Chạy đua với thời gian để vẽ các mẹ

Họa sĩ Đặng Ái Việt cùng nguyên mẫu và tác phẩm (Mẹ Nguyễn Thị Lan ở Mê Linh, Hà Nội) Ảnh: NVCC
Họa sĩ Đặng Ái Việt cùng nguyên mẫu và tác phẩm (Mẹ Nguyễn Thị Lan ở Mê Linh, Hà Nội) Ảnh: NVCC
TP - Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt chọn 300 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng, trong số hơn 800 bức để trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ mang tên Nét vẽ tri ân, khai mạc sáng 24-7.

Năm ngoái, họa sĩ Đặng Ái Việt mở triển lãm Hoa bất tử ở TPHCM, mới hoàn thành hơn 500 bức kí họa. Nay, con số ấy lên 863 khi bà dừng chân ở Hà Nội chuẩn bị triển lãm.

Trên chiếc xe Chaly nhỏ chạy 20 năm nay, nữ họa sĩ bước sang tuổi 62 đã hoàn thành chuyến hành trình gần 36.000 km khắp 63 tỉnh thành, khởi đầu từ năm 2010.

Chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng qua nét kí họa chì, màu xuất hiện trong triển lãm, khắc họa những người mẹ khắp mọi miền từ vùng đất địa đầu đến mũi Cà Mau. Họa sĩ Ái Việt đi và vẽ vì mấy chữ trả “Nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân”.

Bà bảo, mỗi người khi sinh ra nợ cuộc đời này quá nhiều, vì đời dạy ta trưởng thành. Mỗi bức chân dung còn để trả ơn những người thầy truyền lửa hội họa, khi bà được cử đi học lớp Hội họa Giải phóng ngắn hạn năm 1964. Đặc biệt là vì những đồng đội chung chiến hào ở chiến trường, rộng hơn là đồng đội ngã xuống vì Tổ quốc.

Khao khát tri ân thôi thúc người phụ nữ nhỏ bé tuổi lục tuần rong ruổi trên chiếc xe máy cũ kĩ, lỉnh kỉnh ba lô chứa đủ thứ sổ sách, giấy vẽ. Nắng mưa, xe hỏng dọc đường phải dắt bộ mỏi mắt tìm nơi sửa cũng không làm khó bà.

“Trong suy nghĩ không có khái niệm khó khăn. Chỉ coi những gian nan như là thử thách cần vượt qua, suốt 3 năm chưa một lần cảm thấy chùn bước”, nữ họa sĩ nói.

Các bức kí họa hoàn thành chóng vánh, thường trong vòng một tiếng vì lo cho sức khỏe các mẹ. Mỗi cuộc gặp gỡ để lại bức chân dung, một tấm ảnh và những dòng hành trình ghi chép tỉ mỉ, khi là cảm xúc lúc lại là cảnh đời của từng mẹ.

“Khi vẽ xong, không phải trước mặt là bức chân dung, mà ở đó là người mẹ và trái tim của họa sĩ. Người xem tinh ý sẽ thấy họa sĩ vẽ mẹ là vẽ hành trình thời gian trong mỗi bức tranh. Mỗi khuôn mặt không phải là nét chân chim, mà là “lưới thời gian” phủ trên gương mặt mẹ”, bà Đặng Ái Việt chia sẻ.

Công chúng dự khai mạc còn có may mắn gặp các mẹ đến dự. Mẹ Cao Thị Đức (Phúc Thọ, Hà Nội) bảo, họa sĩ Ái Việt mới hoàn thành chân dung mẹ hồi đầu tháng, nán lại ăn với mẹ bữa cơm trưa.

Nét vui trên khuôn mặt khắc khổ, xen lẫn giọng kể trầm buồn về người con trai độc nhất - cha anh mất khi chưa sinh anh - có giấy báo tử năm 1969.

