Điểm hẹn đờn ca tài tử đầu tiên tại Hà Nội

Điểm hẹn đờn ca tài tử đầu tiên tại Hà Nội
TP - Vừa khai trương ngày 18-5, Điểm hẹn đờn ca tài tử - cải lương, tổ chức chuyên nghiệp lần đầu tiên ra mắt tại Hà Nội là tín hiệu vui trong bối cảnh sân khấu ảm đạm như hiện nay.

> Nhạc hội đờn ca tài tử lần đầu tiên

Một trích đoạn đờn ca tài tử tại lễ ra mắt Điểm hẹn đờn ca tài tử - cải lương Ảnh: Hồng Diệu
Một trích đoạn đờn ca tài tử tại lễ ra mắt Điểm hẹn đờn ca tài tử - cải lương. Ảnh: Hồng Diệu.

Đây là ý tưởng của các nghệ sỹ thuộc Nhà hát cải lương Việt Nam. Trước mắt, “điểm hẹn” vừa hoạt động, vừa nghe ngóng, chỉ diễn ra duy nhất tối thứ 7 hàng tuần tại Trung tâm tổ chức tiệc và hội nghị Thành Công (phố Thành Công, Hà Nội).

300.000 đồng: Vừa ăn, vừa nghe đờn ca

Theo bà Lan Anh, Giám đốc điều hành của Trung tâm tổ chức tiệc và hội nghị Thành Công, “vé” vào điểm hẹn khoảng 200-300 ngàn đồng dành cho một người, tùy theo “đơn đặt hàng” của khách.Trong điều kiện kinh tế suy thoái, mức giá ấy khiến những người yêu cải lương có thu nhập thấp khó bước chân vào. Lý do giá cao vì điểm hẹn có kết hợp ẩm thực.

Bà Lan Anh bật mí: Các món ăn đa phần mang phong vị của miền tây Nam Bộ, để “hòa đồng” với loại hình sân khấu cải lương, mong muốn mang “khoảng trời điểm hẹn đến từ phương Nam”.

 Cải lương phía Bắc nơi chỉ được coi là “phần ngọn” mà tìm được một điểm hẹn thế này là mừng. 

Soạn giả Hoàng Song Việt đã khen: Ngay tại “bộ rễ” của cải lương, sân khấu phía Nam, muốn tìm một nơi hò hẹn đúng nghĩa cũng khó. Cải lương phía Bắc nơi chỉ được coi là “phần ngọn” mà tìm được một điểm hẹn thế này là mừng.

Tuy nhiên, sự tương đối sang của địa điểm tổ chức tự nó đã giới hạn lượng khán giả có nhu cầu. Hay những người sáng lập có ý sàng lọc khán giả: chỉ chọn khách nước ngoài, khách du lịch và những người yêu đờn ca tài tử cải lương có thu nhập từ trung bình trở lên?

Đạo diễn- NSƯT Trung Kiên, “cha đẻ” của “điểm hẹn đờn ca tài tử cải lương” thừa nhận: “Mức 300 ngàn đồng cho việc đi ăn ở nhà hàng bây giờ là mức bình dân chứ chưa sang trọng lắm.

Tôi không hy vọng người ta thường xuyên đi, thi thoảng có cuộc vui gia đình nào đó, người ta kéo nhau đến. Với mức tiền như thế vừa ăn, vừa xem nghệ thuật cũng không phải cao. Tuy nhiên mức sống của dân mình không phải ai cũng có điều kiện. Đó cũng là vấn đề, nhưng mà không khác đuợc, vì nếu “áp” mức thấp hơn nữa, khó có thể nuôi chương trình”.

“Điểm hẹn” không cần chiêu trò?

Mới đây, ở sân khấu nhạc trẻ, Hồ Ngọc Hà “vác” siêu xe lên sân khấu khiến “thiên hạ” tròn mắt. Ở sân khấu kịch, bắt đầu manh nha những “cảnh nóng”.

Cải lương, một loại hình nghệ thuật tân tiến, bắt nhịp với thời đại, liệu chăng cũng cần thêm chiêu trò cho phù hợp với thị hiếu khán giả? NSUT Trung Kiên cho biết: “Một vở diễn cải lương phục vụ khán giả thì phải có chiêu trò.

Còn ở chương trình này, chúng tôi muốn giới thiệu giá trị nguyên bản, giới thiệu cái hay tự thân, không cần đánh bóng, tô vẽ để khán giả đến với nó một cách dung dị, chân thực nhất. Mà nguyên bản được truyền đạt bởi thế hệ diễn viên trẻ thì đã mang hơi thở mới rồi, không cần dùng chiêu trò làm gì”.

Ngay tại đêm ra mắt, với lượng khán giả kén chọn đã chứng tỏ một điều, những gì thuộc về nguyên bản ít thể hiện được sức hấp dẫn, chỉ nhận về những tràng pháo tay chiếu lệ.

Những bài ca vui nhộn hoặc gần gũi quen thuộc như Dạ cổ hoài lang, đặc biệt là tiểu phẩm của đạo diễn Lê Hùng được chuyển thể cải lương, đã khiến khán giả cười vang thích thú.

Xem ra, cải lương hôm nay khó lấy lòng khán giả nếu chỉ khai thác điệu buồn bi ai như kiểu Lan và Điệp ngày xưa. Vì có vẻ nhiều “thượng đế” bây giờ thèm cười, khoái những gì thiên về giải trí thuần túy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG