Ngắm rồng trên cổ vật

Ngắm rồng trên cổ vật
TP - Họa tiết trang trí trên cột nhà, trang sức, ấn vua… đều hình rồng, ra mắt công chúng trong khuôn khổ trưng bày Rồng trên cổ vật, tại Bảo tàng lịch sử, khai mạc sáng 12-1.
Họa tiết rồng trang trí kiến trúc thời Lý. Ảnh: T.Toan
Họa tiết rồng trang trí kiến trúc thời Lý. Ảnh: T.Toan.

TS. Nguyên Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng cho biết, số hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng được lựa chọn trưng bày có niên đại từ văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 trước CN đến thế kỷ 1, 2 sau CN), qua thời kỳ đỉnh cao-rồng thời Lý- cho đến đầu thế kỷ XX. Chất liệu đa dạng, theo đặc trưng thời kỳ: đá, gốm, đất nung, đồng, bạc, giấy. Chủ đề rồng được khai thác dưới nhiều phương thức khác nhau, tạo không gian văn hóa đa chiều, cho thấy bàn tay tài hoa của nghệ nhân Việt trải nhiều thời kỳ.

Văn hóa Đông Sơn đặc trưng với chất liệu đồng: Mũi giáo niên đại cách nay khoảng 2.500 năm, rìu, gương và bích (bùa đeo) trang trí các con vật linh được tìm thấy ở Nghi Vệ, Bắc Ninh có niên đại thế kỷ 2-3. Thời kỳ này, hình tượng rồng được thể hiện mềm mại, tính chất lượn sóng của nước đặc trưng yếu tố nước gắn với văn hóa nông nghiệp. Đôi khi, hình tượng rồng được chuyển thành thân thú như hổ, sói đề cao uy quyền của giai cấp thống trị.

Họa tiết rồng thời Lý có đặc trưng mình trơn, thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và nhỏ dần về phía đuôi. Thời kỳ này, hình tượng rồng Việt Nam thể hiện rõ nét hơn, tượng trưng cho quyền uy tối thượng của các đấng Thiên tử, là linh vật của vua chúa nên gắn với đời sống hoàng tộc. Người xem cũng khám phá ra nhiều họa tiết rồng trang trí trong các công trình kiến trúc bằng đất nung hay gốm men như gạch xây tháp, rồng trang trí trên đô cửa bằng đá niên đại năm 1057, lấy từ chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh). Đặc biệt, có những bệ đá, bệ kê chân cột đá Lưỡng long tranh châu khá ấn tượng.

Hiện vật thời Lê-Trần, xuất hiện với số lượng không nhiều tại trưng bày, nhưng mang đặc trưng riêng. Rồng thời Trần uy nghi đường bệ, xuất hiện cặp sừng và đôi tay. Chất liệu đồng sử dụng làm quai võng, tìm thấy ở Đông Triều (Quảng Ninh) triều Trần thế kỷ 13-14. Thời Lê, rồng thể hiện trong nhiều tư thế: Rồng tượng trưng cho quyền uy với thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn, quắp lại dữ tợn. Hiện vật trang trí trên bàn đạp yên ngựa với chất liệu đồng, hoặc rồng trang trí trong công trình kiến trúc với chất liệu đá.

Ấm trà, hộp đựng trà, kim chỉ, chụp tóc của hoàng hậu, cho đến ấn vua thời Nguyễn đều lấy hình rồng trang trí. Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh vương quyền, được thể hiện dưới nhiều tư thế: ẩn mình trong đám mây, ngậm chữ Thọ rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ Thọ…

Hiện vật thời Nguyễn xuất hiện số lượng đông đảo, chất liệu ngoài gốm, đồng còn có vàng, bạc, giấy (sắc phong thần), nhưng nhiều nhất vẫn là chất liệu vàng dùng chế tác ấm, hộp đựng trầu, tượng rồng, kim sách (sách bằng vàng) trang trí rồng, mây thời vua Tự Đức. Trong số hiện vật vàng, nổi bật có ấn Khâm văn chi tỷ thời vua Minh Mệnh năm thứ 8; ấn Sắc mệnh chi bảo cũng năm Minh Mệnh thứ 8.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc công, quân khuyển Biên phòng trình diễn tuyệt kỹ tại sân bay Gia Lâm
Đặc công, quân khuyển Biên phòng trình diễn tuyệt kỹ tại sân bay Gia Lâm
TPO - Trên nền nhạc “Hào khí Việt Nam” hào hùng, hàng trăm chiến đấu viên đến từ Binh chủng Đặc công và đội hình quân khuyển thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã trình diễn những tuyệt kỹ đẹp mắt tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Đây là một trong những điểm nhấn của lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra vào ngày 19/12 tới đây.