Mẹ Nguyễn Thị Tý (Hà Nội) kể: “Hôm nay ra đây thật phấn khởi, gặp lại họa sĩ vẽ mẹ mà mừng mừng tủi tủi, ôm nhau mấy lần”.

Tâm niệm “mẹ già như chuối chín cây”, họa sĩ tự nhủ phải gấp gáp lưu giữ chân dung các mẹ nhiều nhất có thể. Gần 3.000 mẹ Việt Nam anh hùng, cứ vơi dần theo tháng ngày.

“Tôi vẽ mẹ cao tuổi nhất Trần Thị Viết năm 2010, nửa năm sau mẹ mất, hưởng thọ 109 tuổi. Tôi xem đây như cuộc rượt đuổi với thời gian, bởi có khi mới vẽ mẹ được một tuần, một tháng, thậm chí mới từ huyện này sang huyện khác thì nhận tin mẹ đi rồi. Điều đáng tiếc nữa - Lào Cai là tỉnh duy nhất không có chân dung mẹ nào cả, bởi năm 2011 tôi đến, Sở LĐ-TB&XH tỉnh thông báo, bà mẹ Việt Nam Anh hùng cuối cùng của tỉnh mất từ năm trước”.

Ngoài 300 bức chân dung mẹ, người xem cùng đọc những đoạn trích Nhật ký hành trình, lưu lại cảm nhận của người cầm cọ khi đến với từng mẹ.

Họa sĩ Đặng Ái Việt còn mang đến hiện vật như mớ rau má kho, do mẹ Nguyễn Thị Cham ở Thanh Hóa tặng, chiếc xe Chaly gắn liền với mỗi chuyến đi nằm gọn một góc triển lãm. Kéo dài đến hết tháng 9, sau triển lãm kết thúc, tác giả tặng số tranh cho Hội LHPN Việt Nam, trưng bày tại bảo tàng.

Dịp này, NXB Phụ nữ ra mắt cuốn sách Chân dung Mẹ, in toàn bộ 300 bức kí họa từ triển lãm.

Trích Nhật ký hành trình

Ngày 21-4-2010: Mẹ Bùi Thị Dậy, Bình Sơn, Quảng Ngãi: Cán bộ chính sách xã nói: “Mẹ còn khỏe lắm”. Mẹ không ở trong nhà mà đang bán khoai lang ngoài chợ nhỏ. Nhiều người đang lựa khoai, đống khoai to bung bới, mẹ nhặt từng củ văng ra ngoài, gom lại mỗi lần khách hàng chọn. Vẽ mẹ ngay tại chợ.

Ngày 11-6-2011, Yên Bái: Đến nhà mẹ Nguyễn Thị Nghí, xã Đại Minh, Yên Bình. Mẹ 92 tuổi có ba con hi sinh. Mẹ bị ốm. Mẹ nằm sát giường, gầy gò, nhưng tai thính và đôi mắt còn lanh. Định không vẽ vì vẽ mẹ trong trạng thái này tội lắm, nhưng người con trai út thiết tha, vì có lẽ đây là hình ảnh cuối cùng của Mẹ.

Vẽ trong nước mắt. Mẹ yên lặng, mắt chớp chớp. Mẹ đang vui đấy. Cho một vài nét nhấn bắt được niềm vui của mẹ, như nắng hoàng hôn sắp tắt nhưng vẫn lóe lên màu tím cuối chân trời.

Hải Phòng, ngày 1-6-2012: Vẽ mẹ Bùi Thị Ít, 95 tuổi. Mắt mờ, lưng còng mẹ phải di chuyển bằng ghế. Mình bước xuống thềm, mẹ nói với theo: “Người đi, người vẫn trông theo/Chừng nào khuất núi qua đèo mới thôi”. Và còn dặn: Nhớ lâu lại nhà chơi nhá. Mình ra xe, đạp máy chiếc xe Chaly rung rung. Mẹ ơi con sợ câu nói ấy lắm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG