Nghệ sỹ Lộc Vàng: Long đong vì yêu nhạc

Nghệ sỹ Lộc Vàng: Long đong vì yêu nhạc
TP - Lộc Vàng đam mê nhạc tiền chiến từ khi dòng nhạc này còn là đứa con bị hắt hủi. Ông đã chịu không ít hệ lụy từ tình yêu ấy.

> Tay đàn, chân trống, miệng ac-mo ni-ca

Nhưng sự gập ghềnh, đớn đau mà Lộc Vàng từng trải đã giúp ông thăng hoa trong tiếng hát. Hiện tại ông được biết đến như một trong những nghệ sỹ thể hiện thành công nhất những tình khúc vượt thời gian.

Chưa bao giờ như bây giờ lực lượng được coi là nghệ sỹ lại đông đảo đến thế. Hát vài bài có thể được gọi là ca sỹ, sáng tác vài ca khúc đã được xem là nhạc sỹ… Tính dễ dãi chính là nguồn cơn đưa đến sự nhiều (nhưng không tinh) của đội quân sản xuất giá trị tinh thần.

Song cũng có những người lăn lộn cả cuộc đời mới được gắn mác “nghệ sỹ”. Lộc Vàng thuộc vào trường hợp ấy. Nói về điều này ông vẫn còn chút ngượng ngùng: “Cái “mác” ấy do khán giả tặng thôi, tôi không qua trường lớp đào tạo về âm nhạc, cũng không sống bằng nghề hát”.

Nhưng những người được đào tạo bài bản mấy ai hát nhạc tiền chiến hay như ông. Bởi Lộc Vàng có thể thua người về kiến thức âm nhạc nhưng tình yêu và sự trả giá cho dòng nhạc này, ai đua?

Thấy đẹp thấy hay thì yêu

Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc. Thiên hạ tặng ông biệt danh “Lộc Vàng” từ mấy chục năm trước, vì sự đam mê của ông dành cho nhạc vàng và vì giọng ca đặc biệt của ông.

Nhạc vàng trong quan niệm của ông Lộc (cũng như lớp người thuộc thế hệ ông) chính là dòng nhạc tiền chiến với nhiều tình khúc vượt thời gian, không bao gồm “nhạc sến” ướt át bình dân như cách hiểu hiện nay.

Thói thường người ta vẫn “phù thịnh”, kẻ “phù suy” bao giờ cũng hiếm hoi và chịu thiệt thòi. Có một thời nhạc tiền chiến bị hắt hủi, vùi dập nhưng vẻ đẹp, sức quyến rũ của nó vẫn khiến không ít người lụy tình.

“Tôi thấy đẹp, thấy hay thì tôi yêu, tôi thích”, Lộc Vàng giải thích sự “phù suy” của mình. Ông sinh ra trong một gia đình không làm nghệ thuật nhưng yêu nghệ thuật. Cha ông, một chủ thầu xây dựng, say âm nhạc, từ tuồng, chèo, cải lương tới nhạc mới. Khi còn nhỏ, mỗi buổi tối Lộc Vàng lại được ngồi trong lòng bố, nghe bố ngâm nga hát. Mới 6, 7 tuổi ông đã thuộc nhiều bài nhạc vàng (nhạc tiền chiến), dù chưa hiểu nổi những ca từ bay bổng, man mác yêu đương. Tình yêu lớn lên qua tháng ngày, cho đến khi ông thấy mình không dứt ra được… Lộc Vàng bị tống vào tù 10 năm, cộng với 4 năm bị quản thúc, mất quyền công dân cũng chỉ vì tình yêu ấy. Khi bị hỏi cung, “biết nhạc vàng bị cấm, sao vẫn hát?”.

Chàng thanh niên Nguyễn Văn Lộc trả lời: “Chúng tôi thích thì hát. Không vì tiền, không kích động, chúng tôi chỉ đóng cửa hát cho nhau nghe”. Lộc Vàng nhớ lại: “Thời ấy say mê lắm. Chỉ cần một ít thuốc lá, một ấm trà, chúng tôi có thể ngồi hát với nhau thâu đêm suốt sáng”. Rồi ông tự nói với mình: “Mà sao lại không say mê cho được? Ca từ đẹp, tình yêu xa xôi, bóng bẩy nhẹ nhàng…”.

