> Tổng Bí thư chúc mừng nhà viết kịch Học Phi tròn 100 tuổi
Lễ kỷ niệm 100 năm tuổi đời và tôn vinh sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật của nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động cách mạng lão thành Học Phi (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VN-NT) nằm trong chuỗi những hoạt động kỷ niệm 55 năm thành lập Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và 3 năm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Vở chèo “Ni cô Đàm Vân” do Học Phi là tác giả, đã được chọn diễn nhân dịp này, tại Nhà hát Kim Mã (thuộc Nhà hát Chèo Việt Nam), đêm 26 tháng 9 vừa qua. Khán giả tới với vở “Ni cô Đàm Vân” đông và háo hức. Một điều đáng ngạc nhiên với sân khấu kịch hát dân tộc hiện nay. Có thể do không bán vé, “thượng đế” được miễn phí bằng vé mời, nên đắt khách chăng?!
Chưa đến giờ, đã đóng cửa
Chưa đến giờ diễn, cửa vào rạp hát đã đóng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Công chúng rớt lại phía ngoài cầm trên tay toàn thư mời, vé mời, rào rào xin bảo vệ được vào. Nhưng mọi lời lẽ của khán giả không làm động lòng.
Phần lớn khán giả đều không còn trẻ, nên hành động trèo cổng không diễn ra. Để tới được đêm diễn, có những người già yêu chèo đã phải trải qua chặng đường hai chục cây số. Niềm hân hoan khi được xem vở diễn kinh điển đã tan biến thay cho nỗi bực dọc.
Ngay cả một số phóng viên báo hình tác nghiệp cũng bị đứng ngoài: “Anh ơi, anh cho đài truyền hình vào đi. Chúng tôi ở đài truyền hình quê hương bác Học Phi, chúng tôi vào quay, làm tin”. Đáp lại lời giới thiệu tưởng như khá “đánh trúng tâm lí”, đội ngũ bảo vệ vẫn ngồi ở đằng xa, không đáp lời.
Sau hơn nửa tiếng để công chúng đứng ngoài kêu gọi mới có một người, tự xưng là quản lí rạp Kim Mã ra nói với bà con: “Bên trong chật cứng, không có chỗ đứng, bà con thông cảm”. Sau đó, đám đông mới ngớt dần.
Tự “trừ hao” khán giả?
Điều khán giả thắc mắc: “Tại sao ban tổ chức (Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam) không tính được lượng ghế của rạp Kim Mã, để kiểm soát lượng giấy mời và thư mời. Chèo, tuồng… vốn đã không phải loại hình hấp dẫn khán giả hiện nay.
Lâu lâu mới có một dịp ít nhiều lôi cuốn được sự quan tâm của các “thượng đế” mà đối đãi kiểu này, ai sẽ đến với sân khấu kịch hát dân tộc? Có khán giả khi ra về đã bực bội nói rằng: từ giờ không đi xem… chèo nữa.
Nghe nói đang có một hiện tượng diễn ra ở một số loại hình sân khấu dân tộc ít cuốn hút người xem: phát lượng giấy mời vượt quá so với số ghế ở rạp, chỉ vì những người tổ chức đã tự “khấu hao” lượng khán giả được mời nhưng không đến.
Phải chăng, ban tổ chức đêm tôn vinh Học Phi cũng sử dụng “chiêu” trừ hao này? Bởi lẽ, ngay trước giờ diễn, người của Ban tổ chức vẫn đứng phía trong đưa thư mời thoải mái cho người thân của họ ở phía ngoài cổng, chỉ tiếc rằng, có thư mời cũng không vào được.
Lâu lâu mới có một dịp ít nhiều lôi cuốn được sự quan tâm của các “thượng đế” mà đối đãi kiểu này, ai sẽ đến với sân khấu kịch hát dân tộc? |