Sắp ra mắt phim về chiến thắng Bạch Đằng

Sắp ra mắt phim về chiến thắng Bạch Đằng
TP - Đạo diễn Minh Trí vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, người gắn bó cả đời với phim hoạt hình chia sẻ về dự án phim hoạt hình lịch sử, đặc biệt 5 tập phim về Ngô Quyền và đại chiến Bạch Đằng.

> 'Đại chiến Bạch Đằng' xôn xao cộng đồng mạng

Hình ảnh Thánh Gióng phá giặc Ân trong tác phẩm của đạo diễn Minh Trí
Đạo diễn Minh Trí.

Ông có biết phim hoạt hình dài 6 phút - “Đại chiến Bạch Đằng” do nhóm sinh viên làm, đang gây sốt trên mạng?

Tôi xem rồi, rất hoan nghênh tinh thần đề cập đề tài lịch sử, đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng. Tôi cho đây là sự dũng cảm, bởi dù sao với trình độ của các bạn chập chững vào nghề, làm phim lịch sử là thách thức.

Muốn thể hiện sâu sắc nhân vật lịch sử ấy, chiến thắng ấy phải cần đến tay nghề vững vàng hơn. Nhưng sản phẩm ấy đủ nói lên tâm huyết, khát vọng muốn thể hiện đề tài lịch sử, rất nên khuyến khích để có sự lan tỏa lớn để cân bằng, giáo dục giới trẻ trước luồng văn hóa ngoại lai quá mạnh hiện nay.

Được biết, đạo diễn cũng sắp ra mắt 5 tập phim về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng?

Năm tập phim có độ dài 60 phút, về anh hùng Ngô Quyền từ thuở nhỏ đến lúc trưởng thành, dẹp thù trong giặc ngoài, và đặc biệt là tái hiện chiến thắng Bạch Đằng.

Hiện, phim đang ở giai đoạn cuối hậu kỳ-hòa âm, có thể ra mắt đầu tháng tới. Tôi gấp rút hoàn thành bởi thời cuộc đang cần thiết sự có mặt của những phim như thế.

Bản thân tôi từng làm nhiều phim hoạt hình lịch sử, dòng phim này hấp dẫn tôi: Thánh Gióng (5 tập), Sơn Tinh Thủy Tinh (5 tập), Triệu Quang Phục (3 tập). Đề tài lịch sử là mối quan tâm lớn trong suốt thời gian làm nghề của tôi. Phim hoạt hình đầu tiên của tôi cũng về lịch sử Truyện cổ thành ốc năm 1986, dài 30 phút.

Ông đánh giá thế nào về số lượng phim hoạt hình lịch sử sản xuất những năm qua?

Đề tài lịch sử đối với phim hoạt hình được quan tâm, đề cập từ lâu. Đặc biệt dự án làm 100 tập phim hoạt hình lịch sử của xưởng hoạt hình thuộc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) khởi xướng từ 2005, đến nay cũng được hơn 80 tập.

Nội dung phản ánh trung thực tiến trình lịch sử từ thời Âu Cơ, Lạc Long Quân, Hai Bà Trưng, Bà Triệu cho đến Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Lê Lợi. Ngoài ra, Hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng khởi động chương trình làm phim lịch sử độ hai năm trước, có một số phim như Trần Quốc Toản, Giấc mơ Loa Thành.

Thế mà đa phần khán giả không biết hoặc không được xem những phim hoạt hình ấy, chẳng lẽ giới làm nghề cứ mãi áo gấm đi đêm?

Nhiều lí do khách quan, chủ quan khiến phim hoạt hình Việt chưa đến được khán giả như mong muốn. Nhà đài nhiều khi phát sóng kiểu có chỗ trống lúc nào thì phát, không thông báo, ngay tác giả cũng không biết phim mình phát sóng lúc nào.

Phim sản xuất ra luôn trong trạng thái không biết chiếu ở đâu, quảng bá ra sao mặc dù có khối lượng phim hẳn hoi, và xã hội rất cần: Trẻ em Việt Nam cũng muốn xem phim Việt, bởi nhiều khi phim hoạt hình phát trên truyền hình chưa thực sự phù hợp.

Vậy theo đạo diễn, có cách nào đưa hoạt hình Việt nhất là những phim đề tài lịch sử công phu đến khán giả?

Để tới công chúng có nhiều con đường. Nhiều khi không cứ ra rạp, lên sóng. Ngắn gọn như đưa lên mạng, nếu có trợ giúp thì phát hành DVD. Phim Người con của rồng do tôi thực hiện, may mắn được hãng phim Phương Nam phát hành, nhưng số phim được thế này hãn hữu.

Chúng ta chưa có chủ trương khai thác triệt để nguồn phim hoạt hình Việt được sản xuất trong nhiều năm qua. Cần có khung giờ phát sóng cố định, đồng nghĩa với việc đòi hỏi quy mô lớn về nhân lực, khối lượng sản xuất.

Thời gian qua, nhiều nhóm làm phim trẻ, không chuyên cũng say mê làm phim hoạt hình và đưa lên mạng. Đó cũng là lực lượng trẻ đáng để ý?

Tiếc là các bạn trẻ được đào tạo và làm phim hoạt hình thoạt đầu thích đấy, nhưng sau không thể theo đuổi được. Muốn họ làm nghề thì phải được ở môi trường làm việc liên tục và đồng lương phải sống được.

Phim ảnh của ta nói chung nhỏ lẻ, không nuôi được nguồn nhân lực, không những không phát triển được mà còn rơi vãi đi.

Thế nên, cùng trình độ ấy họ chuyển sang làm những thứ không cần chất xám nhiều hơn như làm hoạt hình: quảng cáo, trò chơi điện tử, hoặc chương trình dạng Quà tặng cuộc sống - dùng thể loại hoạt hình để kể chuyện.

Gần đây, với chủ trương xã hội hóa, nhiều hãng phim tư nhân cũng tỏ ra hiệu quả ở mảng sản xuất phim điện ảnh, truyền hình giải trí. Nhưng chưa có hãng tư nhân nào dám nhảy vào làm hoạt hình: Chi phí lớn, nhiều rủi ro, không chắc hút quảng cáo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.