> Lối viết đa tuyến tính trong 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]
Nhà văn Đặng Thân. |
Cuộc trình diễn gồm ba người. Mở đầu, nhà phê bình Lã Nguyên thuyết trình với những nhận định, phân tích khoa học về nội dung, nghệ thuật, thi pháp và trường phái của cuốn tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần].
Trong khi đó, nhà thư pháp Trịnh Tuấn sẽ viết thư pháp và thực hiện các cuộc bút thoại qua hai mặt của một tờ giấy lớn với nội dung tương tác với các ý tưởng của nhà phê bình, nhà văn và cuốn tiểu thuyết.
Đặng Thân sẽ độc thoại nội tâm... Phần thứ hai của chương trình, diễn giả sẽ đặt câu hỏi cho các cử tọa và cuối cùng, những bức thư pháp của Trịnh Tuấn sẽ được đem bán đấu giá, một phần số tiền sẽ được tặng từ thiện.
“Trình diễn đa thoại” diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội vào hồi 18h30 ngày 18-10 tới đây.
Xin anh cho biết, ý tưởng cho cuộc trình diễn này được bắt nguồn như thế nào?
Trong một lần ngồi café trò chuyện về thư pháp, về văn chương với nhà thư pháp Trịnh Tuấn, chúng tôi đã ngẫu hứng nghĩ ra trò chơi này. Cũng bởi đó là một quán café có cái tên rất lạ và gợi mở.
Anh có thể cho biết quá trình từ lúc nghĩ ra đến lúc nó được công diễn mất bao lâu?
Tôi nghĩ là không lâu lắm, chừng vài ba tháng. Khi tôi nói ý tưởng này với một số người bạn làm việc trong lĩnh vực truyền thông, họ thích. Chính họ làm việc trực tiếp với Viện Goethe để có cuộc trình diễn sắp tới của tôi.
Được biết, để một dự án được phê duyệt ở Viện Goethe thường phải lên kế hoạch trước đó cỡ nửa năm hơn. Không hiểu sao, dự án này của tôi được chấp nhận nhanh đến vậy, chỉ vài hôm.
Trang bìa tác phẩm. |
Đọc tiểu thuyết có thể thấy anh rất am hiểu về người Đức và văn hóa Đức?
Nói không ai tin, nhưng sự thật là tôi chưa từng đến nước Đức. Ấy vậy mà, một số người bạn của tôi đã từng ở Đức, trong đó có người đã định cư ở Đức được hơn 20 năm, khi đọc tiểu thuyết của tôi đều nhận xét rằng tiếng Đức và con người Đức mà tôi viết ra cực chuẩn, không thể sửa được.
Có nhà văn còn khẳng định nếu tôi nói ra rằng các nhân vật Đức trong truyện đều do tôi bịa ra cả thì không ai có thể chấp nhận nổi.
Những người thực hiện hy vọng trong tương lai sẽ đưa tất cả các dạng thoại (huyền thoại, pháp thoại, kịch câm, kịch hề, kịch mặt nạ - carnaval, rối bóng...), kể các các hình thức thoại rất khó như tâm thoại (thường được gọi là “đối diện đàm tâm”, nhìn nhau mà nói chuyện chứ không nói) hay thủ thoại (cầm tay nhau đối thoại mà không hề nói) vào cuộc trình diễn đa thoại và dùng loại hình trình diễn văn học mới mẻ này để giải mã các văn bản đặc sắc. |
Đây là lần đầu tiên anh tham gia cuộc chơi với tư cách nghệ sỹ trình diễn?
Vâng. Và có lẽ, trên thế giới hình như cũng chưa có ai làm công việc khai báo là mình đã suy nghĩ gì khi viết truyện.
Tôi chắc là người đầu tiên trên thế giới trình diễn độc thoại nội tâm “Tôi-đã-nghĩ-gì-khi-viết”, gần như kiểu kỹ thuật “dòng ý thức”.
Về phương pháp, tôi sử dụng các loại thoại khác nhau để giải mã các tác phẩm, chứ không phải thảo luận bàn tròn hay hội thảo, hội nghị.
Sau buổi trình diễn này, anh có ý định giới thiệu thêm nhiều cuốn tiểu thuyết của mình với hình thức như thế này không?
Tôi nghĩ mục đích lớn của cuộc chơi này là giới thiệu một hình thức hoạt động văn học mới.
Tương lai, có thể dùng hình thức này với mọi tác phẩm, chẳng hạn như các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Trần Dần, Lê Đạt… hoặc là tác phẩm nước ngoài nào đó, thậm chí là tác phẩm của một nhà phê bình, tức là bao gồm cả sáng tác và phê bình văn học.
Mô hình của cuộc chơi là sẽ có ba người hoặc nhiều hơn để trình diễn và nói về các tác phẩm thuộc dòng “văn chương khó” nào đó.
Hình thức này là tác giả tự nói ra quá trình viết của mình dưới dạng độc thoại. Vậy nhà văn Vũ Trọng Phụng đã mất lâu rồi thì làm thế nào?
Hình thức trình diễn này đòi hỏi ít nhất ba người: Một nhà phê bình (không nhất thiết là ông Lã Nguyên), một người trong vai người sáng tác (không cứ phải là ông Đặng Thân), và một số người nữa trong vai trò bút thoại, viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc… hoặc những người thể hiện các dạng thoại khác.
Tóm lại có hai nhân vật cố định là một người sáng tác và một nhà phê bình. Ví dụ, tôi có thể đóng vai nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tất nhiên, tôi phải đọc, phải hiểu nhà văn này.
Khi thực hiện, tôi sẽ đặt mình vào vai trò ông Phụng, tôi sẽ “nhập thiền” để vào vai ông Phụng và nói như ông Phụng… Hoặc nếu không là tôi, thì có thể là người khác rất am hiểu nhà văn này.
Khi nhập mình vào vai người sáng tác, nếu không đạt 100% thì cũng phải 80-90% để cho mọi người hiểu.
Sẽ còn là những tác giả nào khác cần tới cuộc chơi mới này?
Thiếu gì, thậm chí là thơ Tố Hữu; hoặc có thể là Lolita, sẽ có nhà văn đóng vai Nabokov, ông Dương Tường có thể đóng vai nhà phê bình hay người dịch...
Đây là lần đầu tiên tham gia trình diễn, anh có hồi hộp không?
Không có vấn đề gì. Nếu ai quan tâm đến văn học đều biết, nó có thể là truyện kể, truyện thơ, kịch... Tôi hy vọng, các loại hình đó mà phối hợp với nhau thì tạo nên cuộc trình diễn hay. Ví dụ độc thoại nội tâm là kịch.
Hy vọng sau này có thể làm được nhiều hình thức khác như rối bóng (xem bóng trên tường), kịch mặt nạ kiểu carnaval giống như ở Brazil, Ý. Tôi nghĩ rằng, ai cũng có thể trình diễn.
Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công.