Minh họa: Doãn Hoàng Kiên. |
Chị rón rén đi vào khu bếp, chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình nhà chủ. Thực đơn bữa sáng hôm nay sẽ là cháo đậu xanh ăn kèm đậu chiên dầm hành mắm, sau đó là nước cam cho bà cụ và hai nhóc, cà phê cho hai vợ chồng mợ chủ. Thực đơn sáng và tối sẽ quay vòng mười ngày lặp lại một lần. Mợ chủ đã vô cùng ngạc nhiên khi chị trình lên danh sách mười thực đơn hôm qua. “Ô sin gì mà thông minh quá xá!” - Mợ chủ nói riêng với cậu chủ.
Hợi tập trung vào nấu nướng một cách cẩn trọng, bình tĩnh, thư giãn bởi đây là một trong những công việc chính của chị, một Ô sin toàn thời gian, chuyên nghiệp.
Nếu giờ này mà ở nhà mình, chị sẽ cuống cuồng giục con gái dậy ôn bài, rồi đặt ấm nước, rồi tong tả xách làn chạy ra chợ cóc mua thực phẩm cho bữa sáng và bữa tối, phải tập trung suy nghĩ xem đổi món gì hôm nay mà không vượt quá số tiền một trăm ngàn đồng.
Ở chợ cóc về, vừa quấy quá nấu bữa sáng, ướp thịt bỏ tủ lạnh cho bữa chiều, tranh thủ nhặt rau cỏ, mắt liên tục liếc lên đồng hồ treo tường, ăn quấy quá bữa sáng nóng bỏng mồm, rồi vội vã thay đồ, chuẩn bị đồ và chở con Tép đến trường, sau đó dông thẳng tới cơ quan, mở cửa văn phòng trước tám giờ kém mười lăm để rồi bắt tay ngay vào chuỗi công việc tạp vụ bất tận.
Cháo đậu đã chín nhừ, Hợi nhẹ nhàng múc cháo ra các bát tô lớn, xếp hai hàng dọc trên bàn ăn lớn bên cạnh những thìa Inox đặt úp trên vuông giấy ăn trắng dập hoa văn nổi. Giữa bàn là đĩa đậu rán vàng, đã rim mắm, điểm những cọng hành lá xanh ngắt, còn nóng bốc khói nhẹ và thơm quện mùi đậu rán cạnh giòn với mùi mắm, mùi hành chín tới. Bàn ăn sáng đẹp thanh nhã như một tác phẩm.
Mợ chủ gặp rắc rối một chút với nhóc gái tám tuổi nhõng nhẽo, nhưng Hợi đã giúp một tay, thì thầm vào tai nhóc điều gì mà nó tươi tỉnh ngay gương mặt ngái ngủ, ngồi tót vào ghế và tự nguyện xúc cháo ăn. Gương mặt xinh đẹp của mợ chủ nghiêng bên bát cháo, dù ánh mắt hơi mệt mỏi có lẽ do ngồi vi tính nhiều giờ quá. “Dẫu sao mợ ta cũng có số phận đẹp hơn mình” - Hợi nghĩ - “Mợ ta có học thức, công việc có thu nhập cao, biết mình muốn gì và có thể làm được gì. Có thể công việc của mợ ta cực kỳ căng thẳng. Nhưng khi bước chân về nhà thì mợ ta được giải thoát!”.
Xong bữa sáng, cậu mợ chủ đã đi làm, trẻ con đã đi học và bà cụ đã tới câu lạc bộ người cao tuổi sinh hoạt, giờ là lúc Hợi thong thả đi siêu thị ngay dưới tầng một khu chung cư để mua thực phẩm. Thật là sung sướng trong siêu thị mát lạnh, với biết bao đồ xinh đẹp và thực phẩm tươi ngon, lẫn thực phẩm chế biến sẵn phong phú. Hợi vui thú mua đồ và tưởng tượng ra các món mình sẽ chế tạo mới để làm cả nhà mợ chủ ngạc nhiên.
* * *
Sau hơn một tiếng dấn ga với bóp phanh để khôn khéo luồn lách trên đường Chùa Bộc chật kín xe cộ giờ tan tầm, với những gương mặt bị hút hết sinh lực, chỉ còn chút hơi cuối cùng để xả cáu giận lên nhau, Hợi với con xe Dream tím bẩn bựa cùng túi đeo sườn xe nhóc nhách nào bột đậu, xà phòng, dưa muối, bó lá khế tươi để tắm chống ngứa… cũng xịch xịch về tới cửa nhà.
