Người trẻ làm phim

Cảnh phim “Dành cho tháng 6”
Cảnh phim “Dành cho tháng 6”
TP - Những chiếc máy ảnh DSLR với chức năng quay phim đạt chuẩn HD ra đời cùng với sự nở rộ của các cuộc thi làm phim ngắn đã khiến phong trào làm phim của giới trẻ nở rộ khắp nơi.

> 2.000 ngày làm phim về tướng Giáp

Chỉ tính riêng trong cuộc thi Làm phim 48h năm 2011, ở Hà Nội đã có trên 50 nhóm làm phim tham gia (mỗi nhóm 5-7 người) và ở tại Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng hơn 500 người tham gia chưa tính những nhóm hoạt động ở lĩnh vực khác của điện ảnh.

Những người khơi mạch nước ngầm

10 năm về trước, khi điện ảnh nhà nước là một dòng chảy lớn và phim tư nhân bắt đầu tham gia làm phim thì việc người trẻ muốn thể hiện, sở hữu một tác phẩm phim ảnh nằm ngoài tầm tay với. Phương tiện kỹ thuật, phương tiện kinh tế, đầu ra… đều là bài toán ở ngõ cụt.

“Người trẻ làm phim” được dành cho những đạo diễn đã ngoài 30 tuổi như Bùi Thạc Chuyên, Bùi Tuấn Dũng, Đào Duy Phúc… nằm trong các hãng phim nhà nước và Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng… làm thuê cho các hãng tư nhân.

Phim ngắn, những tác phẩm “bước đệm” tạo nên sự ồn ào cho dòng chảy trẻ chỉ là những bài tập của sinh viên học điện ảnh hay một vài nhóm cùng đam mê, có kinh tế tự làm phim để chiếu cho nhau xem.

Sự nghèo nàn khô cứng của điện ảnh nước nhà đối lập hoàn toàn với việc thông tin, tác phẩm từ nước ngoài ào ạt đến với người trẻ Việt Nam khiến khao khát thể hiện một tác phẩm điện ảnh cứ âm ỉ nhưng luôn quá cao cho một tầm tay với.

Điều đó được thể hiện bằng nhiều chia sẻ, bài viết trên một số diễn đàn về phim ảnh như Yxine, Moviesboom, dienanh, ttvnol…

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có lẽ là người đầu tiên khơi mào cho dòng chảy điện ảnh trẻ dù thời điểm đó anh cũng không còn trẻ nữa. Sau thành công của bộ phim truyền hình 12A và 4H, anh lặng lẽ tự bỏ tiền cùng nhà quay phim Lý Thái Dũng dồn sức cho 20 phút phim Cuốc xe đêm.

Bộ phim kinh dị, ám ảnh với những góc quay đêm qua những con ngõ ngoằn ngoèo ở Hà Nội này đã đoạt giải Cinefondation Award tại LHP Cannes (Pháp) danh tiếng năm 2000.

Cuốc xe đêm không chỉ là dấu mốc của Bùi Thạc Chuyên, sự kiện của điện ảnh Việt Nam khi lần đầu tiên có phim tham gia, đoạt giải ở LHP danh tiếng này mà với cộng đồng làm phim trẻ, nó là tín hiệu mở đường.

Nhưng cũng phải đến năm 2002, cũng lại là Bùi Thạc Chuyên cùng với Nguyễn Hà Phong (làm việc tại ĐSQ Pháp, diễn viên chính phim Bi, đừng sợ! sau này) thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD - dưới sự bảo trợ của Hội điện ảnh Việt Nam và tài trợ chính của quỹ Ford) dòng chảy điện ảnh trẻ chính thức được tiệm cận ước mơ.

Dự án đầu tay của TPD chính là 10 tháng 10 phim ngắn với việc mời các bạn trẻ yêu thích phim ảnh ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tham gia một khóa học do chuyên gia nước ngoài đào tạo và sau đó chọn ra 10 ý tưởng để chuyển nó thành phim với sự tương trợ của TPD về máy móc, nhân sự cũng như kinh phí.

