> Sen giấy Thanh Tiên hút khách
Vì sao triển lãm lại lấy tên “Bố Hạo”?
Đây là triển lãm về bố tôi- nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lê Dưỡng Hạo, không lấy tên là “Bố Hạo” thì biết lấy gì bây giờ? Ban đầu tôi cũng cân nhắc những cái tên như “Bố tôi” “Tình cha” nhưng thấy chung chung quá. “Bố Hạo” thì chỉ có một thôi.
Ý tưởng triển lãm đơn giản là kỷ niệm 10 năm ngày mất của bố Hạo. Một trong những tác phẩm là sắp đặt gồm một ngàn vật thể được làm bằng giấy bản, có hình dáng của sách từ điển.
Tất cả đều rỗng ruột và không có chữ. Tác phẩm sắp đặt này có tên Sách Từ Điển.
Sau này, tôi quyết định làm thêm một ấn phẩm phụ trợ cho Sách Từ Điển, đó là tập hợp ảnh chụp vật dụng còn lại của bố Hạo và ghi chép lại ký ức của tôi về bố, có tên Còn Lại| Rời Rạc.
Sao lại chọn sắp đặt một ngàn vật thể được làm bằng giấy bản có hình dáng sách từ điển?
Bố tôi yêu sách, mê mua sách. Nhà tôi luôn đầy từ điển ngoại ngữ. Mỗi lần nhìn thấy chúng, tôi lại nhớ đến bố.
Tôi quyết định một ngàn quyển sách điêu khắc sẽ trống rỗng, không có chữ và đây là một lời tuyên bố thay cho sự thất vọng của bố Hạo về việc đại bộ phận chúng ta không biết đọc ngôn ngữ Hán Nôm. Chúng ta bị cắt đứt với chính nền văn hoá của tổ tiên.
Tuy nhiên, những lý do trên chỉ là phần dễ giải thích của Sách Từ Điển. Sự trống rỗng đối với tôi lúc này tượng trưng cho những ký ức về bố Hạo đã mất đi qua năm tháng.
Trống rỗng cho nỗi buồn và giận rằng bao năm tôi ở bên bố bây giờ trở thành một nắm ký ức lộn xộn, lẫn lộn, lụn vụn và mỏng manh. Những mảnh ký ức này ùa về bất chợt, lung tung không báo trước, không có thứ tự, không cần biết chúng sẽ làm tôi buồn, hay làm tôi giận.
Bố Hạo rất thân thương với Hiền Minh nhưng lại xa lạ với nhiều người. Liệu một triển lãm rất riêng tư có thu hút được người xem?
Đối với tôi 1.000 người đến xem triển lãm nếu chỉ 1 người yêu thích thì coi như thành công. Tôi nghĩ sáng tạo phải thể hiện được tâm tư, tình cảm của mình, hy vọng mọi người hiểu được công sức và tình cảm của tôi.
Và tôi nghĩ triển lãm này kết hợp được tình cảm riêng và nghệ thuật. Ngoài ra, đây còn là cột mốc quan trọng, không những đánh dấu 10 năm ngày mất của bố Hạo mà còn đánh dấu 10 năm tôi chỉ sử dụng chất liệu giấy dó và giấy bản trong tác phẩm nghệ thuật.
Sinh ra trong gia đình nổi tiếng, ông ngoại là nhà văn Kim Lân, mẹ là họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, cậu ruột là họa sĩ Thành Chương và nhiều họa sĩ tên tuổi khác, bên nội cũng là những người thành danh trong lĩnh vực khoa học (bác ruột là TS Lê Đăng Doanh), Hiền Minh có cảm thấy bị áp lực?
Tôi mặc nhiên thừa hưởng những áp lực sẵn có. Có thể nói tôi có một nền tảng tốt nhưng tôi ít khi thích được nhắc đến với tư cách “cháu ông Kim Lân, con mẹ Nguyễn Thị Hiền...”. Thậm chí tôi đã chạy trốn việc này.
Tôi sống ở New York khá dễ chịu vì mọi người chỉ biết đến tôi mà không kèm thêm là con người này, cháu người kia. Nhưng càng về sau tôi càng nhận thấy mình không thể tách biệt với gia đình được. Điều quan trọng là làm sao cân bằng, kiên định đi theo con đường đã chọn.
Triển lãm Bố Hạo khai mạc 16h30 ngày 10-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN 66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội. Phần khai mạc có màn biểu diễn của ca sỹ Giang Trang và DJ Jeremy. Lê Hiền Minh sinh 1979 hiện sống tại TPHCM, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Cincinati, Ohio, USA chuyên ngành hội họa. Từng có 3 triển lãm cá nhân tại Mỹ và Việt Nam, 5 triển lãm nhóm tại Việt Nam, Hàn Quốc, Đức, Mỹ. |