Một ngày cuối tháng 11-2011, sau buổi tiếp nhà văn Skrabov Vladimir Pavlovich tại trụ sở Hội hữu nghị Việt - Nga, tôi nháy ông: Ta đi uống một chút chứ. Người đàn ông cao lớn có cặp mắt màu xám này hồ hởi, đi chứ, đi chứ, nhưng không ngồi lâu được đâu nhé, tối nay tôi lên tàu đi thành phố Hồ Chí Minh rồi. Chúng tôi “hạ trại” ở một quán bia gần đó, trên phố Nguyễn Biểu, ngay gần nhà thờ Cửa Bắc.
Nhà văn V.P.Skrabov là một người có duyên nợ với Việt Nam. Người đàn ông vậm vạp ăn sóng nói gió này từng là thủy thủ, đã nhiều lần theo những con tàu chở hàng viện trợ của nhân dân Liên Xô cho nhân dân Việt Nam vào những năm giữa thập niên 60. Ông đã từng ở Hải Phòng, Cẩm Phả, Hòn Gai.., đã từng chứng kiến sự hy sinh của những thủy thủ Liên Xô dưới làn bom đạn Mỹ khi chữa cháy tàu vận tải Aleksandr Grin tại cảng Hải Phòng.
Ông rời Hà Nội năm 1969. Về nước, ông học Trường Đảng cao cấp AON tại Moskva, sau đó làm phóng viên báo Lao Động-TRUD, tờ báo từng chiếm kỷ lục thế giới về số lượng phát hành 21,5 triệu bản/số. Rồi ông làm Tổng biên tập tờ Cờ Đỏ cho đến lúc về hưu. Ông Skrabov đã in 4 tiểu thuyết, hiện là Tổng giám đốc Nhà xuất bản Sừng Vàng -Zolotoi Rog ở Vladivostok.
42 năm mới quay lại Việt Nam, xin được biết cảm giác của ông?
Tôi rất bất ngờ và khâm phục các bạn. Những ngày qua, tôi đã về lại Hải Phòng, Cẩm Phả và những nơi tôi đã từng đặt chân đến hơn 40 năm trước. Tất cả đều đã thay đổi mạnh mẽ. Tôi cũng đã đến thăm lại Bệnh viện mà 43 năm trước, anh bạn thủy thủ người Tadzhikistan Iury Vasylevich Terekhov đã hy sinh sau khi bị thương lúc chữa cháy tàu Aleksandr Grin.
Tôi đã thấy rất nhiều những nhà máy, khu công nghiệp, những cây cầu mới hiện đại, những cầu tàu mới, những khu nhà cao tầng…Tôi rất mừng vì Việt Nam của tôi đã tốt lên nhiều, người dân được hưởng hòa bình, hạnh phúc.
Trong câu chuyện rôm rả bên đường phố đang sẫm dần, bên chai rượu Putinka phủ tuyết, dù đã vài chục năm là nhà báo, nhà văn, nhưng nhiều lần Skrabov vẫn hãnh diện gọi mình là moryak-lính thủy.
Tôi nghe Skrabov kể về chủ đề biển trong các tiểu thuyết của ông, về tiểu thuyết mới nhất Nhà chờ, kể về số phận những người lính hải quân bị quăng quật lên bờ, kể về những năm 90-91 “đáng nguyền rủa”, về cuộc gặp mới nhất, rất thú vị của ông với một người lính hải quân Việt Nam già đã từng tham gia Đoàn tàu không số của đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
“Chúng tôi là lính thủy, nên gặp nhau là nhận ngay ra là anh em - Ông nói - Cũng qua đợt này, tôi đã sưu tầm được khá nhiều tài liệu về con đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Nhà văn Skrabov và tác giả Phan Việt Hùng. |
Kỷ niệm đáng nhớ nhất khi ông ở Việt Nam hơn 40 năm trước?
Tất nhiên đó là lần chúng tôi được nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đó chúng tôi về Hà Nội có việc, khi đi qua khu vực Phủ Chủ tịch thì nhìn qua cổng thấy Bác Hồ đang tiễn khách quốc tế. Chúng tôi vui mừng quá, biết là khó nhưng vẫn cử một người đến nói với đồng chí chỉ huy bảo vệ gần đó, là các thủy thủ Liên Xô muốn chào Hồ Chủ Tịch.
Đồng chí chỉ huy vào báo cáo, và khi nghe xong, Người liền quay mặt về phía chúng tôi, đưa tay vẫy chào. Chúng tôi biết là Chủ tịch rất bận, nhưng chỉ chừng đó cũng khiến chúng tôi vô cùng sung sướng.
Còn kỷ niệm lần này?
Vừa rồi tôi mới vào thăm lại Bảo tàng Hải Phòng. Có nhiều hiện vật không hiểu sao đã biến mất đi, như bộ quần áo bay của phi công Mỹ chẳng hạn. Ngày xưa chúng tôi đã nhìn thấy mà. Hiện tôi vẫn còn giữ được chiếc nhẫn làm từ xác máy bay Mỹ, bên trong có khắc đó là chiếc bao nhiêu bị bắn rơi.