Sau 3 lần triển khai dự án, TPD chính thức “trình làng” nhiều gương mặt trẻ trung hơn với những tác phẩm khích lệ những người yêu phim như Cái đệm (đạo diễn Bùi Kim Quy), Sân thượng (đạo diễn Nguyễn Hà Phong), Chuyến tàu tuổi thơ (đạo diễn Văn Công Viễn), Kiến lửa (đạo diễn Phạm Hải Anh), Mùa thứ 5 (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), Khi tôi 20 (đạo diễn Phan Đăng Di), Những người đàn bà (đạo diễn Cù Kim Chi)…

Không chỉ được thể nghiệm ý tưởng, tự mình làm phim, các tác phẩm này còn được TPD gửi đi tham dự các LHP ngắn trong nước và trên thế giới như Cannes, Clemond Ferant (Pháp), Geneva (Thụy Sĩ), Pusan (Hàn Quốc)...

Đặc biệt, bộ phim Sân thượng của Nguyễn Hà Phong thuộc dự án lần II đã vinh dự đoạt giải nhì (trị giá 3.500 euro) trong tổng số hơn 60 phim ngắn của nhiều quốc gia tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Oberhausen (Đức) lần thứ 53 tổ chức hồi tháng 5-2007 đã khiến cộng đồng làm phim trẻ bắt đầu ồn ào.

Thời điểm đó, nhiều người yêu thích điện ảnh cũng bắt đầu manh nha ý định du học nước ngoài về điện ảnh như Phan Xi Nê, Huyền Trang, Lan Anh… hay ấp ủ một sân chơi lớn dành cho điện ảnh trẻ như Marcus Vũ Mạnh Cường với sân chơi LH Phim ngắn trực tuyến Yxineff sau này…

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, dù TPD có mở nhiều dự án đào tạo nhân rộng cộng đồng thì nó vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được hết những rào cản về số lượng, về phương tiện kỹ thuật, tài chính cũng như đầu ra cho các tác phẩm để tạo nên một dòng chảy thực sự ồ ạt.

Sau phim ngắn, các “thế hệ trẻ” đầu tiên này bắt đầu tìm tòi cho mình một hướng đi làm phim độc lập như Phan Đăng Di với Bi, đừng sợ!, Cha và con và những chuyện khác, Nguyễn Hoàng Điệp với Đập cánh giữa không trung và ngay cả Bùi Thạc Chuyên cũng miệt mài với dự án Ngủ mơ của mình.

Trẻ trung và cực kỳ sôi động

Ngoài các dự án “Không gian điện ảnh”, “Chúng ta làm phim” của TPD liên tục đưa các bạn trẻ tiếp cận điện ảnh thì những dự án như Điện ảnh quỹ Ford của trường ĐH KHXH & NV mở năm 2005 hay “Cuộc đời của tôi - cách nhìn của tôi” do Phan Ý Ly khởi xướng năm 2007 cũng khiến bạn trẻ yêu điện ảnh tiệm cận hơn với việc làm phim.

Nhưng trào lưu làm phim ồn ào và thực sự sôi động khi những chiếc máy ảnh EOS có chức năng quay phim full HD chính thức có mặt tại Việt Nam như Nikon D90, Canon 5D Mark II, 7D… đã thu hẹp được rào cản về mặt thiết bị.

Mặt khác, những phần mềm dựng phim, búng kỹ xảo được chia sẻ đầy rẫy trên mạng internet thực sự đã tạo nên sự thuận lợi cho những người yêu thích làm phim.

Bắt đầu từ những đoạn phim ngắn được quay, dựng chia sẻ trên mạng về hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, mối dựng cho đến những clip phim ca nhạc, phim ngắn thực sự có ý tưởng được chia sẻ ngày càng nhiều trên youtube.

Người trẻ thực sự đã có đủ phương tiện để chuyển tải ý tưởng của mình.

Cách đây hai năm, dân cư mạng “phát sốt” bởi clip hành động tựa đề Boys over Power - The Meteors Strike được một nhóm học sinh lớp 9 ở Hà Nội dàn dựng tung lên mạng.

Bộ phim là màn chiến đấu của hai học sinh với rất nhiều kỹ xảo được thực hiện như hút điện từ, đấm toác đất, bắn chưởng lực...

