Đại tộc nuôi Voi bên hồ Lắk

Đại tộc nuôi Voi bên hồ Lắk
TP - Không nóng bỏng say đắm như tình sử Vua Voi Ama Kông, nhưng chuyện đời của người đàn ông buôn voi xuyên biên giới có nhiều chi tiết thú vị.

Mỹ nhân buôn voi

Ký ức Nhà Lớn ở Buôn Ja

Trong 11 người con của ông Đàng Nhảy chỉ có cậu con trai thứ tư tên Đàng Năng Long là người duy nhất kế thừa nghề nuôi và buôn voi từ bốn đời trước truyền lại. Sở hữu tới 8 con voi trong đó có con trị giá bạc tỉ, anh Long hiện là chủ đội voi nhà lớn nhất Việt Nam và là giám đốc Du lịch Hồ Lắk- một trong những chi nhánh của Cty Cổ phần Du lịch tỉnh Đắk Lắk, suốt ngày tíu tít với những cuộc gọi đặt tua du lịch trên lưng voi.

Dù bận đến mấy, suốt mùa đông Tân Mão anh Long vẫn dành nhiều thời gian điều khiển nhân lực dựng căn nhà sàn dài trông ra mặt hồ rộng mênh mông, dự kiến trước tết Nhâm Thìn khánh thành sẽ tổ chức đoàn viên đại gia tộc, gặp gỡ toàn bộ con cháu dâu rể và … lần đầu tiên tạo dịp hội ngộ cùng lúc cả 3 bà vợ từng gắn bó với người cha đã quá cố.

Chỉ khung nhà sàn với giàn cột gỗ dài tít tắp, anh Long trầm ngâm : Dẫu bề thế vậy, nó vẫn chưa rộng bằng căn nhà lớn kế thừa từ ông ngoại mà mình được sống thời thơ ấu ở buôn Ja!

Ngôi nhà lớn buôn Ja thuộc xã Bông Krang rộng khoảng hai trăm mét vuông, đầm ấm suốt hai thập kỷ sáu, bảy mươi, thời kỳ phát đạt nhất trong nghề buôn voi của ông Đàng Nhảy. Tại đó, ông Nhảy sống cùng bà Hai - bà Nguyễn Thị Nghĩa người Kinh quê Bố Trạch, Quảng Bình và đội nài voi thân tín. Thỉnh thoảng, vợ Cả- bà Hán Thị Sen người Chăm cũng đưa các con từ thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận) mang quà đồng bằng lên cho mẹ con bà Hai. Cả hai bà đều hiền lành, ít nói, chẳng xích mích với nhau bao giờ.

Cậu con trai thứ ba của bà Cả tên Quân sinh cùng năm với cậu con trai đầu lòng của bà Hai tên Long. Những đứa con của hai bà vợ sàn sàn như trứng gà trứng vịt, gắn bó với nhau bằng đủ thứ trò vui thôn dã, lần chia tay nào cũng quyến luyến không muốn rời. Năm 1975, khi bà Cả sinh đứa con thứ 8, gái út, cũng là lúc người đẹp mang quốc tịch Lào tên Sao Thong Chăn, vốn là đồng nghiệp buôn voi ưng thuận trở thành vợ Ba của ông Nhảy. Bà Ba không có con, thường ghé thăm bà Hai và chăm sóc giúp đỡ các con chồng.

Ngộ nghĩnh, trong bộ tứ 1 ông 3 bà đó, người nhiều tuổi hơn cả lại chính là cô vợ út họ Sao sinh năm 1923, tuổi ít nhất là bà Cả sinh năm 1938. Ông Nhảy nhỏ hơn vợ Ba tới 7 tuổi, còn bà Hai kém bà Ba chẵn mươi xuân. Tuy nhiên với nhan sắc xinh đẹp rạng ngời, trí tuệ sắc sảo và bản chất phóng khoáng rộng lượng, bà Ba luôn được đại gia đình chồng yêu quý tôn trọng. Mấy chục con người sống quanh ông chủ hộ họ Đàng suốt hàng chục năm vẫn giữ được hòa khí tốt lành. Rồi 11 người con với 2 bà vợ đầu của ông Nhảy lần lượt lớn lên, đi học xa. Bà Cả về Ninh Thuận, bà Hai chuyển ra thị trấn Liên Sơn. Ông Nhảy ở nhà bà Sao tại buôn AlêA nội thành Buôn Ma Thuột để tiện thực hiện các hợp đồng buôn voi, tặng voi mang tính ngoại giao cho Nhà nước. Sau chuyến đưa voi sang tặng Cuba năm 1985, ông Nhảy lâm bệnh qua đời. Bà Sao cô độc trở về Buôn Đôn sống với mấy cô con gái nuôi. Nhà Lớn buôn Ja vắng vẻ tàn tạ dần, giờ chỉ còn trong ký ức…

