Nghệ thuật đương đại đối thoại văn hóa Mường

Nghệ thuật đương đại đối thoại văn hóa Mường
TP - Trên những sườn đồi nhấp nhô của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình) rộng 5 ha, những tác phẩm nghệ thuật đương đại gây ấn tượng lạ- không chỉ về ý tưởng, mà còn vì chúng được làm từ chất liệu từ đất, đá, cây, lá bản địa.

> Nghệ sĩ đương đại sẽ có thêm cơ hội

Trong Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Ảnh: Vũ Lâm
Trong Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Ảnh: Vũ Lâm.
 

14 điêu khắc gia, 12 họa sĩ, 1 nhạc sĩ và 3 tình nguyện viên giao lưu với các hộ gia đình người Mường để sáng tác tại chỗ, tạo ra hóa thạch nhà sàn, đàn trâu lá đa bằng thân cây, bộ xương khủng long bằng đá và gỗ…

Không mời mà đến, nghệ sĩ đủ lứa tuổi rủ nhau tụ hội. Chớm cao niên có họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn, Lý Trực Sơn, Hà Trí Hiếu, nhà điêu khắc Đào Châu Hải, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng (điều hành, tổ chức, bình luận). Lứa trẻ hơn như nhà điêu khắc Trần Đức Sỹ, họa sĩ Trịnh Tuân, Vương Văn Thạo, Trần Việt Phú... Khách mời danh dự như họa sĩ Nguyễn Minh Thành (gửi tranh từ Đà Lạt ra), Vũ Thăng (gửi tranh từ Sa Pa xuống).

Sáng tác thế này, nghệ sĩ không nhận được thù lao, chỉ được miễn phí ăn ở. Thời gian sáng tác 10 ngày, từ 15 đến 25-9, chính thức triển lãm từ 30-9. Không gian sáng tác với các tác phẩm sau đó sẽ được giữ nguyên như triển lãm nghệ thuật trong nhà và ngoài trời với thời gian một năm.

Vì vậy, Đào Châu Hải cho biết, họ không chủ tâm làm những tác phẩm bền vững, mà chỉ tồn tại một năm, 6 tháng, thậm chí ít hơn, để nghệ sĩ khác đến làm những tác phẩm tiếp theo, tạo ra sự luân chuyển nghệ thuật. Đây là khởi đầu cho việc hình thành một trung tâm hoạt động và sáng tạo theo hình thức Nghệ sỹ lưu trú (Artist in residence) trong tương lai.

Bảo tàng có hai phần. Một nửa hoạt động như bảo tàng sống với những hoạt động thu nhỏ của đời sống người Mường trong đó, với 6 hộ gia đình sinh sống, cũng cuốc đất trồng rau. Các hiện vật mà ông giám đốc bảo tàng sưu tập được thay vì để trưng bày, sẽ được sử dụng như các công cụ lao động và sinh hoạt. Nửa không gian còn lại là đối thoại giữa văn hóa đương đại với văn hóa bản địa.

Ông Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng ấp ủ ý tưởng từ lâu. Trại sáng tác này khác với những trại của các tổ chức nhà nước, bởi đây là sự tương tác giữa văn hóa bản địa, chất liệu địa phương với các quan điểm sáng tác đương đại, không áp đặt. Nhưng người nào muốn tìm hiểu văn hóa Mường qua các tác phẩm theo kiểu văn hóa du lịch thì sẽ thất vọng.

Phản đối kiểu làm sản phẩm có tính chất du lịch và phong tục, nhà điêu khắc Đào Châu Hải nói: “Chúng tôi không có ý định chế tác các món hàng lưu niệm như váy, thổ cẩm, khăn thêu, nhà sàn. Đây là sự đối thoại, học tập, trao đổi giữa nghệ sĩ với người dân xứ Mường sinh sống xung quanh”.

“Cứ lên Sapa thì làm nhà sàn, thổ cẩm là cách làm rất cổ!”- nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thốt lên. Ông nói, ở trại này, bà con người Mường tham gia với nghệ sĩ, hiểu được những chuyện bếp núc trong sáng tạo, được thấy những điều chưa thấy bao giờ, nhìn những cái người Mường không có.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG