Tấm da trời

Tấm da trời
TP - Tôi chụm nén nhang trước ban thờ, mái tôn của chái nhà thấp gần chạm đầu tôi chợt trôi đi trong cơn mộng du. Vết nứt trên tường ố nước mưa co rút lại thành búi mạng nhện hình thù kỳ dị. Mùi khói nhang đặc quánh ngào ngạt.

> Gọi từ quên lãng

Gương mặt hiền từ, đôi mắt dài hình hạnh đào nhìn xuống, miệng ngậm hờ trong nụ cười an nhiên, người đàn bà trước mắt tôi mặc bộ đồ trắng mềm mại, tay cầm cành dương.

Tôi chắp hai tay trước ngực, miệng lẩm bẩm đứt quãng. “Xin Bà thương con. Con không còn chốn nào để đi, không còn nơi nào để đến. Xin Bà thương con.

Phù hộ độ trì cho con thoát thân, thoát nạn. Cha mẹ, anh em giờ cũng coi con là kẻ đã chết, chỉ còn Bà, đại từ đại bi, xin cứu vớt con”.

Tôi bước thật nhanh ra khỏi chái nhà cũ kỹ, không muốn mẹ tôi nhìn thấy, không muốn cái nhìn đau đớn như con cừu già bị treo trên miệng vực, bị hăm dọa đẩy xuống vực hết lần này tới lần khác của mẹ bám riết lấy từng bước chân rời rã của tôi.

Tôi thường nhìn vào mắt bà mỗi lần cầu xin bà đưa tiền cho tôi, như một đứa con ngoan hứa hẹn ngày mai sẽ mang về cho mẹ bánh quà, vải lụa, hay ít nhất cũng là phiếu kết quả học tập loại giỏi ở trường.

Những lúc ấy mắt mẹ tôi không còn một cảm xúc nào, nó cứng lại như đôi con ngươi bằng đá. Rồi bà lẳng lặng đứng dậy như mỏm đá đột nhiên rùng mình, mở tủ lấy đưa cho tôi, khi thì 100 ngàn, khi thì vài chục ngàn.

Cầm tiền mẹ đưa, tôi vội vàng giắt vào túi quần, biến ra khỏi nhà. Tôi chưa một lần ngoái lại nhìn mẹ tôi cố nuốt niềm vui thê thảm của sự hy sinh trong đôi mắt cụp xuống, mọng lên vì nước mắt và mất ngủ.

Tiền đưa cho tôi là tiền dành dụm để thỉnh thoảng mẹ tôi bắt xe ôm xuống chơi nhà bà con thân thiết, hoặc là tiền đi chợ mẹ âm thầm bắt cả nhà mỗi người nhịn thêm một miếng mà mẹ thắt ruột bớt phần mình nhiều nhất, hoặc là tiền mẹ tôi dành mua thuốc thang mà chưa mua. Tôi biết hết những chuyện này, nhưng tôi không còn quan tâm từ lâu. Không quan tâm.

Hôm nay thì hết. Cái túi tiền mẹ chắt bóp từ những hổ thẹn đau xót của mẹ để cung phụng tôi đến hôm nay đã thủng cả đáy. Đúng ra là nó lúc nào cũng thủng quá đáy luôn mà mẹ tôi phải bù vào bằng vay giật những khoản khác của gia đình.

Cho đến hôm nay thì nỗi hổ thẹn đau xót của mẹ, mà tôi sống bám nhờ vào đó cũng đã cạn kiệt. Đừng hòng chắt nổi một giọt nào nữa. Tiền bạc của mẹ và gia đình thì đương nhiên là đã cạn kiệt, từ lâu.

Tôi đi như chạy trên đường. Thằng Thước hôm qua về đòi vác dao đâm mẹ nó, vì biết bà cụ vẫn còn mấy chục ngàn trong người nhưng nhất quyết không chịu đưa cho thằng con tàn hại. Người ta đến bắt nó, bà mẹ lại nhất quyết không chịu ký vào giấy để nó được đưa lên trại. Đi trại mà không có người thăm nuôi thì cũng phát bệnh mà chết sớm.

Tôi đã đứng giữa con phố lớn đầy những người và xe, tưởng chừng bàn chân chẳng len nổi.

Chợt một giọng nói vang bên tai, dịu dàng, thánh thót, nghe rõ từng lời, lại dường như từ chính trong óc tôi phát ra. Chỉ biết, chưa bao giờ có ai ân cần với tôi đến thế.

“Con đừng đi lối ra cầu T. như những lần trước, sẽ gặp họa, ta cũng không cứu được. Con hãy đi lối tắt qua ngõ đến bãi B. M, có người đang đợi. Nhớ đi tới nơi về tới chốn” .

Tôi rụng rời. Liệu còn ai có con mắt nhìn thấu trần gian mách bảo tôi đây? Hay là ma quỷ hiện hình dụ dỗ tôi vào cõi chết? Dưới âm ty cũng có ai cần cái thằng tôi làm gì, ngoại trừ để làm mắm? Không.

Tôi chưa chết được. Tôi không gây thù chuốc oán với ai. À, phải rồi. Đức Bà cứu khổ cứu nạn nhân gian. Con xin tạ ơn Người. Tôi chắp tay trước ngực như kẻ dở mê dở tỉnh.

Tôi không đi ra lối cầu T. như mọi bận mà len lỏi trong các ngõ nhỏ, cuối cùng cũng thấy mình lửng lơ giữa bãi B. M. Ở đây trống trải, người ta san nền để chuẩn bị xây nhà cao tầng.

Tôi không hiểu bằng cách nào những căn nhà có thể trồi lên ở đây. Đối với tôi, để có một căn nhà thì trước tiên phải có một gia đình thương yêu nhau, rồi người ta mới nghĩ cách để xuất hiện một ngôi nhà.

Nơi đây xưa kia là cái hồ rộng, lạnh lẽo, rùng rợn thê lương, toàn ma với quỷ cùng trộm cướp, những cuộc đời khốn khó vặn xoắn nhau như dây trói.

Tôi đi về cuối bãi, nơi có những túp lều rách rưới che tạm. Có hai trung niên đang ngồi trước lều. Họ đứng dậy, tiến lên, tôi lùi lại.

- Có “hàng” không?

- Anh lấy “tép” hay “đá”, bao nhiêu?

- Có bao nhiêu lấy bấy nhiêu.

Tôi lấy từ chỗ giấu trong người ra 4 “tép”, hai trung niên đưa tiền sòng phẳng rồi ung dung bước đi. Tôi mừng quýnh, chỗ này đủ để hoàn tiền cho trùm, lại còn 1 tép.

Tôi ghé tiệm thuốc mua mấy cái ống tiêm, chai nước cất. Chạy vội vào hẻm, tôi “phá” thuốc, lắc đều rồi cắm kim tiêm thẳng vào ven tĩnh mạch. Chất nước trắng lờ nhờ râm ran chạy đi khắp cơ thể như hàng ngàn bước chân áp giải theo sự sống.

Chỉ chừng quá 2 phút, cả người tôi như đang sắp tan xương nát thịt bỗng được đỡ lấy bằng tấm nệm êm ái, thơm tho. Thoắt chốc, tôi thấy niềm vui vô bờ, mọi nỗi lo đói khát, khổ sở như tan biến, tôi thấy mình là kẻ khỏe mạnh, hào hứng nhất thế gian.

Dứt cơn ảo giác, tôi loạng choạng đứng lên, tìm lối đi. Lại tìm đường bán “hàng” cho những con nghiện khác hay bất cứ người nào cần. Tạ ơn Đức Bà Quán Thế Âm Bồ Tát đã cứu con khỏi con đường chết… Thằng Miễu “cô” đã đem cả ma túy về nhà dụ dỗ em trai nó dùng. Bây giờ cả 2 anh em cùng nghiện, ông bà già nó chỉ còn nước tự tử…

***

… Chiều nay tôi tới thăm một trại cai nghiện ma túy ở thành phố H.. Trại được đặt ghép ngay trong bệnh viện tâm thần của thành phố, hoặc là bệnh viện tâm thần có thẩm quyền lồng ghép cả chức năng cai nghiện.

Ngăn cách bằng một khu vườn cây hoa lả lướt với nhiều lối đi, khu bệnh nhân tâm thần và khu người cai nghiện có chung một phòng điều trị. Ngày hai lần, bệnh nhân tâm thần và người nghiện xếp hàng chờ tiêm, chia theo giờ kế tiếp nhau.

Hết phác đồ tiêm thì chuyển sang uống thuốc. Ngày hai lần hộ lý lau sàn bệnh viện bằng nước Clor hoặc dầu sả. Con nghiện ma túy hay bệnh nhân tâm thần cũng đều được coi bình đẳng ngang nhau, những sự tàn phế được an ủi bằng thuốc uống và thuốc tiêm.

Bác sĩ T. T. có lần giảng giải cho tôi về cơ chế tạo ra Eldophin nội sinh, một thứ được hiểu như dạng “bạch cầu” cao cấp bảo vệ và nâng đỡ hệ thống thần kinh của toàn cơ thể.