Cánh cửa gỗ nâu kín bưng vừa mở ra thì mùi của bừa bộn việc nhà cũ rích ập lên thân thể và tâm trí Hợi. Hít một hơi thật dài để chuẩn bị chút tàn lực cuối cùng, Hợi lao đầu vào nhà. Nấu nướng, dọn dẹp bếp, tranh thủ lau nhà, tưới cây trên gác thượng.
Tháo rèm cửa xuống để giặt, lau bụi trên kệ tủ và các cửa sổ. Hợi làm thoăn thoắt như điên, trong lúc trí não chị đùng đùng những ý nghĩ điên giận, sẵn sàng trút lên ai đó sắp sửa về nhà. Mười tám giờ ba mươi rồi mà vẫn chưa thấy ai ló đầu về nhà để chị trút giận.
Cái chữ tạp vụ ám vào toàn bộ cuộc đời chị. Về đến nhà rồi mà chị vẫn chưa thôi tạp việc, tạp pí lù việc nhà việc đời. Chị sồ sề ra nhanh chóng với mớ tóc xơ buồn, rối bời, loăn xoăn nhạt nhẽo. Chị tránh soi gương để tiết kiệm thời gian, và cũng để tránh cảm giác tuyệt vọng khi thấy mái tóc xơ buồn, cặp mắt mệt mỏi và làn da thiếu sinh khí.
Bảy giờ kém năm con gái từ lớp học thêm trở về nhà. Chị bắt đầu tuôn dòng thác cằn nhằn.
“Gớm, xem đầu tóc bê bết thế kia, giục năm lần bảy lượt mà con vẫn chưa chịu gội. Tởm quá! Có xếp gọn đống sách vở vào tủ đi không con, sao lúc nào con cũng bày bừa sách ra ghế vậy. Rồi quần áo một lúc chăng ra mười bộ mặc dở, đã nhắc bao nhiêu lần là mặc bẩn bộ này hãy thay bộ khác mà cấm chịu nghe…”.
Hợi chưa dứt chuỗi cằn nhằn con gái thì con trai từ đâu đó ló mặt về. Cơn tức lại lồng lên:
“Mày chưa kiếm được việc làm mà sao giờ này mày mới về nhà hả con? Cả ngày mày lượn lờ những chỗ ba vạ nào? Mẹ nhờ có một việc là chín giờ sáng ra nhà hàng đậu phụ góc phố mua chục bìa đậu mà mày cũng quên. Cái đống băng đĩa tóe loe trên kệ mày bày cho ai dọn đấy con? Mày muốn chạy chỗ nào xin việc thì chịu khó đi bộ đi, đừng gõ con già này nữa. Tao đến chết non vì bố con nhà mày!”.
Cả hai đứa con đều im lặng, chúi mũi vào truyện tranh và màn hình vi tính, chúng đã thuộc “chương trình ca nhạc không theo yêu cầu” này của mẹ, và không quan tâm.
Tám giờ tối, ba mẹ con đang ăn dở bữa cơm thì Trình về. Anh dựng xe máy xong thì để nguyên cả bộ quần áo đi làm, ngồi luôn vào vị trí của mình bên mâm cơm, mặt anh đỏ lựng và hơi thở nặc mùi bia. Nhưng anh vẫn ăn cơm nhà cho xong chuyện.
- Anh không thể dừng bia rượu một ngày hay sao? - Chị khiêu chiến. - Anh xem cái cánh cửa sổ long ra nửa năm nay rồi, buộc tạm sợi dù làm sao yên được? Vòi nước nhà tắm hỏng, nước chảy ri rỉ sốt cả ruột, về sớm một hôm là sửa đâu vào đấy mà sao anh không chịu về?
- Nói nhiều! - Anh dằn cái muỗng canh xuống mâm - Đang ăn đừng nói chuyện linh tinh mất vệ sinh.
Cơm xong thì anh đi xúc ấm chè, đổ bã chè vào thùng rác nhất định phải vãi tóe loe ra sàn đá hoa, không bao giờ chị cọ sạch vết ố được. Đến quan hệ vợ chồng còn ố, hàm răng anh còn ố nữa là sàn nhà, anh việc gì phải quan tâm?!
Rồi anh sẽ nửa nằm nửa ngồi trên ghế mà xem thời sự, đến phóng sự, rồi qua phim hình sự. Chỉ cái sự ấm ức của chị thì anh không thiết xem.
Cái sự ấm ức của chị nó tí tách rót dần vào chị, chị chứa nó đầy ứ, dồn nén thành một khối căm hờn. Căm hờn uýnh nhau với thương yêu làm chị phải căng ra mà chịu trận.