Tất nhiên, nó chưa thể gọi là một tác phẩm đúng nghĩa nhưng ở lứa tuổi 14-15, sự tiếp cận “đến mức độ như vậy” đáng là điều khích lệ.

Có thể nói, chính những cuộc thi phim là động thực khiến dòng chảy làm phim này thực sự trở nên sôi động. Nó thực sự kích thích ham muốn được đưa cái “tôi” ra công chúng của các bạn làm phim trẻ và cả những món tiền thưởng - động lực cho sự quay vòng sản xuất.

Với con số 20 triệu tiền thưởng như ở Tiệc phim Yxineff hay có cơ hội đưa tác phẩm chu du ở các LHP ngắn quốc tế hay một suất học bổng về điện ảnh là điều mà các nhà làm phim rất trẻ với những bộ phim chi phí từ 2-10 triệu đồng đáng hy vọng.

Năm 2010 đánh dấu sự ra đời của rất nhiều cuộc thi như Ong vàng, Búp sen vàng, Cánh diều dành cho phim ngắn, dự án Hà Nội, Anh yêu em, Sài Gòn, em yêu anh, đặc biệt là Tiệc phim ngắn YXINEFF và cuộc thi Làm phim 48h tới Việt Nam… tạo đầu ra cho các tác phẩm thì làn sóng làm phim trong giới trẻ thực sự sôi động.

Ở thời điểm này, theo thống kê của ban tổ chức Làm phim 48h thì Việt Nam đã có khoảng 39 nhóm làm phim tham gia. Ở lần thứ hai tổ chức thì chỉ tính riêng Hà Nội đã là hơn 50 nhóm.

Tiệc phim Yxineff thống kê trong lần đầu tiên đã có 54 phim tham dự và tăng một cách chóng mặt cho những đợt tổ chức sau. Các nhóm làm phim ngày càng trẻ và đa dạng, không chỉ khu biệt từ các môi trường đào tạo điện ảnh mà lan rộng tới những lĩnh vực lân cận như trường FPT Arena, Bách khoa hay các bạn trẻ trên diễn đàn yêu điện ảnh.

Thậm chí, nhiều bạn trẻ theo học ở nước ngoài hay người nước ngoài ở Việt Nam cũng gia nhập làn sóng này. Và số lượng nhóm làm phim chưa có dấu hiệu giảm khi lướt qua vài diễn đàn mê phim vẫn thấy nhan nhản thông báo tuyển nhân sự cho nhóm hay ra mắt một nhóm làm phim nào đó.

Sự sôi động này tiếp tục là động lực ngược cho những dự án, cuộc thi phim mới ra đời như 89.600 km +..., Hiểu về trái tim, Chuyện đời qua phim, các cuộc thi clip của MegaStar, sáng tác phim ngắn về Biến đổi khí hậu... lần lượt ra đời. Các kênh truyền hình như VTV6, HTV, các địa chỉ văn hóa như L’Espace, IDECAF cũng đưa phim ngắn vào danh mục chiếu của mình.

Làn sóng ồ ạt này dù chỉ là tạo mầm cho điện ảnh Việt nhưng cũng giới thiệu được khá nhiều nhóm làm phim như Ninja film, R.E.G, Fast Food Film, The K6 Gang, Lam Thiên, Young media, 57 Bananas…với nhiều cá nhân như Phan Huyền My, Thủy Giang, Đỗ Quốc Trung, Bùi Thị Hà, Tạ Nguyên Hiệp, Trịnh Đình Lê Minh, Trương Minh Quý, Trần Lý Trí Tân… nhiều tác phẩm như Bóng rối, Điều kỳ diệu, Cá chuối, Thinking of You, The Journey Unknown, Mẹ và con, Phía sau cánh cửa gỗ…

Nhiều phim trong số đó đã lên đường tham gia các LHP danh giá trên thế giới như Cannes, Venice, Berlin… và cũng nhiều gương mặt được mời sang theo học những khóa học làm phim ngắn hạn ở nước ngoài.

Không chỉ có các tác phẩm phim truyện, những thể loại khác của điện ảnh như tài liệu, hoạt hình cũng được các bạn trẻ quan tâm.

