được xem là loại hình nhiều thuận lợi khi đề cập lịch sử, nhưng chỉ dịp đại lễ vừa rồi mới rộ lên phong trào dựng vở lịch sử.

Bên lề hội thảo, NSND đạo diễn Phạm Thị Thành nói: “Gần đây tôi có đọc và xem vài vở, thấy trung bình thôi. Nguyễn Công Trứ của Nhà hát chèo Hà Nội, kịch bản TS. Phạm Quang Long, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, đang sáng đèn tại rạp Đại Nam là vở xem được. Kịch bản sát lịch sử nhưng cũng có tìm tòi sáng tạo”.

Vừa qua, Cục NTBD tổ chức các hội diễn chèo, kịch nói đề tài hiện đại, xem như phương án phát triển nghệ thuật truyền thống. Nhưng sáng kiến này không nhận được sự đồng thuận cao trong giới sân khấu: Chèo, cải lương mà bắt viết theo đề tài hiện đại thì hay làm sao được.

Hội diễn phải là những vở hay, có tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật cũng như viết kịch bản cho đến diễn xuất, phải làm thế nào thu hút khán giả đến sân khấu vẫn đang trầm lắng hiện nay.

“Gần đây chưa có được những Rừng trúc, Bài ca giữ nước, Vũ Như Tô…, mà chắc là không có được nữa. Bởi vì đó là tác phẩm của những nhà viết kịch tài năng như Nguyễn Đình Thi, Tào Mạt, Nguyễn Huy Tưởng. Các tác giả nêu đề tài lịch sử nhưng xoáy sâu mối quan hệ giữa vua-nghệ sĩ, nghệ sĩ- quần chúng, quần chúng-vua. Ba góc nhìn ở trong ý tưởng chủ đề.

Trong khi chờ đợi các tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử, phải chăng các nhà hát nên dựng lại những tác phẩm từng gây tiếng vang.

Hỏi Giám đốc Trương Nhuận, Nhà hát Tuổi trẻ- đơn vị sở hữu hai vở kịch kinh điển Rừng trúc và Vũ Như Tô- rằng thời gian tới có kế hoạch cụ thể, ông cho biết: “Những vở lịch sử như thế đòi hỏi phải có thời điểm, sự đầu tư rất lớn. Riêng tập vở, phục hiện cảnh trí, phục trang mất hơn 2 tháng, kinh phí lên đến 500 triệu, nếu dựng mới thì mất 1 tỷ đồng. Trong khi mỗi năm Nhà hát được cấp khoảng 1,2 tỷ đồng chia cho 4 đoàn may ra dựng được 4 vở mới mỗi năm. Tôi nghĩ phải chờ cơ hội và lên kế hoạch xin hỗ trợ kinh phí, vì những vở ấy có vẻ không phải loại có thể bán vé ngay lập tức”.

Sau kinh phí, không ít đạo diễn trăn trở về đội ngũ diễn viên. NSND Phạm Thị Thành kể, để làm Vũ Như Tô bà phải chờ thử thách Lê Khanh 10 năm mới tin tưởng, bây giờ khó mà tìm được Đan Thiềm như Lê Khanh nữa.

Tuy nhiên, đại diện NH Tuổi trẻ- ông Trương Nhuận có phần lạc quan: “Tất nhiên diễn viên cũng khó khăn, nhưng có thể rèn luyện được. Những thế hệ diễn viên trưởng thành từ những vở diễn kinh điển ấy nay đều là đạo diễn cả. Điều quan trọng là phải có sự đầu tư dài hơi cho các vở diễn ấy”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.