Quá trình gây nghiện dùng chất bên ngoài cơ thể để tạo eldophin, lâu dần làm não bộ mất khả năng sinh sản ra chất này. Cai nghiện là dùng châm cứu để khôi phục năng lực sản sinh Eldophin của cơ thể.

Không rõ vì chưa đủ thời gian hay chỉ muốn tôi truyền đi thông điệp lạc quan về việc có thể khôi phục hoàn toàn cho người nghiện trở lại như người bình thường, ông chưa nói kỹ về những tổn thương thực thể xảy đến với hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể do ma túy, đối với người nghiện không được cung cấp đủ thuốc trong tiến trình gây nghiện. Tức là với khoảng 95% số con nghiện hiện nay.

Bản thân chất ma túy, nhựa từ cây anh túc, không có lỗi. Chỉ con người có lỗi khi dùng nó như một phương tiện để nô dịch con người, tương tự như súng đạn, sự hủy diệt tàn khốc hay lính đánh thuê…

Thứ tài nguyên nào càng nhiều tính chất kỳ diệu và năng lượng khủng khiếp thì càng dễ bị lợi dụng trong cuộc chiến tranh đoạt quyền lợi, quyền lực cũng như để giành quyền nô dịch kẻ khác.

Chính tôi cũng không ưu việt hơn gì những nạn nhân khốn khổ đang chết dần mòn trong vô minh và sự tàn phá cơ thể của ma túy. Có điều, số phận tôi may mắn hơn. Tôi không bị những móng sắc của tội ác và sự tước đoạt bủa xuống.

Chúng ta bao bọc cho con cái ta bằng chăn ấm nệm êm, chọn cho chúng những trường học tốt nhất, dạy chúng về ý thức cạnh tranh trong đời sống và hài lòng rằng con chúng ta sẽ đương nhiên sẽ chiếm một chỗ trong xã hội thượng lưu như cha mẹ chúng.

Tất cả điều đó có nghĩa, con cái chúng ta sẽ tránh được mọi nguy cơ đe dọa đến từ tội ác và sự tước đoạt. Số đông còn lại, đắm chìm trong giao tranh đẫm máu, đổi mồ hôi, nước mắt, có khi cả tính mạng để giành giật bát cơm ăn, bị buôn bán như súc vật, bị cưỡng bức và tước đoạt bất cứ lúc nào cả sự sống và nhân phẩm.

Có những bà mẹ sinh con nhưng không còn một phương cách nào để tiếp tục nuôi con, đành nhắm mắt giao đứa trẻ cho những kẻ nhẫn tâm, để rồi nó bị bắt lao động khổ sai, bị nhục hình bằng dùi sắt nung đỏ.

Có đứa bé trót ăn cắp mười ngàn đồng chỉ để mua bánh mì, bị bác họ đánh thâm tím mình mẩy.

“Ông bác” ấy cũng phải cực nhục cỡ nào mới kiếm được mười ngàn đồng? Những đứa trẻ hơn mười tuổi ở Ấn Độ bị bán vào nhà chứa, hàng trăm ngàn đứa khác chết dần mòn trong các trại mồ côi ở Afghanistan khi cha mẹ bị giết vì giao tranh… trong khi hàng trăm nghìn thanh niên trở thành món dự trữ trên bàn ăn của các ông trùm?

Chúng ta đứng trong hành lang an toàn nhìn xuống cái vực thẳm của ba phần tư nhân loại ấy bằng con mắt lo âu. Dường như đó là định mệnh? Là định mệnh không thể nào thay đổi?

Sự an toàn và sung sướng của một phần tư nhân loại dường như có liên quan đến ba phần tư nhân loại khổ đau còn lại? Bởi vì khi sắp đặt cho một đám đông con người chung sống bên nhau, chúng ta đã quên đi tự do và sự khác biệt, để chỉ áp đặt cùng một thứ khuôn mẫu, cùng một thứ hạnh phúc hay bất hạnh.

Chính việc áp đặt cùng một khuôn mẫu đã tạo ra thảm họa. Những cảnh giới khác biệt và sự khác biệt của con người, từ khi được sinh ra, đáng lẽ phải được xem là yếu tố quyết định những điều kiện riêng tư để mỗi con người được chọn trở nên hạnh phúc theo cách của mình?