Bước vào nhà tắm, chị trân trân nhìn cái chậu ngồn ngộn quần áo dơ của cả nhà, trừ chị, cái quần dài của anh ấy thì không thèm lộn trái ra, và bên trong còn nguyên cả xịp, tất rung rúc. Chị sẽ phải lôi cái tất cuộn mắc đâu đó giữa đũng quần dài ra, lộn trái, lộn trái cả cái quần dài kaki của đàn ông dày nặng hơn mọi cố gắng của chị, lộn trái những gì còn lại, lộn trái luôn cả trái tim chị.
Chị tự hỏi, mình là gì trong gia đình này? Đây là tất cả hạnh phúc tình yêu đó sao? Chị sẽ cố gắng như thế này bao nhiêu năm nữa, cho đến khi xương sống rục xuống, chị chết đi và được con cháu tụng ca là người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó, đã suốt đời chết để phục vụ mang vác trên lưng một ngôi nhà, với ông chồng vô tâm và những đứa con vô tâm tận hưởng sức lực, sự chăm bẵm miễn phí của người đàn bà?
Chị thấy mình khổ hơn nhiều, rất nhiều so với một Ô sin. Ô sin thời nay được cưng nựng chào đón, được may quần áo mới mỗi năm hai bộ, được trả lương khá, được nuôi ăn ba bữa và được thưởng cả tiền Tết, tiền tàu xe về quê v.v...
Còn chị, sau khi cống hiến hết số tiền lương hằng tháng kiếm được cho gia đình, thì chị cống hiến nốt sức tàn cuối ngày sót lại sau công việc cơ quan để hầu hạ ngôi nhà, con, chồng và chị được trả rất đều đặn hằng ngày sự vô tâm của người thân, sự uất ức đầy tràn và nỗi cô đơn sâu thẳm, những giọt nước mắt càng giấu giếm càng mặn chát hơn.
Chị quyết định đổi đời sau lần chị gục ốm một tuần, và thấy chồng chị chọn quần áo của anh ra giặt riêng, mặc kệ quần áo chị và các con đầy lên trong chậu bẩn.
Không còn gì để nấn ná thêm.
Sau bữa ăn tối, chị họp gia đình, nói rằng cả công ty chị phải chuyển về tỉnh khác vì hiện nay những cơ sở sản xuất đồ nhựa của công ty không được phép đặt trong thành phố đông dân. Chị sẽ đi làm xa, ba tháng mới về nhà một lần, ba bố con tự lo cho nhau.
Một khoảng lặng choáng váng trôi qua, ba người bỗng phản đối ầm ầm. Chị biết trước phản ứng này, họ bị mất quyền lợi sử dụng chị đương nhiên hằng ngày. Chị không để họ sử dụng mình như vậy nữa. Chị quyết rồi.
* * *
Sinh nhật mợ chủ nhẹ nhàng lãng mạn với hoa hồng, bánh ngọt, vang thơm mát, những gói quà thắt nơ xanh đỏm dáng cùng những lời chúc nồng ấm từ người thân và một cặp vợ chồng người bạn gái từ thời phổ thông. Chị cũng tặng mợ ấy một giỏ hoa ba mươi sáu bông hồng bằng phim cũ nhuộm màu. Mợ chủ tò mò nhìn chị, rồi nhìn giỏ hoa, mợ cứ đứng yên, tay nâng giỏ hoa:
- Tôi chưa bao giờ thấy một giỏ hoa nào giống thế này. Cảm ơn chị. Chị kiếm nó ở đâu vậy?
Hợi mỉm cười, như lây cảm xúc của mợ chủ:
- Tôi đã tự làm mất mấy ngày đấy. Làm nó không khó, chỉ khó ở nguyên liệu. Xưa kia tôi từng kiếm thêm bằng nghề này…
Hợi chợt im bặt, niềm vui làm chị mất cảnh giác.
- Vậy trước kia, nghề chính của chị là…? - Mợ chủ không bỏ qua chi tiết ấy, hỏi luôn.
- Tôi làm Ô sin thôi, tranh thủ lúc rỗi thì làm giỏ hoa giả, làm thuê cho người ta, được đồng nào hay đồng ấy… - Hợi cụp mặt xuống.
- Chị quá giỏi và chu đáo để làm một Ô sin- Mợ chủ nhận xét, nhìn người giúp việc với ánh mắt chân thành - Chị khéo tay lắm…
Hợi gai người, biết bao lâu rồi chẳng có ai khen ngợi chị, với tình ý chân thành như thế. Chị nghèn nghẹn quay đi.
- Em nghĩ chị Hợi không phải là một Ô sin - Mợ chủ băn khoăn xoay xoay ly vang, nói với chồng. Chị ấy hiểu biết, khéo tay, cần mẫn, chu đáo không thể tin được. Tại sao chị ấy chịu làm Ô sin?
