Cuốn sách có tên Một thế giới khác. Tác giả kiêm nhân vật chính là chị Nguyễn Ngọc Hoài, một nhà ngoại cảm được xếp hạng xuất sắc ở Việt Nam, tìm được trên 5.000 hài cốt liệt sĩ. Sách ra mắt hôm 27-8 tại Thư viện Hà Nội.
Cuốn sách và những thông tin được chị Hoài cùng các nhà khoa học cung cấp trong buổi ra mắt đã hé cho công chúng một khe cửa rộng hơn để tiếp cận khoa học tâm linh.
Thông tin liên hệ của chị Hoài và gia đình các liệt sĩ đều được cung cấp trong cuốn sách để phục vụ những ai có nhu cầu kiểm chứng.
Hơn 90% nhà ngoại cảm ở Việt Nam là giả
Tại sự kiện, TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), đại diện cho các tổ chức nghiên cứu về khoa học tâm linh (có cả Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an), cung cấp số liệu về hiện tượng ngoại cảm ở Việt Nam.
Theo ông Khanh, các nhà khoa học đã khảo sát khoảng 300 người Việt Nam tự nhận có khả năng ngoại cảm. Chỉ có dưới 10% trong số họ, tương ứng với khoảng 20 người, được xác nhận là nhà ngoại cảm thật, còn lại là cố tình bắt chước, giả mạo hoặc mạo danh.
Chẳng hạn, nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã ở Hà Nội, một người ít khi xuất hiện, bị mạo danh rất nhiều lần. Chính chị Nguyễn Ngọc Hoài cũng từng bị mạo danh. Các trường hợp giả đều bị phát hiện và loại khỏi nghiên cứu.
Sau khi trải qua bài kiểm tra khả năng ngoại cảm, các nhà ngoại cảm được UIA cung cấp nơi ăn chốn ở và lắp đặt máy quay giám sát nhằm đánh giá khả năng của họ.
Chị Hoài từng đăng ký chương trình khảo sát này của UIA và đã vượt qua. Điều đó chứng tỏ, khả năng ngoại cảm đã được chứng thực bằng các phương pháp khoa học, chứ không phải bằng những phán đoán mơ hồ.
TS Khanh cho biết, Viện Khoa học hình sự đã nhiều lần ứng dụng khả năng của các nhà ngoại cảm trong việc phá án, đem lại hiệu quả tốt. “Hoàn toàn có thể kết hợp giữa ngoại cảm và khoa học hiện đại để phục vụ cho lợi ích của xã hội”, ông nói.
Mê tín, thần thánh hóa là do dân trí thấp
Như vậy, sự hoài nghi đối với khả năng ngoại cảm đã được khoa học giải đáp. Còn những ngờ vực về khả năng tìm mộ của nhà ngoại cảm, theo chị Hoài, hoàn toàn có thể xác nhận nhân thân hài cốt bằng phương pháp kiểm tra ADN, nhưng thực tế là nhiều gia đình đã không làm, dù có lời khuyên của nhà ngoại cảm.
Mê tín phát sinh từ hoạt động ngoại cảm là do dân trí thấp chứ bản thân ngoại cảm không phải là mê tín dị đoan, GS Phạm Đức Dương, Chủ tịch Trung ương Hội nghiên cứu Đông Nam Á - Việt Nam, khẳng định.
TS Vũ Thế Khanh cho biết, độ chính xác của năng lực ngoại cảm vào khoảng 60-70%, tức là còn 30-40% sai số, thế nên nhà ngoại cảm không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối. Chính mức sai số đã tạo ra hai luồng dư luận đối lập nhau về ngoại cảm.
Những người được ngoại cảm giúp tìm mộ thành công có xu hướng thần thánh hóa ngoại cảm, còn những người thất bại hoặc chưa hiểu về ngoại cảm thì lại quy kết nó là mê tín. Cả hai thái độ này đều là sai lầm.
GS Phạm Đức Dương nói: “Khi tôi nghiên cứu văn hóa, tôi nhận ra rằng cái hồn của văn hóa chính là thế giới tâm linh, chỉ có vật chất thì không thể làm nên văn hóa được”.
Có thể coi nhà ngoại cảm là người phiên dịch giữa hai thế giới, bởi họ có thể tiếp nhận thông tin từ người cõi âm, truyền đạt lại cho người đang sống và ngược lại.
“Không nên giới hạn những hiểu biết của con người”, ông Vũ Hoàng Giang, đại diện Nhã Nam, nói về lý do công ty này tổ chức xuất bản cuốn tự truyện. Ngoại cảm và tâm linh luôn là một thứ hiểu biết khiến người ta vừa tò mò háo hức, vừa e ngại run sợ. Bất chấp điều đó, khoa học vẫn nghiên cứu, dù đường đi còn rất dài.
Cuốn sách gây sửng sốt
Cuốn “Một thế giới khác”. |
Điều đặc biệt ở Một thế giới khác so những gì người ta đã viết về ngoại cảm nằm ở chỗ người kể chính là người trải nghiệm thực sự. Kể chuyện về cõi âm nhưng cuốn sách không mang hơi hướng ma mị, kỳ bí, đầy cấm kỵ vốn thấy trong các câu chuyện về ngoại cảm. Trái lại, cách kể chuyện giản dị, chân thực của người viết cuốn hút người đọc.
Đây là lần đầu tiên, một nhà ngoại cảm - danh xưng vốn chịu nhiều nghi kỵ, thậm chí coi khinh- phơi bày cuộc đời mình lên trang sách, kể cả những mối quan hệ riêng tư, cùng các suy nghĩ, tình cảm của chị khi phát hiện ra khả năng khác người của mình. Hơn 10 năm, đó là khoảng thời gian chị Hoài vật lộn với nghiệp ngoại cảm.
Cuốn sách này, viết ra không chỉ để kể chuyện, mà còn gửi thông điệp chống mê tín dị đoan và cũng là một lời cảnh báo con người trước những nguy hiểm khi áp vọng, gọi hồn, tìm mộ.
Chị Hoài chỉ là một trong khoảng 20 nhà ngoại cảm thực thụ đã được khoa học chứng thực ở Việt Nam. Để hiểu hết thế giới của họ, giới khoa học còn rất nhiều việc phải làm.
Tác giả cuốn tự truyện, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài sinh năm 1965. Hiện làm việc tại Ban Nghiên cứu các khả năng đặc biệt, thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA). Đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đời sống tâm linh, thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa phương Đông. Chị Hoài tự phát hiện khả năng ngoại cảm từ năm 1998. Từ đó, bất chấp sợ hãi và những xáo trộn trong cuộc sống, chị Hoài vẫn khát khao tìm hiểu thế giới bên kia. Từ Điện Biên, chị xuống Hà Nội, gia nhập UIA, chuyển hẳn sang làm công việc tìm mộ bằng ngoại cảm và nghiên cứu tâm linh. |