Thí sinh miền Bắc vào cuộc đua nhan sắc

Thí sinh miền Bắc vào cuộc đua nhan sắc
TP - Sáng nay từ 8h, trên trăm thí sinh miền Bắc quy tụ tại trụ sở báo Tiền Phong bắt đầu vòng cân, đo. Thí sinh từ Nghệ An, Quảng Bình, Lạng Sơn… đặt chân về Hà Nội ngay chiều qua.

> Thí sinh Top Model choáng vì được đón bằng Limousine

Những thí sinh đầu tiên

Ba thí sinh do Tỉnh Đoàn Hải Dương tuyển lựa về Hà Nội sớm nhất: Ngô Trà My (CĐ Dược T.Ư Hải Dương), Vũ Thị Thu Thủy (ĐH Kinh tế Kỹ thuật Hải Dương), và Phạm Thị Thanh Thanh.

Chiều cao 1m70, Trà My nhận lời khen của nhà báo Trung Hiền (Ban Thí sinh) về cặp chân thẳng. Nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, ba cô gái bày áo dài, trang phục dạ hội, bikini ra bàn luận.

Thủy còn chút bối rối vì chưa chọn được bikini. Dù được chuẩn bị tinh thần trước, nhưng cả ba đều khá gấp gáp lên Hà Nội.

Đích thân nhà báo Trần Quang Long (Tiền Phong) hộ tống Phan Thị Hằng, Nguyễn Thị Tuyết và Trần Thị Tú Oanh từ Nghệ An ra. Võ Hoàng Yến xin tự túc đi, vì có mẹ kèm.

Xe dừng tại điểm nghỉ ngơi của thí sinh từ xa lúc hơn 21h. Tú Oanh thoáng chút váng vất vì phải uống thuốc chống say, cả đoàn lấy nhạc Trịnh để át nỗi sợ xe suốt 300 cây số của Oanh.

Diệu Linh
Diệu Linh.

Gửi hồ sơ qua bưu điện, Trần Thị Thanh Nhàn, 19 tuổi đến từ Nam Định khá bỡ ngỡ khi đặt chân đến Hà Nội.

Cô sinh viên ĐH Điều dưỡng Nam Định nói thay những khó khăn của thí sinh tỉnh lẻ, phải tự thân vận động là chính: Lo nhất là phần ứng xử, giao tiếp vì môi trường lành lành ở quê không cho thí sinh nhiều va vấp.

Quen có gia đình bảo bọc, Nhàn có chút ngợp trước nhiều thí sinh bản lĩnh, rồi trấn tĩnh rất nhanh. Cô gái này chọn ngành học điều dưỡng, vất vả và cần kiên nhẫn vì không muốn người thân phát hiện bệnh muộn như cha cô - ông mới mất năm ngoái.

Và đa dạng những gương mặt

Mỹ Linh
Mỹ Linh.
 

Bên cạnh những người mẫu nổi trội như Đỗ Hoàng Anh, Phan Hà Phương, Ngô Bích Ngọc, thí sinh năm nay đa phần là sinh viên, từ báo chí, Y-Dược, trường quốc tế cho đến Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Nguyễn Quỳnh Mai, ĐH RMIT gây ấn tượng bởi vẻ tự tin. Từ chối du học Trung Quốc ngay năm đầu thi đỗ ĐH Hà Nội, nhưng Mai ấp ủ ước mơ theo đuổi cao học ở nước ngoài, về nước thành giảng viên đại học.

Mai sôi nổi kể về trải nghiệm thú vị khi dạy trẻ con học, cứ nhìn thấy trẻ con là yêu, thích. Cô gái Hà Nội sinh năm 1991 làm gia sư đã hai năm nay, dẫu gia đình có điều kiện-bố là kỹ sư, mẹ là bác sỹ, cô ghi địa chỉ của mình là Làng Việt kiều châu Âu ở Mỗ Lao, Hà Đông.

MC kênh VTV6, Lê Thị Khánh Huyền tự đến điểm thi bằng chiếc xe máy mới mua, nhờ làm thêm và tiền thưởng khi đoạt giải Miss TvPro 2012. “Hi vọng làn da phơi nắng suốt tuần qua không là trở ngại của em”, cô gái đến từ Phú Thọ xuýt xoa. Cô sinh viên CĐ Truyền hình Thường Tín-Hà Nội, thở phào khi kịp hoàn thành phóng sự, clip ca nhạc cho bản tin nội bộ trường ngay trước ngày thi.

Chuyện Song Linh

Lê Mỹ Linh (Quảng Bình), Hoàng Diệu Linh (Vĩnh Phúc), reo lên khi phát hiện ngoài chung tên, còn cùng sinh năm 1992. Cô gái miền Trung được mẹ xin nghỉ hẳn một tuần hộ tống ra Hà Nội hai ngày trước sơ khảo.

Sinh viên năm 2 ĐH Đà Nẵng thì sẵn kinh nghiệm ở nhiều cuộc thi: Vào chung khảo Miss Teen 2011, Chung kết HS-SV thanh lịch tài năng thành phố Đà Nẵng 2012. Cô đang chờ cơ hội tỏa sáng tài năng: Học trường múa từ 9 tuổi, lớp 9 bắt đầu trình diễn thời trang.

Linh có gương mặt xinh xắn, mẹ cô băn khoăn về chiều cao 1m67 của con gái nhưng vẫn ủng hộ con đi thi bởi một điều chắc chắn là con gái sẽ có những trải nghiệm thú vị qua cuộc thi này “chỉ cần cháu được trải nghiệm, còn thì chỉ cần vào vòng chung kết toàn quốc thôi cũng được”.

Diệu Linh được anh trai hộ tống. Ông anh bảo vì chiều cao “chỉ có” 1m68, gia đình định không để cô sinh viên CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc ứng thí. Mẹ hay đọc báo, thấy nhiều người mẫu dính scandal nên ái ngại. Diệu Linh phải tỉ tê thuyết phục mẹ, nên sát ngày thi, anh trai cô đội mưa đến nộp hồ sơ.

Thí sinh miền Bắc vào cuộc đua nhan sắc ảnh 3
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.