“Cô gái Việt Nam” trong công viên bờ sông Hương.
Bức tượng cao 2,8m, nặng gần 5 tấn, làm bằng chất liệu ximăng trắng do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn (Việt kiều tại Úc, đã mất) thực hiện năm 1970 tại xưởng điêu khắc của ông ở Sài Gòn. Sau này, tượng được chuyển đến nhà dì của ông ở số 10 Lê Ngô Cát, Q.3, TPHCM (Khi đưa tượng vào sân nhà gia chủ phải phá dỡ một phần tường rào).
Ngày 8-2-2002 Lê Thành Nhơn gửi thư cho nhà giáo, dịch giả Bửu Ý, ký thác một việc cực kỳ hệ trọng: "Pho tượng “Cô gái Việt Nam” mình tạc vào năm 1970, đầu mùa chương trình thực hiện các tượng danh nhân Việt Nam. Ngôi nhà Nguyễn Du sau này thuộc về người Nhật. Pho tượng sẽ được chở về Nhật hoặc bị đập bỏ nhường chỗ cho xây cất của họ. Chính vì lý do này mà mình cầu được tượng ra khỏi nhà Nguyễn Du mà tác quyền vẫn được của mình.
Nay tóc Nhơn đã rụng sạch đầu. Thơ này viết cho Bửu Ý nói lời thăm hỏi nồng nàn và sâu xa nhứt. Và mình muốn nhờ Bửu Ý đưa dùm pho tượng cuối cùng này của Nhơn về Huế".
Nay, ký thác của Lê Thành Nhơn được những người tâm huyết với văn hoá nghệ thuật Huế thực hiện. Và đây quà tặng thứ ba dành cho Huế của Lê Thành Nhơn đúng vào dịp diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2011.
Lê Thành Nhơn đang chỉnh sửa mái tóc của “Cô gái Việt Nam”. |
Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đã sáng tác nhiều tác phẩm như bức tượng Quán Thế Âm bằng đồng đặt ở trung tâm ở Liễu Quán, TP.Huế; bức tượng Phan Bội Châu bằng đồng cao 3,5m đặt tại khu di tích cụ Phan Bội Châu TP.Huế; bức tượng Phật Thích Ca bằng ximăng cao 4,5m tại chùa Huệ Nghiêm. |