- Chắc có uẩn khúc gì… - Cậu chủ gật đầu - Chị ấy làm anh lo lắng…
- Anh lo gì?
- Lo rằng chị ấy sẽ không ở đây lâu, và chúng ta phải tìm người khác thay thế, lại một chuỗi vấn đề bất tận với Ô sin.
- Người như chị ấy, phải có một công việc xứng đáng chứ - Mợ chủ trầm ngâm nói - Dù rất thèm có được người giúp việc như vậy mãi mãi, nhưng em nghĩ sẽ tìm cho chị ấy việc khác.
- Cứ từ từ em ạ, phải biết rõ chị ấy đã - Cậu chủ ôn tồn nói - Chắc ta chưa đủ gần gũi để chị Hợi thổ lộ câu chuyện thực…
Hôm sau, mợ chủ ngỏ ý với chị Hợi, sẽ giúp chị làm thêm công việc mới, làm những mẫu hoa theo đơn đặt hàng, mợ sẽ giới thiệu với bạn bè để mọi người biết sản phẩm của chị.
Gợi ý của mợ chủ làm Hợi bàng hoàng, chị chợt nhận ra một con đường mình đã đi lạc.
Chị từng muốn trở thành một nghệ nhân với cơ sở riêng làm hoa giả từ mọi chất liệu, nhất là chất liệu phim nhuộm màu. Những cuộn phim cũ, hỏng, bỏ đi được chị gom lại, nhuộm màu và cho nó một cuộc sống khác, một cuộc sống rực rỡ của loài hoa.
Nhưng chị đã bỏ quên con đường ước mơ ấy, để rẽ sang con đường chồng con, chị bị quyến rũ bởi một bức tranh hạnh phúc truyền thống, để cuốn vào lối rẽ. Chị tạo nên một gia đình, để bám vào đó, cố tìm ý nghĩa sống của mình ở chồng, ở con, ở những người thân ấy trong gia đình mình tạo ra. Và rồi chị kinh hoàng nhận ra, đó không phải là ý nghĩa cuộc đời chị, chị đã sai lầm và đã tự kết liễu cuộc đời mình, chính xác từ khi chị rẽ vào lối đó.
Chị thực sự bị mù, khi không nhận ra dấu hiệu cảnh báo. Trong một lần to tiếng với chồng, anh độp thẳng vào mặt chị:
- Cô có biết cô đã biến thành thứ gì không? Cô soi lại xem: Cô đã trở thành một con mụ lắm điều, quàng quạc suốt ngày như quạ, sồ sề rối bời và tham lam. Suốt ngày mở miệng ra là đòi tiền chồng. Ác nghiệt với chồng con, lên giường thì lãnh cảm như khúc gỗ! Cô là thế đấy!
Chị chết sững người, choáng váng. Chị đã tưởng tượng về mình khác hẳn hình ảnh chị trong mắt chồng. Chị đã không nhận ra, rằng gia đình đã biến họ thành những người xấu xí.
“Em là cô gái có đôi mắt bồ câu, nước da đen giòn, giọng nói thật dịu dàng và bàn tay vẫy anh mềm mại biết bao. Trong những giấc mơ, anh thầm hôn bàn tay ấy”. Anh từng thốt lên với chị như vậy, hồi mới yêu.
Hợi bật cười lớn, chị ôm bụng, gập người lại để cười, chị dập đầu trên sàn bếp nhà chủ mà cười thật to, cười không dừng lại được.
Sau trận yoga cười ấy, Hợi phát ho. Chị mở tủ lạnh, uống từng ngụm nước buốt.
Chị bước tới bàn phòng khách, nơi lẵng hoa giả chị làm tặng mợ chủ được trân trọng đặt nơi đầu bàn. Mợ chủ nói gì nhỉ? Mợ ta nhìn thấy ước mơ của chị. Chị không phải là một Ô sin. Ước mơ ư? Như những bông hoa giả này, chúng lộng lẫy với một nhan sắc giả, một nhan sắc không linh hồn. Như một ước mơ chết yểu.
Truyện ngắn của Kiều Bích Hậu
Sau khi đoạt giải Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong từ những năm xa xưa, Kiều Bích Hậu cần mẫn làm báo theo kiểu riêng của mình, nhưng hình như nợ văn chương vẫn không rời được cô. Các tập truyện ngắn lần lượt ra đời: Đường yêu (2007), Sóng mồ côi (2010), Mây vàng (2011), Giải nhì truyện ngắn báo Văn Nghệ 2007 cũng thêm một sự khẳng định. Lên đời ô sin là một truyện ngắn viết có nghề, với sự hoạt ngôn và hoạt kê. Cái kết gọn và khéo, tránh được lối xuôi chiều mà kiểu văn này rất dễ rơi vào. |