Lần trở lại này, tôi thích nhất là ở ngay lối ra Bảo tàng có treo một bức tranh lớn, có đề dòng chữ: “Quà tặng của nhân dân Vladivostok gửi tặng nhân dân Hải Phòng anh em”. Quà của thành phố quê hương tôi đấy.
Câu chuyện cứ nối dài mãi. Hóa ra chúng tôi có một số hiểu biết chung nho nhỏ về Moskva, nơi cả hai đã theo học trong những khoảng thời gian khác nhau. Tỷ như chuyện về bến tàu điện ngầm Novoslobodskaya tuyệt đẹp với những bức tranh kính màu, nơi chúng tôi thường chui lên chui xuống để về ký túc xá.
"Tôi sẽ còn quay trở lại Việt Nam, với một cuốn sách mới về Việt Nam. Chỉ khi đó, tôi mới quay trở lại. Từ giờ đến cuối đời, tôi có kế hoạch sẽ viết ba cuốn nữa, trong đó có một cuốn về Việt Nam đổi mới”. - Nhà văn Nga Skrabov Vladimir Pavlovich. |
Thời đó, đây là bến duy nhất trên tuyến metro vòng tròn không có đường nhánh. Về cái quán penmenhi (món ăn thịt xay bao bột, giống vằn thắn) ở lối đi ngầm...
Chúng tôi cũng nói về thành phố ngoại ô Khimky cạnh kênh đào Moskva, nơi ông đã có một câu chuyện tình nho nhỏ. Và một bất ngờ thú vị khi cả hai cùng nói về một quán bar ngầm “danh bất hư truyền” ở ngay Trung tâm Moskva-bar Yama, ngay gần tòa Thị chính. Ông Skrabov hơi sững sờ một chút khi thấy anh chàng Việt Nam ngồi đối ẩm đã từng lọ mọ xuống quán ngầm danh tiếng này từ thời cải tổ.
Và ông cũng ngạc nhiên khi được tôi thông báo rằng cái phố Pushkinskaya đã được đổi tên, cái ngõ Stoletnikov vẫn vậy nhưng quán bar ở ngã tư thì không được như trước nữa. “Tôi lạc hậu lắm - Skrabov ngượng nghịu thú nhận - Tôi không biết sử dụng máy vi tính, vào mạng nên không biết nhiều thông tin mới. Tôi quen viết bằng tay rồi”.
“Đến giờ tôi phải về khách sạn lấy đồ lên chuyến tàu đêm rồi. Tôi sợ là ngồi một lúc nữa, chúng ta lại tìm ra được thêm nhiều điểm chung nữa thì muộn mất giờ tàu”. - Skrabov bỗng nói. Và ông thêm: “Tôi sẽ còn quay trở lại Việt Nam, với một cuốn sách mới về Việt Nam. Chỉ khi đó, tôi mới quay trở lại. Từ giờ đến cuối đời, tôi có kế hoạch sẽ viết ba cuốn nữa, trong đó có một cuốn về Việt Nam đổi mới”.
Không biết cuốn sách mới của Skrabov sẽ có những chương mục gì, nhưng tôi tin là nó sẽ hết sức sống động bởi những ngày ở Việt Nam, ông đi rất nhiều nơi, gặp nhiều người và ghi chép kín mấy cuốn sổ tay - một thói quen ghi chép hàng ngày đã có suốt mấy chục năm nay.
Có điều gì tôi chưa kể về nhà văn - lính thủy Skrabov chưa nhỉ? À, chưa kể về sự ngạc nhiên của nhà văn già khi những ngày ở Việt Nam, đi đâu ông cũng gặp những người yêu mến sẵn sàng giúp đỡ ông. Đó là một người ngồi cạnh ông trên chuyến máy bay TP HCM - Hà Nội trong vòng gần 2 tiếng đã trở thành tâm giao.
Để rồi ra Hà Nội, người đàn ông này đã “điều” hẳn một đứa cháu từng sống ở Nga 10 năm tháp tùng nhà văn già suốt ngày để phiên dịch, đưa đi khắp đó đây, xuống tận Hải Phòng, Quảng Ninh… Đó là một người không quen đã cảnh báo ông bằng tiếng Nga “khéo bị lừa” khi ông bị cánh taxi “bao vây” ở Tân Sơn Nhất.
Đó là những người trong Hội Hữu nghị Việt - Nga Trung ương và Hải Phòng đã dành thời gian tiếp và giúp đỡ ông tận tình. Tôi nói với Skrabov là tôi không thấy lạ lắm những chuyện này. Vì đây là trường hợp thứ bao nhiêu rồi tôi biết, khi những người Việt Nam mới quen luôn có cảm tình, sẵn lòng giúp những cựu binh Liên Xô thăm lại mảnh đất mà họ đã từng góp công sức bảo vệ và xây dựng.
Sẽ quay lại nhé, ông Skrabov thân mến.
Với một cuốn sách mới về Việt Nam. Và cả một chiếc áo lính thủy Nga mà ông đã hứa dành cho tôi đấy nhé!