Trần Mạnh Tuấn và dòng nhạc “Jazz Bắc Ninh”

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Trần Mạnh Tuấn đã sáng lập câu lạc bộ nhạc Jazz tại TPHCM. Chính chàng trai Hà Nội này đã đánh thức dòng nhạc Jazz tưởng chừng đã ngủ yên ở thành phố phương Nam.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
 

Tôi gặp Trần Mạnh Tuấn lần đầu vào năm 1996. Khi đó Tuấn mới học nhạc ở Mỹ về. Qua lời giới thiệu hào hứng của Xuân Thủy, giáo viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, về một người rồi sẽ khiến người ta phải nhớ tới, tôi đã gặp Trần Mạnh Tuấn ở quán cà phê Nhân bên hồ Gươm. Khi đó Tuấn dường như còn vô danh, anh thậm chí chưa ra đĩa nhạc riêng và chưa có những buổi biểu diễn của riêng mình.

Người thầy vô tư

Lần gặp đầu tiên ấy, anh nói nhiều về các sinh viên Nhật Bản, những người có thể thức đến 2 giờ sáng để học nhạc và mỗi ngày dành không dưới 8 giờ với cây đàn. Họ cũng là những người hiếm hoi không phải da màu sẫm nhưng lại là thủ khoa của trường nhạc Jazz danh tiếng Berklee. “Những người Nhật đã làm người ta có cái nhìn khác về người châu Á” - anh Tuấn nói.

Trần Mạnh Tuấn là người Việt Nam đầu tiên (kể cả những người Việt ở Hải ngoại) theo học trường âm nhạc danh tiếng của Mỹ. Tuấn giành được một khoản học bổng rất lớn vào lúc ấy để có thể theo học về nghệ thuật nhạc Jazz còn rất mới mẻ với người miền Bắc. Dù cuộc sống học tập khó khăn, Tuấn chăm chỉ miệt mài theo bài vở, không đi làm thêm. Tiền bạc tiết kiệm anh dành mua sách tài liệu để đem về nước.

Tuấn trở về, như một sự kiện nho nhỏ của giới âm nhạc Hà Nội, nơi thành phố vẫn còn giữ nếp sống làng xã, chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Anh là người đầu tiên được đào tạo bài bản về nhạc Jazz, thứ âm nhạc vào thời kỳ mở cửa được chơi ở Hà Nội phục vụ khách nước ngoài, nhưng người ta thì chẳng hiểu nó là thứ nhạc gì.

“Chơi nhạc Jazz như thầy bói sờ voi” – anh Văn Đồng, nhạc công ghi ta bas của đoàn Tổng cục Chính trị nhận xét như vậy. Trần Mạnh Tuấn trở về đem theo hàng bì tài liệu. Anh cho in sao, cấp đến tận tay các bạn bè, giáo viên. Nhạc sĩ An Thuyên mời Trần Mạnh Tuấn dạy ở Trường Cao Đẳng nghệ thuật Quân đội và ngôi trường này thực sự gắn bó với nhạc Jazz từ đó.

Trần Mạnh Tuấn rất thích tiếng sáo. Ảnh: T.N.A
Trần Mạnh Tuấn rất thích tiếng sáo. Ảnh: T.N.A.

Nhớ lại những năm tháng ấy, Trần Mạnh Tuấn kể: “Nhạc viện đào tạo 12 năm cho một nhạc công cổ điển. Vậy phải làm gì để trong 4 năm đào tạo được một nhạc công nhạc nhẹ có đẳng cấp? Người ta không tin chúng tôi có thể làm được việc đó. Chúng tôi đã phải đưa sinh viên tốt nghiệp trình diễn báo cáo ngay tại Nhạc viện Hà Nội. Chính các sinh viên đã chứng tỏ đẳng cấp của họ”.