Nghệ sỹ Lộc Vàng: Long đong vì yêu nhạc ảnh 1

Lộc Vàng se sẽ cất giọng: “Chiều nay sao dâng nhanh màu tím…”. Quay sang tôi, ông cười: “Tôi bị kết tội vì bài Chuyển bến này đây. Vì Chuyển bến mà tôi phải chuyển từ đời tự do vào trại giam”. Kể cả khi bị kết tội ông vẫn không khai mối quan hệ với “cha đẻ” Chuyển bến, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn.

Lộc Vàng yêu nhiều tác giả, tác phẩm: Lâm Tuyền với Tiếng thời gian, Nguyễn Văn Khánh với Nỗi lòng, Văn Cao với Suối mơ, Nguyễn Văn Tý với Dư âm, Nguyễn Văn Thương với Đêm đông…

Nhưng ông đắm đuối nhất với những nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn. Và may mắn ông cũng có nhiều dịp được gặp gỡ, trao đổi với nhạc sỹ tài hoa này. Một lần nghe Lộc Vàng hát xong, Đoàn Chuẩn đã tặng ông vài ca khúc, trong đó có bài Tâm sự người yêu.

Theo đánh giá của Lộc Vàng, Tâm sự người yêu nằm trong hàng những nhạc phẩm hay nhất của Đoàn Chuẩn: “Khi mùa thu đến nhanh, hoa phù dung in cành, từng đàn bướm trắng bay nhanh mong manh, tiếc nhớ thương vay, giận hờn bướm trắng có hay…”.

Nhân nhắc đến Đoàn Chuẩn, ông lắc đầu: “Bây giờ người ta hát nhạc Đoàn Chuẩn nhiều nhưng hát sai cũng nhiều”.

Ông lấy thí dụ bài Thu quyến rũ: “Người ta hay hát la Dìu thế nhân lạc vào chốn thiên thai đáng ra phải hát: Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai. Nhưng chưa tệ hại bằng câu Mây bay về đâu cuối trời, có người lại hát thế này mới sợ: Mây bay về đâu cuốn trời, chẳng thành ra Đoàn Chuẩn tả cơn giông sắp tới, đâu phải viết thu quyến rũ…”.

Cũng như thế Lộc Vàng “phê” tiếp bài Gửi người em gái miền Nam: “Bây giờ ngay trong đĩa nhạc, sách báo có khi người ta chỉ ghi Gửi người em gái, em gái nào? Thật vô nghĩa, trong khi bài hát nói hai miền đang chia cắt. Một số câu trong bài cũng bị “xuyên tạc” sai nghĩa: Hà Nội mừng đón tết, hoa chen người đi lại bị “cải biên”: Vắng bóng người đi, thành ra cái tết tiêu điều, lạnh lẽo”.

Mất nhà, lỗ vốn vì quán ca nhạc

Yêu dòng nhạc lãng mạn, bay bổng nhưng đời Lộc Vàng chưa phút nào… lên mây. Thời trẻ, ông bươn chải đủ thứ nghề: Quét vôi, làm bánh mì, gánh đất, lái ô tô… toàn lao động chân tay nặng nhọc, để nuôi thân và nuôi gia đình.

Cuộc sống không ngẩng đầu lên được vì mưu sinh nhưng tâm hồn ông vẫn gắn bó nhạc trữ tình: “Ngày lao động, đêm đêm tôi vẫn tụ tập anh em đàn hát”.

Bây giờ, ngoài sáu mươi tuổi ông chưa nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục lao động kiếm sống. Không cần thể dục, dưỡng sinh, không thuốc thang bồi bổ nhưng Lộc Vàng tự tin ở sức khỏe.

Hằng ngày ông bận bịu với công việc của một chủ thầu xây dựng nhỏ, đến công trình chỉ huy thợ thuyền lăn sơn, sửa chữa nhà cửa: “Khi nào nhiều việc thì cũng đủ sống nhưng từ hồi mở quán cà phê, ít việc lắm, người ta không gọi vì cứ nghĩ tôi mở quán rồi thì cần gì làm cái nghề vất vả ấy”, ông cười.

Mấy ai biết điều ngược lại, Lộc Vàng phải duy trì nghề xây dựng để nuôi quán cà phê. Chẳng ai kinh doanh kiểu như ông: “Quán này tôi thuê với giá gần 20 triệu đồng một tháng. Ngày thường, khách lác đác. Chỉ những đêm có ca nhạc thì đông, song không lãi, vì tôi không lấy đắt của khán giả bao giờ. Tôi chỉ mong đủ tiền trang trải ban nhạc, đủ tiền thuê nhà là cảm thấy sướng rồi, không cần lãi, lãi chính là được chơi, được hát”.

Mở quán cà phê nhạc, chỉ để có chỗ cho ông thỏa niềm đam mê. Đó đơn thuần là một cuộc chơi nghệ thuật. Tiếng hát của ông không chỉ chinh phục khán giả Hà Nội, nhiều Việt kiều nghe danh cũng đã tìm đến quán để thưởng thức giọng ca vàng.

Tuy thế, Lộc Vàng kiên quyết không kinh doanh tiếng hát của mình: “Tôi không bán tiếng hát, không phải ca sỹ chuyên nghiệp đi hát kiếm sống mà chỉ là say mê âm nhạc thôi” .

Tài sản của ông cứ dần “đội nón ra đi” để bù đắp vào sự thua lỗ của quán: “Lỗ nhiều tôi bán nhà to mua nhà nhỏ, từ nội thành bay ra ngoại thành. Khi chưa mở quán tôi có ngôi nhà 50 m2 ở phố Kim Mã, sau bốn năm tôi chỉ còn 50m2 đất, ở tít Cầu Diễn”. Bây giờ, ông sống luôn ở quán.

Thời buổi này, người ta không chỉ nghe ca nhạc mà nhu cầu xem ca nhạc có khi còn cao hơn. Song nếu tới quán Lộc Vàng thưởng thức âm nhạc, khán giả không được chiều chuộng theo lối “vừa nghe, vừa ngắm”.

Hiện tại, ông có trong tay ba ca sỹ. Ông chọn ca sỹ theo đúng kiểu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, cả ba ca sỹ đều đã cứng tuổi và như giống như ông, họ không hoạt động chuyên nghiệp: “Ca sỹ của tôi phải hát giọng thật, người Việt Nam hát tiếng Việt Nam rõ ràng, mạch lạc, từ nào ra từ ấy”. Và bốn ca sỹ (tính cả Lộc Vàng) chỉ hát nhạc xưa không hát nhạc mới.

Hỏi Lộc Vàng: “Nếu được làm lại ông có dại yêu nhạc tiền chiến nữa không?”. Chẳng cần suy nghĩ, ông phản ứng: “Làm sao có thể nói tôi dại dột? Cho đến hôm nay tôi chẳng thấy tôi dại ở điểm nào”.

Ông may mắn có hai người con cũng theo âm nhạc. Thỉnh thoảng cậu con trai cả đến quán đệm đàn cho bố hát: “Thế là tôi mãn nguyện rồi”.

Cả đời tôn thờ vợ

Nghệ sỹ Lộc Vàng
Nghệ sỹ Lộc Vàng.

Vợ Lộc Vàng đã mất 10 năm nay nhưng mỗi khi thăng hoa trên sân khấu ông lại khóc. “Tôi chỉ ước vợ tôi sống lại, ở bên cạnh tôi, nghe tôi hát. Ngày xưa, tôi đi hát vợ tôi bế thằng lớn theo sau.

Mấy ông bạn bảo: Trời rét, để con ở nhà mang con theo làm gì? Vợ tôi trả lời: Em không đi nghe hát đâu mà để nếu chồng em có bị bắt lần nữa, em còn biết đường đi tiếp tế”, nhớ lại chuyện xưa khiến đôi mắt ông ngấn lệ.

Cuộc đời Lộc Vàng có hai tình yêu lớn: Yêu nhạc và yêu vợ. Sau khi sinh con thứ hai, ở tuổi ngoài bốn mươi, vợ ông lâm bệnh nặng suốt 10 năm rồi mất.

Bà ra đi để lại cho ông hai người con và một tình yêu chưa bao giờ nguôi ngoai: “Tôi biết cô ấy từ năm 17 tuổi, chơi thân với nhau, rồi yêu nhau sau đó. Ngoài 20 tuổi tôi phải vào tù, 31 tuổi ra tù, thiên hạ dị nghị, kinh sợ tôi hơn một gã tù lưu manh, chỉ có cô ấy không ngại, vẫn yêu, vẫn thương tôi”.

Vì người mình yêu, bà bỏ nghề diễn viên làm nghề bán đậu phụ ngoài vỉa hè. Suốt quãng đời bên nhau chưa một lần vợ Lộc Vàng trách cứ ông về tình yêu với dòng nhạc mang đến nhiều hệ lụy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG