> Sắp ra mắt phim về chiến thắng Bạch Đằng
> Cổ vũ tinh thần dân tộc
Nhiều ý kiến cho rằng, bộ phim chưa thực sự xuất sắc nhưng chuyển tải được những giá trị nhất định, và hợp thời.
Nhóm tác giả “Đại chiến Bạch Đằng” (ảnh do các nhân vật cung cấp). |
Khó cũng làm
Đại chiến Bạch Đằng dài 6 phút 38 giây, sử dụng hình ảnh vẽ 2D, xen lẫn một vài cảnh hiệu ứng 3D, được Vũ Đức Thịnh - trưởng nhóm cùng các bạn: Nhữ Thị Thùy Diệp, Nguyễn Thanh Đức, Đinh Ngọc Chính, Trần Hậu, Đặng Minh Quyền thực hiện.
Lời bình hùng hồn cùng những đoạn phim mô tả hào khí của đội quân Ngô Quyền, bộ phim tái hiện chiến thắng trên sông Bạch Đằng trước quân Nam Hán.
Nhiều bình luận về video clip của bộ phim trên Youtube cho rằng, Đại chiến Bạch Đằng gây xúc động, đặc biệt là với những bạn trẻ, trong đó có nhiều người vốn không thiện cảm với hoạt hình Việt cũng như lịch sử Việt được chuyển tải thành phim.
Nhóm sinh viên đã mất gần 3 tháng rưỡi để hoàn thành bộ phim. Trưởng nhóm Vũ Đức Thịnh cho biết, ban đầu cả nhóm định thực hiện một đề tài không liên quan đến lịch sử. Sau khi nhận được sự động viên góp ý của các thầy cô, cả nhóm quyết định thực hiện bộ phim trên.
Kinh phí eo hẹp, phải bỏ tiền túi để làm, thời gian gấp gáp nên các khâu kỹ thuật, cử động, ngoại hình của nhân vật chưa được chăm chút kỹ.
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nói: “Trong cuộc đời Ngô Quyền, khoảnh khắc huy hoàng nhất là lúc đánh đắm thuyền của quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Vì vậy nhà trường hướng dẫn các em tập trung khai thác sự kiện này để gây xúc động, ấn tượng. Nhà trường luôn cho rằng, ngoài các vấn đề xử lý kỹ thuật, chuyên môn, cần một người hướng dẫn về văn hóa, lịch sử, triết học, xã hội học… để đề tài và đồ án của các em mang tính nhân văn, đi vào cuộc sống. Đồ án của cả nhóm được nhà trường đánh giá khá cao. Tuy nhiên, chỉ sau khi đưa lên mạng, bộ phim mới gây được tiếng vang”.
Phim hoạt hình về lịch sử thường gây e dè vì đối tượng người xem rất hạn chế. Cả nhóm quyết tâm thực hiện sau khi nghiên cứu bộ Đại Việt sử ký toàn thư, tìm hiểu tài liệu về trận đánh, cách viết kịch bản, lời bình sao cho mỗi cảnh phim đều gây xúc động… Bộ phim sau khi đưa lên Youtube đã thu hút hơn 70.000 lượt xem.
Học làm phim hoạt hình, ra trường làm game
Thầy Phan Văn Bảy, người hướng dẫn đồ án Đại chiến Bạch Đằng cho biết, trước bộ phim này, đã có rất nhiều phim của sinh viên do thầy hướng dẫn được cộng đồng mạng đánh giá khá cao như Dưới bóng cây, Cua càng đại chiến, Giấc mơ chim én, Bài học của chú heo ngố, Kỷ vật…
Các phim đều được hoàn thành trong thời gian khoảng 4-5 tháng, sinh viên phải bỏ tiền túi ra thực hiện. Những nhóm nào đông thành viên, công việc được chia sẻ nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, theo thầy Bảy, thị trường phim hoạt hình ở Sài Gòn không có đất sống. Một vị giám đốc đài truyền hình từng thổ lộ với thầy Bảy rằng, mạo hiểm kinh phí để đầu tư cho phim hoạt hình dài tập do sinh viên sản xuất, chẳng thà mua bản quyền của nước ngoài, đỡ tốn kém và thu hút người xem nhiều hơn.
“Trong khi đó, nguồn nhân lực làm phim hoạt hình được đào tạo tại TPHCM khá lớn, có chất lượng. Dù ngay cả trường sân khấu điện ảnh cũng không thấy đào tạo về phim hoạt hình. Sau khi ra trường rất ít sinh viên tiếp tục tâm huyết làm phim hoạt hình. Nhiều em đi làm thiết kế, đồ họa quảng cáo, game..., chủ yếu thiên về xử lý kỹ thuật. Rất ít em được làm phim hoạt hình thực sự, nghĩa là phim chuyển tải được ý nghĩa, thông điệp sâu sắc, nhân văn đến người xem. Có những em tiếp tục theo nghiệp làm phim nhưng lại là gia công cho các hãng phim nước ngoài”, thầy Bảy nói
Vũ Đức Thịnh cho biết, sau khi ra trường, nhiều khả năng em sẽ đầu quân cho một công ty game. Mặc dù tâm huyết với phim hoạt hình nhưng phần lớn sinh viên đều cho rằng, phim hoạt hình ở Việt Nam vẫn chưa có đất chiếu.
Thầy Phan Văn Bảy đánh giá: “Hiện nay nhà nước chưa có sự đầu tư nhiều về phim hoạt hình, đặc biệt là phim lịch sử. Điều đó khiến sinh viên đam mê thể loại này không tìm được hướng ra cho tác phẩm”.