Vụ sáp nhập hai nhà hát và hai lá đơn của NSND Lan Hương

Vụ sáp nhập hai nhà hát và hai lá đơn của NSND Lan Hương
TPO - Trong hai lá đơn, NSND Lan Hương đề nghị “xem xét lại” và khiếu nại về số phận của Đoàn kịch Hình thể-Thể nghiệm do chị làm trưởng đoàn. Rộng hơn nữa, NSND Lan Hương trao đổi với Tiền Phong quanh chuyện sáp nhập hai đoàn kịch nổi tiếng thành Nhà hát Kịch Quốc gia VN.

Sau công bố của Bộ VHTT&DL ngày 5-4 về sáp nhập Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch VN thành Nhà hát kịch Quốc gia, tâm trạng của chị thế nào?

Xu thế tách-nhập, nhập-tách để kiện toàn bộ máy thì chúng tôi không bàn đến. Nhưng không riêng tôi, nhiều anh em khác cũng buồn. Tôi có cảm giác ngôi nhà trong tâm tưởng bị phá vỡ, thấy chống chếnh, không hiểu mình là cái gì, mình là ai, bởi tôi gắn bó với nhà hát từ thuở đầu.

Từ hôm đọc quyết định sáp nhập nói rằng đoàn kịch hình thể của tôi sáp nhập với đoàn kịch thiếu nhi (trực thuộc Nhà hát Kịch Quốc gia), tôi hoảng sợ và làm đơn gửi Tuyên Giáo T.Ư Đảng, Bộ VHTT&DL và Ban Giám đốc Nhà hát, nói rõ rằng: Hai tư duy khác nhau, không thể nhập làm một.

“Cơ cấu Nhà hát Kịch Quốc gia tiến hành từng nấc. Sắp tới Nhà hát Tuổi trẻ họp trước, xem cơ cấu nhân sự ra sao, rồi đến Nhà hát Kịch VN, rồi mới đến đoàn ca nhạc để thành lập Nhà hát thiếu nhi. Chắc chắn có sự thay đổi nhân sự, phải sàng lọc lại xem đội ngũ diễn viên có đủ năng lực hay không. Lâu nay nhiều đoàn lấy người, ký hợp đồng ngắn hạn rất nhiều, trong khi kinh phí chi trả đều từ nguồn thu của nhà hát.

Thực tế, hai nhà hát vẫn hai con dấu, hai tài khoản, lịch trình của nhiều đoàn lên hết tháng 6, tháng 7 nên chúng tôi vẫn để anh em hoạt động như thường”, Phó Giám đốc Trương Nhuận nói.

Từ khi có quyết định, Giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia- Lê Hùng có đường hướng nào để tạo niềm tin nơi nghệ sĩ?

Không biết Bộ VHTT&DL giải quyết thế nào, chứ trong cuộc họp sáng 24-4, tôi chưa thấy đường hướng nào. Dù Ban giám đốc không nhập đoàn kịch hình thể vào kịch thiếu nhi nữa, nhưng lại không biết đưa đoàn kịch của tôi vào đâu. Tôi buồn vì công lao của mình ngần ấy năm ở Nhà hát, Tuổi Trẻ, mà nay không ai nghĩ đến việc sắp đặt tôi sẽ làm gì.

Theo tôi nghĩ, tất cả các nước trên thế giới có nền sân khấu mạnh họ đều có đoàn kịch đương đại, thể nghiệm để tìm lối mới cho sân khấu. Chúng tôi làm như thế 10 năm nay rồi. Nhưng tôi tin đơn của tôi đến các lãnh đạo, họ sáng suốt họ sẽ không bỏ rơi nghệ thuật, sáng tạo tìm tòi.

Hơn nữa, tôi thấy rối rắm ở chỗ hai nhà hát kịch na ná như nhau. Anh Lê Hùng nói trong cuộc họp, kể cả Nhà hát Tuổi trẻ sau này vẫn có quyền dàn dựng vở kinh điển, bên Nhà hát kịch Việt Nam cũng dựng kịch kinh điển, rồi họ cũng được dàn dựng kịch mới, đương đại!

Sáp nhập để củng cố sân khấu kịch phía Bắc, ắt hẳn trong cuộc họp Ban giám đốc có những hứa hẹn nhất định?

Sáp nhập vào mà tốt đẹp hơn thì ai cũng muốn, nếu không thì sự sáp nhập này là vô nghĩa. Nhưng tôi chưa thấy gì hứa hẹn cả. Trong cuộc họp, chị Tố Trinh Phó Giám đốc đọc văn bản về hạ tầng cơ sở, cứ đọc được một đoạn thì nói tắc, vì chưa có tiền. Anh Lê Hùng nói với tôi, nếu muốn đề đạt gì thì làm đơn. Và tôi lại làm đơn tiếp, lần này là đơn khiếu nại

Cơ cấu Nhà hát Kịch Quốc gia tiến hành từng nấc. Sắp tới Nhà hát Tuổi trẻ họp trước, xem cơ cấu nhân sự ra sao, rồi đến Nhà hát Kịch VN, rồi mới đến đoàn ca nhạc để thành lập Nhà hát thiếu nhi. Chắc chắn có sự thay đổi nhân sự, phải sàng lọc xem đội ngũ diễn viên có đủ năng lực hay không. Lâu nay nhiều đoàn lấy người, ký hợp đồng ngắn hạn rất nhiều, trong khi kinh phí chi trả đều từ nguồn thu của nhà hát.

Thực tế, hai nhà hát vẫn hai con dấu, hai tài khoản, lịch trình của nhiều đoàn lên hết tháng 6, tháng 7 nên chúng tôi vẫn để anh em hoạt động như thường” - Phó Giám đốc Trương Nhuận nói.

Sáp nhập cũng gây nên xáo trộn, nhưng bộ phận khác họ vẫn được ở trong guồng máy mới: phòng hành chính, kế toán, nghệ thuật gộp làm một, các đoàn kịch vẫn thế. Riêng đoàn kịch Hình thể bị đánh dấu hỏi, cần xem xét.

Giám đốc Lê Hùng là người từng giúp tôi trong quá trình hoạt động đoàn kịch, cũng có công dựng vở. Trước khi lên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cũng nhờ những vở như Hàn Mặc Tử mà anh nổi danh.

Còn bây giờ, anh ấy nói vở diễn của chúng tôi không bán được vé, có nên tồn tại hay không? Tôi trả lời, đã là thể nghiệm phải cho tiền biểu diễn chứ không phải bán vé. Từ trước đến nay vẫn thế. Bây giờ anh phủ nhận thế, hóa ra anh phủ nhận chính mình.

Theo quyết định của Bộ VHTT&DL, đạo diễn Lê Hùng giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Quốc gia, nhưng chưa nói rõ thời hạn, vì sắp đến tuổi hưu?

Đúng là tháng 9 tới, anh Hùng đến tuổi về hưu. Nhiều lúc tôi sợ anh Hùng hay ai khác nghĩ tôi thành lập đoàn kịch thể nghiệm rồi cứ cố bám vào đó, nhưng không phải. Tôi chỉ còn gần 6 năm nữa sẽ nghỉ hưu. Nổi tiếng tôi cũng không cần nữa rồi, chỉ muốn phục vụ sân khấu điều gì đó tốt đẹp.

Đạo diễn Lê Hùng thời gian qua vừa là Giám đốc Nhà hát kịch VN, kiêm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Cụ thể trong 5 năm qua, chị đánh giá vị giám đốc của mình mang lại những gì cho nghệ sĩ?

Tôi cảm phục anh Hùng nhiều thứ. Anh có tài dàn dựng nhanh, công nhận nhanh thật. Quay đi quay lại đã xong vở, một tháng có khi dựng mấy vở liền. Anh ấy cũng có biệt tài khi đứng lên nói thì cuốn hút mọi người. Nhưng những cái hứa của anh từ 5 năm trước khi mới lên Giám đốc chưa thực hiện được: Nào là nhà cho nghệ sĩ, cho đoàn kịch hình thể là đoàn kịch đương đại sẽ phát triển thế nào, rồi nhiều thứ hứa hẹn khác.

Về đóng góp của anh ấy, có lẽ nên tham khảo ý kiến nhiều người. Nhưng thực sự, chúng tôi có hai Phó Giám đốc, quán xuyến cật lực; bốn trưởng đoàn: Chí Trung, Anh Tú, Trọng Thủy và tôi hết lòng hết sức chèo chống trong 5 năm qua.

Đoàn kịch Hình thể của chị chịu ảnh hưởng nào từ chuyện sáp nhập?

Chúng tôi mới dựng xong vở Nguyễn Du với Kiều, đáng ra phải diễn nhưng cứ lùng nhùng chuyện sáp nhập, xin lịch diễn không được.

Sau buổi công chiếu, nhiều ý kiến phản đối chị hơi quá khi đưa Kiều thành Phật?

Tôi rất vững vàng đón nhận dư luận. Vì nếu sau một vở diễn chỉ rơi tõm vài lời khen giông giống nhau, tôi không thích. Vở diễn có mặt này, mặt kia. Tôi tâm phục, khẩu phục nhận xét của TS Phan Tử Phùng, Phó Chủ tịch Hội Kiều học VN: Ông cho rằng thấy mơ ước vô biên của con người qua vở diễn, và cái kết rất mở. Ước mơ của tôi là để Kiều nằm trong vòng tay Phật bà, tại sao không? Đoạn cuối, tôi có nói diễn viên là tôi đang đưa Nguyễn Du, tinh thần của ông lên chứ không phải đưa cô Kiều thành Phật.

Ngày 12-4, NSND Lan Hương gửi đơn xem xét lại gửi nhiều cơ quan trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ban lãnh đạo Nhà hát Kịch Quốc gia về việc sáp nhập đoàn kịch hình thể với kịch thiếu nhi.

Trong cuộc họp cán bộ Nhà hát Tuổi trẻ và Kịch VN sáng 24-4, nội dung cho thấy đoàn kịch thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ không sáp nhập với kịch thiếu nhi, nhưng không biết số phận ra sao. NSND Lan Hương tiếp tục gửi đơn khiếu nại, trong đó viết: “Cá nhân tôi và một số nghệ sĩ rất buồn, vì dù sao chúng tôi cũng sống với cái tên Nhà hát Tuổi trẻ 34 năm, thương hiệu rất mạnh với công chúng. Vậy mà hôm nay, tôi cảm thấy công lao của một nghệ sĩ 34 năm cống hiến tại Nhà hát, hơn 10 năm xây dựng để thành lập Đoàn kịch Hình thể-Thể nghiệm chưa được Ban giám đốc coi trọng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.