Nuôi voi bên cánh đồng Kinh tượng

Thị trấn Liên Sơn nằm hướng ra hồ Lắk, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể, với diện tích mặt hồ mùa xuân rộng khoảng 500 hecta, còn mùa mưa hồ dâng ngập cả cánh đồng Lắk mênh mông không thấy bến bờ. Giữa đồng còn những hàng cây đánh dấu vị trí hơn nửa thế kỷ trước đã được chọn lập “Sở Kinh tượng” để nuôi đội voi hơn 40 con cho Cựu Hoàng Bảo Đại. Trên ngọn đồi gần đó, năm 1940, Cựu hoàng cho xây tòa Biệt điện kiến trúc đẹp để mỗi khi về Lắk, từ cửa sổ Biệt Điện ngắm bao quát cánh đồng Kinh tượng, buôn Jun có đàn voi lững thững từ rừng về trong nắng gió cao nguyên.

Ông Đàng Nhảy (phải) trong chuyến đưa voi sang Cuba Mỹ nữ buôn voi Sao Thong Chăn
Ông Đàng Nhảy (phải) trong chuyến đưa voi sang Cuba.

Đàng Năng Long sinh trưởng bên hồ Lắk, thông thạo nhiều ngôn ngữ của đồng bào bản địa. Lớn lên, anh loay hoay đủ nghề nhưng dù làm gì, ở đâu, tiếng gầm của voi vọng về từ hàng cây Kinh tượng vẫn choán đầy tâm trí khiến lòng bứt rứt không yên. Anh bàn với người thân trong họ chung vốn mua voi về nuôi, kinh nghiệm chăm voi học từ những quản tượng từng chăn voi cho Cựu Hoàng. Những năm chín mươi thế kỷ trước, huyện Lắk vẫn còn nhiều voi, chuyên để kéo gỗ cho đồng bào làm nhà hoặc cày ruộng, trả công bằng lúa. Voi cái hiếm khi đẻ, voi đực nuôi mới có lãi vì cứ 3 năm lại cho cưa ngà, mỗi lần cưa được 6-8 ký, bán cho thương lái đến cân tại chỗ được 4-5 lượng vàng.

Anh Long gom vàng bán ngà tiếp tục góp vốn mua bán voi. Bầy voi của anh ngày càng đông thêm. Danh sách thống kê lập tháng 3-2011 cho thấy trong 21 con voi huyện Lắk, anh Long sở hữu 5 con. Nhưng đến cuối năm 2011, anh Long đã là chủ của 8 con. Mỗi con voi đều có quản tượng và nài voi riêng chăm sóc suốt đêm ngày, được tổ chức đầy đủ các lễ nghi vòng đời theo luật tục như lễ đặt tên, lễ nhập buôn, thậm chí cả… lễ cưới! Người tổ chức cưới cho voi, rồi voi lại đi rước dâu trong lễ vu quy cho cô chủ nhỏ. Tháng Giêng năm 2010, Họa Mi con gái đầu lòng của anh Long vừa tốt nghiệp đại học cưới chồng, được cha mẹ đôi bên đồng lòng tổ chức một lễ đưa dâu độc đáo “không đâu sánh bằng”, bằng đám rước dâu vui nhộn trên lưng 20 con voi, hình ảnh độc quyền từ báo Tiền Phong đã loan đi gây chấn động, nóng bỏng trên vô số báo mạng.

Mỹ nữ buôn voi Sao Thong Chăn
Mỹ nữ buôn voi Sao Thong Chăn.
Anh Long với mẹ, bà Hai Nghĩa
Anh Long với mẹ, bà Hai Nghĩa.

* * *

Cắt cử các tua Voi đưa du khách dạo chơi qua hồ xong, anh Long chạy về nhà thăm mẹ, nhờ vợ tiếp tục tìm trong kho tư liệu gia đình những thư từ và ảnh chụp từ nửa thế kỷ trước, rải rác nối tới bây giờ, chuẩn bị cho cuộc đoàn viên đầu xuân mới.

Bà Nghĩa mẹ anh Long tuổi 78 vẫn nhanh nhẹn minh mẫn, khi nghe hỏi mẹ có mong gặp lại bà Cả với bà Ba không, bà cười móm mém: Được đoàn tụ cả đại gia tộc để cùng thắp nén hương tưởng nhớ ông Nhảy trong căn nhà mới bên hồ Lắk, với đàn voi chật sân, thì còn gì bằng!

MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.