Về một bộ phim vắng khách tại LHP châu Âu

Cảnh phim “Những bức thư gửi Cha Jacob” Ảnh: FilmSharks International
Cảnh phim “Những bức thư gửi Cha Jacob” Ảnh: FilmSharks International
TP - Khoảng 20 khán giả có mặt trong buổi chiếu Những bức thư gửi cha Jacob tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia hôm 23-5. Bộ phim được chọn để giới thiệu nền điện ảnh Phần Lan trong LHP châu Âu tại Hà Nội.

> Đi một ngày đàng…

Phim có thời lượng ngắn, 74 phút. Chiếu được khoảng 40 phút thì có thêm hai khán giả vào muộn. 27-5 mới kết thúc LHP nhưng với xấp xỉ 20 người, đây có thể là buổi chiếu vắng vẻ nhất.

Trừ các nhân vật cực phụ xuất hiện vài giây cuối phim, Những bức thư gửi Cha Jacob (Letter to Father Jacob) có vẻn vẹn ba nhân vật, trong đó có hai nhân vật chính.

Thứ nhất là mục sư Jacob, dù đẹp nhưng đã già, thị lực mất dần do tuổi tác. Thứ hai là Leila, người phụ nữ trung niên vừa được ân xá án tù chung thân (vì tội giết người), mặt tròn, bụng to hơn ngực, tính cách như đàn ông. Nhân vật cuối cùng là người đưa thư, nam giới, đi xe đạp.

Tóm lại, phim không có “chân dài chân ngắn” gì, theo cách nói của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Giữa các nhân vật cũng không diễn ra mối tình lãng mạn nào nên không có cảnh hôn, cảnh nóng.

Nhịp phim lại còn chậm rãi. Bối cảnh là vùng quê rất đẹp nhưng buồn tẻ, đặc biệt khi mưa thì buồn đến tê tái. Con đường rợp cỏ, bãi lau bạt ngàn, ngôi nhà nhỏ của Cha Jacob không gợi cảm giác bình yên mà u ám, cô đơn.

Hằng ngày, Cha Jacob nhận thư tay của các con chiên ngoan đạo từ khắp nơi trên đất nước Phần Lan gửi về, kể về tai họa của họ và mong ông cầu Chúa phù hộ cho họ.

Trả lời thư và giúp đỡ những người bất hạnh không quen là niềm vui duy nhất trong cuộc sống của Cha. Nay bị mù, ông thuê Leila làm trợ lý. Leila, vốn không có chút đức tin nào, coi việc đọc thư và chép thư như trò đùa, thậm chí còn ném bớt thư xuống giếng.

Cho đến một ngày những bức thư không đến nữa, và cuộc sống trở nên buồn chán. Cha Jacob nằm liệt giường, còn Leila sắm sửa vali, “mượn” một ít tiền của ông, gọi taxi, chuẩn bị rời khỏi vùng đất tẻ ngắt này mãi mãi thì chị nhận ra chẳng còn nơi nào để đi.

Không còn thư từ gửi đến, Leila nghĩ ra cách đọc thư bịa để Cha Jacob vui lòng, dù sao thì ông cũng không nhìn thấy gì.

Trò bịa đặt không thành công, Leila lâm vào đường cùng, đành kể câu chuyện của chính mình: vì sao chị đâm chết anh rể, từ chối gặp lại chị ruột. Lúc đó, vai trò của Cha Jacob trong việc xin ân xá cho Leila mới được hé lộ. Câu chuyện bất ngờ một cách giản đơn, và lặng lẽ đi vào lòng người xem.

Những bức thư, đối với những người không còn chút mơ mộng ở cuộc đời như Leila, chỉ là những dòng chữ viển vông vô nghĩa. Với Cha Jacob lại là một nguồn sống. Và đối với những người viết thư- là một tia hy vọng. Khi Leila tìm cách làm cho Cha Jacob được vui, chị đã tìm lại được nguồn sống đó.

Những bức thư gửi Cha Jacob công chiếu năm 2009, được Phần Lan gửi tham dự Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar lần thứ 82.

Trong số 15 phim điện ảnh và một chùm phim ngắn tại LHP châu Âu năm nay, chỉ có vài ba phim quen thuộc như In A Better World, Chico & Rita hay Oliver Twist (nhờ liên quan đến giải Oscar hoặc chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng), còn lại đều khá lạ lẫm.

Trong đó, Những bức thư gửi Cha Jacob không phải là cái tên có thể khiến người ta tò mò. Khi đi lấy vé (miễn phí), tôi hỏi người phát vé “Phim này có hay không?”, nhận được câu trả lời không đi thẳng vào vấn đề: “Khó xem nhưng sâu sắc”.

Với tâm lý đó, người xem đến rạp với suy nghĩ “Nếu không xem được thì cũng được một giấc” nhưng cuối cùng chẳng ai ngủ cả. Những phút đầu của bộ phim buồn tẻ đến mức làm ta muốn ra khỏi rạp, nhưng nếu đã kiên nhẫn ngồi lại, thì khác.

Hầu hết chúng ta đến rạp với mong muốn được giải trí chút đỉnh, mong muốn này là chính đáng, thế nên rất dễ hiểu Những bức thư gửi Cha Jacob không được nhiều khán giả chọn, kể cả ở Phần Lan quê hương.

Phim có kinh phí 525.000 euro (khoảng 13,7 tỷ đồng), doanh thu tại Phần Lan chỉ 95.839 euro (2,5 tỷ đồng). Khá thất bát.

Đổi lại, phim cũng không chọn khán giả số đông, trái ngược hẳn với phim bom tấn kiểu Hollywood, vốn làm cho số đông nên phải chiều theo gu của số đông. Nhà phê bình V.A. Musetto viết trên tờ New York Post: “Ban đầu người ta định dựng Những bức thư gửi Cha Jacob thành phim truyền hình, nhưng điều đó không xứng đáng với tác phẩm đẹp đẽ này”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.