Phương pháp đào tạo hiện đại nhưng cũng rất căn bản về nhạc nhẹ có sự đóng góp không nhỏ của Trần Mạnh Tuấn. Nhiều thế hệ nghệ sĩ nhạc Jazz trẻ đã tham khảo các tài liệu và các tác phẩm của Trần Mạnh Tuấn.

Một nghệ sĩ độc lập

Rời Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, Trần Mạnh Tuấn để lại khoảng trống đáng kể trong cộng đồng nhạc Jazz Hà Nội. Nhưng cuộc thiên di không hề dễ dàng với anh.

Khác với các ca sĩ có những lời mời biểu diễn và các “sô” đặt hàng, Trần Mạnh Tuấn vào Sài Gòn với cây kèn Saxophone khá lặng lẽ. Thu nhập của một nhạc công xưa nay không lấy gì làm sung túc. Nhạc jazz ở Sài Gòn đang lúc thoái trào, hầu như không có khán giả.

Nhìn lại cuộc “Nam tiến” của mình, Trần Mạnh Tuấn nói: “Tôi không có số được hưởng. Tất cả các chương trình và dự án đều do tôi tự nghĩ ra, tự tổ chức, vận động, vận hành. Chưa một ai đem công việc đến cho tôi. Nếu không kiên nhẫn, chắc chắn tôi chẳng làm được gì”.

Tiếng kèn Saxo của Trần Mạnh Tuấn đã là một phần của nhạc Jazz Việt
Tiếng kèn Saxo của Trần Mạnh Tuấn đã là một phần của nhạc Jazz Việt.
 

Tại Sài Gòn anh đã gặp một người bạn lớn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ tài hoa và cũng là họa sĩ này đã vẽ nhiều bức tranh chân dung về Trần Mạnh Tuấn và luôn dành cho anh những lời động viên.

Trần Mạnh Tuấn cũng làm sống động âm nhạc của Trịnh Công Sơn bằng các tác phẩm nhạc không lời mang âm hưởng nhạc Jazz độc đáo. Tiếng kèn nhiều chất thơ của Trần Mạnh Tuấn đã mở rộng thêm sự cảm nhận của khán giả đối với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, trong khi các ca sĩ hầu như không dám phá cách và phiêu lưu với các tác phẩm của ông.

Trần Mạnh Tuấn nói với tôi rằng “nghệ sĩ phải gắn với tính độc lập, người nghệ sĩ phải có tính độc lập cao”. Anh rèn luyện các kỹ năng để dễ dàng đứng được trong các ban nhạc quốc tế, đa quốc tịch, có thể biểu diễn solo, làm Album riêng, nhưng cũng sẵn sàng đệm cho các ca sĩ, thu âm chung các chương trình, với sự hòa nhập với mọi phong cách. Đôi khi ta thấy anh xuất hiện với ban nhạc riêng được luyện tập công phu, nhưng có khi thấy anh đi biểu diễn vỏn vẹn với vài cây kèn.

Tuấn là người yêu đạo Mẫu, sùng đạo Phật. Anh thường lên sân khấu với tràng hạt trên ngực. Người ta thường tò mò khi thấy Tuấn vừa thổi Saxo vừa gõ mõ.

 

Trần Mạnh Tuấn xây dựng phòng thu âm của riêng mình, nơi anh hàng ngày thu lại các tác phẩm của mình và các đồng nghiệp trong và ngoài nước, như một nhà sản xuất. Thậm chí, trong vài CD, anh còn hát một vài bài bằng chất giọng khàn khàn của mình.

Sài Gòn trước năm 1975 có nhiều ban nhạc jazz và nhiều nghệ sĩ jazz tên tuổi, nhưng rồi sau đó các dòng nhạc pop đã dần chiếm hết thị phần. Nhiều nghệ sĩ hầu như giải nghệ. Năm 2005, Trần Mạnh Tuấn đã sáng lập câu lạc bộ nhạc Jazz tại TPHCM. Chính chàng trai Hà Nội đã đánh thức dòng nhạc Jazz tưởng chừng đã ngủ yên ở thành phố phương Nam.

Anh nói: “Thực ra khi ấy những người tham gia vào ban nhạc của tôi đều chơi các dòng nhạc khác. Tôi đã vận động, thậm chí giúp đỡ họ, để họ đi theo nhạc jazz”. Một đồng nghiệp thổi Saxo trong câu lạc bộ của anh hiện vẫn là giảng viên dạy kèn cổ điển của Nhạc viện TPHCM. Bản thân Trần Mạnh Tuấn cũng tham gia giảng dạy tại nhạc viện.

Phải nói Tuấn là người độc lập từ trong dòng máu của mình. 9 tuổi, Trần Mạnh Tuấn đã độc tấu trên sân khấu để cho mọi người hóa trang chuẩn bị vào vở diễn. Gia đình anh theo nghề cải lương. Cuộc sống lang bạt kỳ hồ đã đưa anh đến với những vùng quê Bắc Bộ từ lúc còn tấm bé. 14 tuổi, vì nhiễm vi rút hiểm, anh bị hỏng một con mắt. Với một cậu bé đam mê biểu diễn, cú sốc ấy rất lớn.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Tuấn quyết định vẫn đi theo con đường nghệ sĩ tự do, chứ không vào các đoàn này đoàn nọ. Anh sống nhờ thổi kèn trong các đám cưới và các vũ trường. Anh làm gia đình luôn lo lắng.

Chuyển gia đình vào Sài Gòn sinh sống, khi cuộc sống bớt khó khăn, thương hiệu được khẳng định, thì trong một lần biểu diễn ở nước ngoài anh phát hiện mình bị hỏng cả hai quả thận. Tuấn rơi xuống đáy vực sâu cho tới khi người anh trai tặng anh một quả thận của mình.

Tôi gặp lại Trần Mạnh Tuấn ở Sài Gòn khi mọi thứ của anh đã được nhân lên, hai đứa con, một câu lạc bộ Jazz, hàng chục CD được phát hành. Tuy nhiên, vào buổi tối, khi các vị khách nhâm nhi các ly bia, thì Tuấn lặng lẽ uống những viên thuốc giải độc thận mà anh nói là “cùng với nhạc Jazz, tôi sẽ chung sống với những viên thuốc này đến suốt đời”.

Lên đường cùng Jazz Việt

Khi người ta tới câu lạc bộ Jazz Sax n' Art xem trình diễn, Trần Mạnh Tuấn thường tặng khán giả những bản nhạc Jazz do anh chuyển soạn và trình tấu dựa trên chất liệu dân ca Việt Nam. Đó là các bài dân ca vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đặc biệt là dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

Trần Mạnh Tuấn đã góp phần đưa những làn điệu tưởng chìm sâu trong các làng quê đang bị đô thị hóa ấy, vào cuộc đời phồn hoa nơi đô thị, nơi những người Việt lắm khi nói tiếng Việt lại không sõi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Tuấn nói anh thích nhất được gọi là “nghệ sĩ nhạc Jazz Bắc Ninh”. Sinh trưởng ở Hà Nội, nhưng quê gốc của Tuấn là ở vùng Quan Họ. Anh tìm tới nhạc Jazz, một phần vì nó sử dụng rất nhiều chất liệu dân ca. Tuấn không chỉ giỏi nhạc xứ quê anh, những người ở Huế cũng rất thích anh biểu diễn, bởi trong âm nhạc anh cũng gần gũi với âm nhạc Huế và miền Trung.

Cách đây không lâu, anh cho tôi xem một đoạn Clip anh mới quay ở Huế. Trong đó, Trần Mạnh Tuấn đứng trong chùa Bảo Quốc, dưới chân tượng Phật, để trình tấu những bài dân ca của mình. Tự trong sâu thẳm của người nghệ sĩ độc lập này, trong tiếng kèn độc đáo của anh, như nhìn thấy một dòng nhạc dân tộc vẫn không ngừng tuôn chảy, giữa cuộc đời thời mở cửa.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.