Năm 2011, dân cư mạng lại một lần nữa “phát sốt” với những hình ảnh 3D đáng yêu trong bộ phim Dưới bóng cây của nhóm làm phim trẻ Colory. Cuối năm 2011, Cô bé bán diêm của nhóm True-D Animation tiếp tục làm sôi động khán giả yêu hoạt hình.

Còn ở mảng phim tài liệu, những cuộc thi như dự án Doclab của Viện Goethe, Nhìn về Việt Nam của Discovery châu Á hay dự án 89.600 km +... cũng giới thiệu được nhiều gương mặt cũng như tác phẩm đáng chú ý như Rạp chiếu phim của ông Long (Hoàng Mạnh Cường), Xe ôm (Nguyễn Thị Thắm)…

Độ tuổi tiếp cận phim ảnh còn tiếp tục giảm khi nhiều cuộc thi phim trong giới nhà trường được tổ chức như Liên hoan phim học sinh châu Á 2011 với bộ phim Lan, đừng khóc của nhóm làm phim lớp 7 trường Tây Sơn (Đà Nẵng) đoạt giải Phim xuất sắc nhất hay nhóm làm phim lớp 8A trường Amsterdam với giải thưởng Phim có đề tài mang tính xã hội cao nhất cho tác phẩm Tấm gương trong cuộc thi Qua ống kính trẻ thơ.

Cho những bước dài…

Sự rầm rộ của phim ngắn thực chất cũng chỉ là bước đệm cho con đường hướng tới một tác phẩm điện ảnh thực thụ của những người làm phim trẻ. Từ Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp… đều đã tự bước đi với con đường riêng của mình.

Không phải ai trong số những người trẻ đều có được may mắn giao phim để làm (dù hay dở chưa đánh giá) như Nguyễn Thế Vinh (phim Hoa đào), Đặng Cao Cường (phim Lệnh xóa sổ)…

Họ đều phải tự tìm một hướng đi, trau dồi kiến thức để một ngày nào đó “vượt vũ môn” nếu không muốn mình mãi ở trong cái dòng chảy bước đệm ồn ào đó. Nhiều người chọn con đường du học nước ngoài như Trịnh Đình Lê Minh hay miệt mài vẽ nên con đường làm phim của mình thông qua việc xin tài trợ như Trần Lý Trí Tân, Tạ Nguyên Hiệp…

Một số nhóm làm phim thì tiếp tục duy trì hoặc nâng cấp thành công ty để vừa lấy ngắn (làm clip ca nhạc, quảng cáo…) nuôi ước mơ làm phim như nhóm Ninja film của đạo diễn Triệu Quang Huy thành công ty Ninja film Produce, nhóm làm phim R.E.G thành Công ty cổ phần giải trí Cầu Vồng, nhà làm phim trẻ Nguyễn Hữu Tuấn thành lập Công ty cổ phần Tháng sáu...

Và tác phẩm đầu tiên “vượt vũ môn” là Dành cho tháng 6 ra mắt khán giả vào cuối tháng 5 này trên khắp các rạp toàn quốc. Một bộ phim của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn tự bỏ tiền sản xuất, được ấp ủ từ năm 2006 với ekip làm phim hoàn toàn trẻ trung và quen thuộc với những bạn trẻ theo đuổi phim ngắn độc lập như Nguyễn Hữu Tuấn, Trang Công Minh, Nguyễn Hoàng, Quốc Trung…

Dành cho tháng 6 là phim đầu tiên ở Việt Nam được quay hoàn toàn bằng máy ảnh 5D mark II để giảm thiểu chi phí. Nội dung xoay quanh những câu chuyện đáng yêu ở lứa tuổi học đường.

Phim được nhà sản xuất BHD đảm nhận khâu phát hành. Hay dở chưa đánh giá bởi nhiều người đã thất bại ngay ở cú nhảy đầu tiên như Phan Xi Nê với Dog Day nhưng cú “vượt vũ môn” này chính thức bắn một tín hiệu vui cho những cá nhân, nhóm làm phim đang ấp ủ chờ thời.

Dòng chảy vẫn đang ồn ào tiếp diễn và chắc chắn sẽ còn chứng kiến tiếp nhiều cú vượt rào ngoạn mục, của những người cũ từng thất bại, của người mới đang đầy háo hức. Đó thực sự là điều đáng để chờ đợi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG