> Thời trang cho xuân – hè 2012
Thời trang thế giới bao giờ cũng sôi động vào mùa thu, với những sô diễn định hướng phong cách của năm sau.
Mùa thu năm ngoái không khí có vẻ còn nóng bỏng hơn, khi tin chính thức loan ra rằng bộ sưu tập D&G xuân hè 2012 sẽ là bộ sưu tập cuối cùng của nhãn hiệu này.
Tôi mở tủ áo đầm và không nén được tiếng thở dài. Hơn nửa số đầm tôi đã mặc hơn 15 năm qua là của D&G.
Bạn có thể dành dụm mua được chiếc đầm lụa óng ả với giá vài trăm đô-la, để rồi sung sướng thấy mình có nét gì đó của Sophia Loren hay Madonna! Các bộ veston và áo chemise đàn ông, tuy kén vóc dáng, nhưng bán chạy không kém, cũng vì “đẹp và không đắt tiền”.
Trong một gameshow cách đây khoảng chục năm ở Mỹ, có câu hỏi nghe khá nực cười: Hãy viết đúng tên nhãn hiệu thời trang “Đoi-chê và Gác-ba-na”.
Bốn thí sinh không ai viết đúng. Giả sử có ai đánh vần đúng, chắc cũng không nhớ phải viết liền hai cái tên đó, không dấu cách trước và sau ký tự &: Dolce&Gabbana.
Họ của hai chàng trai tài hoa người Ý phải được viết liền mạch như vậy, trên mọi nhãn hàng hay bảng hiệu của 91 cửa hàng thuộc 40 nước.
Domenico Dolce và Stefano Gabbana luôn mong sản phẩm của hai người được nhớ tới với một cái tên duy nhất, “tuy hai mà một”. Có lẽ cũng vì thế mà cả hai quyết định chấm dứt nhãn hiệu thời trang thứ cấp D&G.
Họ không ngần ngại ca tụng nhà mốt Chanel, khi nêu lý do đi đến quyết định này: “Ngay từ ngày đầu chúng tôi luôn muốn được giống như Chanel Maison, chỉ có một nhãn hiệu duy nhất mà thôi”.
Giới yêu thích thời trang đều không lạ gì chuyện hầu hết nhà mốt cao cấp, chắc chỉ trừ Chanel và Dior, đều có một dòng sản phẩm được gọi là phổ cập (diffusion) để kiếm lợi nhuận bù lỗ cho dòng sản phẩm chính.
Nhiều nhà mốt còn có nhiều dòng sản phẩm phụ khác nhau, phục vụ cho nhiều nhóm khách hàng, như Marc Jacobs, Ralph Loren hay Versace.
Dòng sản phẩm chính, giá cắt cổ, chủ yếu nhằm quảng bá nhãn hiệu, trình bày phong cách sáng tạo và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức thời trang trình diễn của công chúng.
Khác với những cửa hàng lộng lẫy bán dòng sản phẩm chính khá lạnh lẽo vì quá ít khách, các cửa hàng “thứ cấp” như D&G thường nhộn nhịp, nhất là vào dịp lễ hay mùa hạ giá. Dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, doanh thu của D&G năm ngoái vẫn tăng trưởng 10%, khoảng 1,54 tỷ USD.
Ra đời năm 1994, các mặt hàng quần áo, giày, đồng hồ, trang sức và nước hoa D&G trẻ trung, năng động và màu sắc hơn Dolce&Gabbana. Nhiều chiếc đầm D&G kiểu cách giống hệt Dolce&Gabbana, riêng chất vải và phụ liệu rẻ hơn.
Rất nhiều quí bà, quí cô mặc D&G đã tự nhận mình đang mặc Dolce&Gabbana mà không lo bị phát hiện.
Khi nhu cầu mua D&G tăng mạnh và vượt Dolce&Gabbana, khoảng cách giá cả thu hẹp dần. Ngoài mặt hàng đầm và veston dạ tiệc, tất cả các mặt hàng khác của D&G đều bắt mắt và tiện dụng hơn các món tương tự bên Dolce&Gabbana.
Quyết định đóng cửa D&G vì vậy là quyết định khó khăn, không đơn thuần vì lợi nhuận. Khi giải thích rằng, việc này sẽ giúp bộ sưu tập Dolce&Gabbana trở nên mạnh mẽ và năng động hơn, hẳn hai ông chủ có ý rằng họ muốn Dolce&Gabbana phải có những thế mạnh của D&G.
Sâu xa hơn, họ cho rằng quyết định này hướng tới tính trường tồn, duy nhất, tuyệt đỉnh và không thỏa hiệp của thời trang cao cấp. Nếu đã có một chiếc đầm đẹp, thì không thể có chiếc thứ hai na ná.
Cùng nhau khởi nghiệp từ năm 1982, Domenico và Stefano ở trong làng thời trang đủ lâu để hiểu rằng nếu muốn có một thương hiệu để đời như Chanel, thì thương hiệu đó chỉ có thể là một.
Đó là chưa kể nguy cơ tự hạ cấp ở thị trường mới thuộc châu Á và Đông Âu (nhất là Nga), khi khách hàng tưởng nhầm nhà mốt này chỉ có tên D&G, ngang tầm với những Zara hay BCBG.
Riêng tôi, tin rằng những chiếc đầm Dolce&Gabbana vẫn rất Ý - nữ tính, duyên dáng và không theo một khuôn phép nào. Chỉ mong rằng chúng không quá đắt, để lâu lâu cũng có thể đón được về nhà.