Tôi sẽ không thể nào viết thêm, dù chỉ một trang, về nỗi khổ đau của những con người trở thành mồi ngon của tội ác. Bởi vì trái tim tôi không bị xâu xé bởi những móng vuốt của ma túy, giết chóc, sự ức hiếp, xâm phạm và tước đoạt, giống như những kẻ đã bị ép buộc phải bất hạnh trong một đời sống vẫn còn bị dẫn dắt bởi bạo lực và sự không tôn trọng cá nhân…

(Trích sổ ghi chép tìm thấy từ tiệm bán giấy vụn)

***

Thứ nước trắng lờ nhờ thức tỉnh khứu giác tôi, tôi thấy mùi hôi tỏa ra từ áo quần và thân thể. Cái mùi thân thiết không rời. Mùa hè năm ngoái, khi tôi dạt đến tỉnh N. trong cơn đói thuốc, tôi chẳng còn ra hồn ma hay quỷ.

Tóc cứa nham nhở bằng mảnh chai. Áo quần bê bết máu, bùn đất đóng tróc lại rồi cong vênh lên. Tôi đái ỉa ngay quanh chỗ nằm, đái ỉa ngay trong quần, lê lết tấm thân tàn trong công viên, những hẻm phố vắng ít người qua lại.

Tôi thấy tôi đã chết, thân thể tan nát, đầu óc rữa mủn. Rồi lại thấy thân mình nhẹ bỗng như đang phiêu du ở xứ sở nào. Đó là lúc kiếm được chút “nước xái” để tiêm. Rồi mẹ tìm thấy tôi, trong tay bà giấu mấy “tép” thuốc…

Buổi chiều định mệnh, khi tôi thoát nạn, thì bọn thằng Kim “kê”, Thặng “lùn”, con Liều và anh Sấm đều bị tôm ở cầu T.. Kim “kê” và anh Sấm bị án ba “gậy”, đưa đi trại giam T.. Thặng lùn và con Liều bị 8 tháng, hưởng án treo.

Một đôi lần nữa, tôi nghe được giọng nói trong trẻo, ân cần của Đấng cứu nạn. Nhiều lần, không có gì mách bảo, nhưng đôi chân tôi như được ân phước. Tôi thoát khỏi cảnh vật vã đói thuốc. Tôi đã là “trùm” chăn dắt mấy thằng đàn em bán lẻ.

Tôi không biết trong số những người đã mua thuốc của bọn tôi, ai là kẻ nghiện ngập trước đó, ai mới lần đầu sa chân vào con đường không có đường này. Nhưng một ngày tôi chợt nhận ra, hễ cứ có thêm một người “dính” nghiện là trong đó có tôi góp phần gây nên nghiệp ác. Nếu tôi chết đi, có phải là từ bỏ nghiệp ác hay không?

Thằng Tượng “tít”, đàn em tôi đang từ trong hẻm đi tới. Nó ngồi xuống cạnh tôi, dưới gốc cây muỗm cổ thụ bên ngôi miếu cũ. Tiếng nó thủ thỉ: “Anh Sấm chết ngày hôm qua rồi anh ạ. Đỡ khổ công thụ án, mới một năm. Tim gan phèo phổi “trắng” hết, chẳng còn gì. Cúng ba ngày xong thì trại giam họ đốt cho cái giấy ra trại. Thế là thành người tự do…”

Tôi không nghe gì nữa. Tôi thiếp đi trong giấc mộng, nơi đó tôi được đắp lên mình tấm chăn êm ái, mềm như tơ lụa, mát rượi như lông cánh loài chim. Hình như là tấm da trời…

Truyện ngắn của Khánh Phương

Khánh Phương
Khánh Phương.
 

Một kẻ nghiện ngập, bị sa xuống đáy xã hội nghĩ gì, cảm thấy gì?

Khi đặt ra câu hỏi đó, tức là đã không còn thờ ơ với một số phận bên lề, thứ số phận bị vứt bỏ.

Đó là cái nhìn mang tính xã hội học. Nhưng còn văn chương? Đã có mấy ai viết về một kẻ như thế, không phải với cái nhìn kẻ cả, phán quyết, về một nhân vật ngôi thứ ba đáng bị ruồng bỏ, mà ở ngôi thứ nhất. Một cái tôi!

Khánh Phương đã làm điều đó, một cách tự nhiên, không lên gân, không sướt mướt. Người đọc thấy một con người, đang thở, đi, ăn và kể cả sa đọa dưới vòm trời này. Để hiểu hơn, và thương hơn.

Khánh Phương sáng tạo trên nhiều thể loại chữ nghĩa, chị viết văn xuôi, làm thơ, viết phê bình tiểu luận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.