> Không ai xóa sổ Nhà hát Tuổi trẻ?
> Hai câu hỏi dành cho Bộ Văn hóa
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn: “Lỗi một phần ở Bộ là quá tin anh Lê Hùng”. |
Nghệ sĩ thở phào
Cuộc gặp mặt của nghệ sĩ hai nhà hát với Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Phúc Thảnh diễn ra ở Nhà hát (NH) Tuổi trẻ, từ 14h30 đến gần 18h mới kết thúc.
Chia sẻ ngay sau khi bước ra từ cuộc họp, NSƯT Anh Tú, Trưởng đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ nói: “Việc sáp nhập không tốt đẹp hơn mà ngược lại còn làm tan hoang mọi thứ. Phải chờ đủ mạnh, có cơ sở, trụ sở, có những người có tầm, có tài, có năng lực làm lãnh đạo thì may ra...
Anh Lê Hùng đến tuổi về hưu rồi, lại chưa nhìn thấy ai cả. Mang thai 9 tháng 10 ngày đẻ con ra, còn đây mới 5 tháng bắt nó phải ra một hình hài thì làm sao được. Tất cả ý kiến của chúng tôi đều như thế, kể cả nghệ sĩ Nhà hát kịch VN. Ít nhất, hôm nay chúng tôi thấy rằng Bộ đã lắng nghe anh em”.
Đồng tình với Anh Tú, NSND Lan Hương chia sẻ thêm rằng chi bộ Nhà hát cũng không hề biết chuyện đề án sáp nhập, chưa từng được đọc, mặc dù cả chị và Anh Tú là trưởng đoàn, đảng viên, Anh Tú có chân trong chi ủy.
“Đến hôm nay, lần đầu tiên được tiếp xúc với đề án, tôi thấy đề án viết thiếu trình độ một cách nghiêm trọng. Nghệ sĩ Lê Khanh sau khi đọc kỹ đề án cũng rất phản ứng.
Ví dụ đề án viết: Nhà hát Tuổi trẻ diễn viên tuổi đời còn rất trẻ, chưa đủ năng lực dựng những vở tầm cỡ. Trong khi Vũ Như Tô, Rừng trúc, Macbeht…của chúng tôi sừng sững trong lòng khán giả”. NSƯT Anh Tú nói.
Một nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ thêm, về việc bỏ phiếu tín nhiệm bầu giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ hôm 2-5, Bộ khẳng định là sai quy trình. Đáng lẽ phải xây dựng cấu hình trước, tiêu chí, sau đó mới đến con người, thì ông Lê Hùng lại làm ngược lại.
Phó giám đốc Nguyễn Thế Vinh cũng xin lỗi vì làm quy trình không chính xác, xin lỗi Chí Trung vì tự nhiên áp đặt anh vào vị trí không phải.
“Thực lòng, tôi vẫn muốn nhà hát nào ở nhà hát ấy, Nhà hát kịch VN bản thân đã là Nhà hát Quốc gia rồi. Đừng có nghĩ cứ dựng một vở kịch là giống nhau hết.
Nhà hát Tuổi trẻ dành cho thiếu nhi, khán giả trẻ, bằng những phương cách nghệ thuật trẻ trung nhất. Nhà hát kịch VN sừng sững 60 năm bề dày kịch hàn lâm.
Tóm lại, bài học lớn nhất sau vụ này là chủ trương thì đúng nhưng khi tiến hành thì có nhiều lỗ hổng, không dân chủ và phải hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em, không thể duy ý chí”, NSƯT Anh Tú nói.
Tạm dừng cơ cấu bộ máy BGĐ Nhà hát kịch Quốc gia
NSƯT Anh Tú và các nghệ sĩ tạm hài lòng về kết quả buổi làm việc với Bộ chiều 8-5. |
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Phúc Thảnh phát biểu: “Hôm nay chúng ta họp ở đây cũng là do đề nghị của các anh, qua ngần ấy lần họp và qua bấy nhiêu ý kiến, chứ làm sao Bộ tự dưng ngồi đẻ ra Nhà hát kịch Quốc gia? Đây là tâm huyết của anh Lê Hùng, người lâu năm trong ngành, mà anh ấy lại là giám đốc.
Bộ đã quá tin anh Hùng. Còn một số ý kiến về việc anh Hùng ở lại (sau hưu) không thuộc thẩm quyền của ban cán sự Đảng, đương nhiên phải dựa trên quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, người được giao trách nhiệm trong vụ sáp nhập hai nhà hát kết luận: “Tiêu chí ban đầu thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia là rất tốt. Đây là ước mơ lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ nếu chúng ta làm theo đúng quy trình, dân chủ công khai minh bạch và thời điểm phù hợp.
Các cơ quan chức năng của Bộ đã tiến hành đúng quy trình, thẩm quyền nhưng cách làm còn chưa đầy đủ và chưa toàn diện. Điển hình là việc chưa lấy ý kiến và lắng nghe trực tiếp ý kiến các nghệ sĩ hai nhà hát, trong đó lỗi một phần ở Bộ là tin anh Hùng.
Thứ hai, một phần do các nghệ sĩ cũng không cương quyết đấu tranh, tách anh Hùng ra để anh ấy làm công tác nghệ thuật được tốt. Ở đây có trách nhiệm chung của chúng ta.
Được nghe ý kiến của chi bộ hai nhà hát, của nhiều nghệ sĩ, chúng tôi hiểu thời điểm hiện nay chưa thích hợp để sáp nhập và nên giữ nguyên như vậy. Chúng tôi thay mặt Ban cán sự lãnh đạo Bộ trân trọng tiếp thu ý kiến các nghệ sĩ.
Chúng tôi sẽ báo cáo lại ban cán sự lãnh đạo Bộ, bàn bạc nghiêm túc, cẩn trọng để có quyết định cuối cùng trước khi thông báo.
Trong lúc chờ đợi, đề nghị Ban Giám đốc Nhà hát Kịch Quốc gia dừng toàn bộ công việc về tổ chức, bổ nhiệm. Nếu có định xây dựng Nhà hát Kịch Quốc gia, Bộ và các đồng chí sẽ xây dựng một đề án và chức năng nhiệm vụ, vạch lộ trình, kế hoạch tiến hành.
Lãnh đạo Bộ lập một tổ công tác gồm Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức Cán bộ, vân vân… Tổ công tác này có trách nhiệm xây dựng đề án một cách đẩy đủ, công khai, minh bạch đúng quy định, quy trình và có đầy đủ ý kiến các nghệ sĩ hai nhà hát để đảm bảo đề án đi vào cuộc sống, khả thi.
Sau đây Ban giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia dừng tất cả các bộ máy lại. Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn hoạt động như vậy, đơn vị nào vẫn giữ nguyên đơn vị ấy”.