Đó là những nội dung nóng được các đại biểu đưa ra để góp ý cho quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được HĐND TP Hà Nội kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-7.
Được tổ chức vào mỗi dịp năm mới, phố hoa đã trở thành nét văn hoá không thể thiếu của người dân thủ đô khi xuân sang. Ảnh: Lao Động. |
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ phủ sóng 100% các trung tâm văn hóa, điểm văn, nhà văn hóa hóa tại toàn bộ các quận huyện, xã phường trên địa bàn và một nửa số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa hoặc điểm sinh hoạt, câu lạc bộ văn hóa.
Đến 2015, Hà Nội chủ trương tu bổ, tôn tạo 65% di tích quốc gia và nâng lên 75% vào năm 2020.
Các hoạt động văn nghệ quần chúng sẽ trở thành nếp sống, sinh hoạt tinh thần thường xuyên của nhân dân và coi đây là tiêu chí đánh giá đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.
Đới với các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, đến 2020, mỗi năm sẽ có 15 đến 20 vở mới được dàn dựng và biểu diễn, ưu tiên đầu tư cho các tác phẩm khai thác nghệ thuật truyền thống.
Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của TP nếu về vùng sâu vùng xa biểu diễn sẽ được tăng cường đầu tư, hỗ trợ trên quan điểm “phục vụ là chủ yếu, kinh doanh là thứ yếu”.
Các buổi biểu diễn với các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ trong nước, nghệ sĩ hải ngoại, đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng của các nước trong khu vực và thế giới sẽ được tăng cường từ 700 buổi diễn/năm vào năm 2015 lên 1000 buổi năm vào năm 2020.
Đối với khu phố cổ được xác định là một trong những trọng tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô và cả nước, bản quy hoạch nêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu đưa 70% dân phố cổ di dời ra các khu đô thị mới.
Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Công Khôi – tổ Hoàn Kiếm cho rằng cần phải điều chỉnh lại.
Theo điều tra cơ bản phục vụ điều chỉnh quy hoạch phố cổ, hiện có 66.650 người sống tại khu vực này. Để đảm bảo mật độ 5000 người/ha theo quy hoạch, phố cổ cần 40.500 người cho tổng 81ha hiện có. Như vậy, sẽ có khoảng 26.000 người cần phải di dời khỏi phố cổ, chiếm 39%. Con số 70% di dời là không phù hợp với quy hoạch này.
Liên quan tới vấn đề quản lý karaoke, vũ trường, đai biểu Phạm Thị Thanh Mai – Hà Đông, cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, khó quản lý. Do đó, dù trong chiến lược phát triển văn hóa toàn quốc không có lĩnh vực này, nhưng cần thiết đưa nội dung này vòa trong quy hoạch văn hóa của Hà Nội để quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thùy, trưởng ban Văn hóa Xã Hội cho biết, hiện chưa xác định được karaoke và vũ trường đơn thuần là văn hóa hay là một hình thức kinh doanh, kinh tế. Không đưa vào quy hoạch văn hóa Hà Nội không có nghĩa là không có quản lý Nhà nước vì hiện có các văn bản khác quản lý lĩnh vực này.
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch, Hà Nội chủ trương tăng cường ngân sách cho các hoạt động văn hóa. Đến năm 2015-2020, Hà Nội chủ trương đầu tư chi thường xuyên cho các hoạt động văn hóa đạt mức 5%; đến năm 2020-2030 đạt mức 7% trên tổng chi ngân sách Thành phố. Các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cũng sẽ được nghiên cứu triển khai.