'Sến' đến từ đâu?

Cây đàn sến
Cây đàn sến
TP - Thương hiệu nhạc vàng phổ biến ở miền Nam Việt Nam cuối thập kỷ 1960 và thịnh hành đến 1975. Thời gian đó, Phó Quốc Lân, nhạc sĩ gốc Hà Nội thành lập ban Nhạc Vàng thuộc Đài Truyền hình Sài Gòn.

>> Sức sống của nhạc 'sến'

Cây đàn sến
Cây đàn sến.

Một số hãng phát hành băng đĩa ở Sài Gòn thời bấy giờ cũng cho ra hàng loạt sản phẩm gắn mác nhạc vàng. Nhạc vàng khi đó chỉ những bản tình ca theo thẩm mỹ đương thời, ngoài đề tài tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đương nhiên lồng vào những nội dung mang tính chính trị.

Vài tác giả tiêu biểu của nhạc vàng thời kỳ này: Trần Thiện Thanh, Anh Bằng, Nguyễn Văn Đông… Và cũng như bất kỳ dòng nhạc nào, có những bài nhạc vàng còn lại với thời gian, còn đọng lại trong người nghe hôm nay.

Trước đó, ở miền Bắc, khái niệm nhạc vàng được tiếp cận từ một nhãn quan khác. Theo Jason Gibbs - người Mỹ chuyên nghiên cứu âm nhạc VN, "nhạc vàng" nghĩa là "âm nhạc màu vàng" xuất xứ từ "hoangse yinyue"- một thuật ngữ trí thức cánh tả Trung Hoa dùng để gọi những tình khúc Thượng Hải thập kỷ 1930. Sau chiến thắng 1949, loại nhạc này đã bị loại như một tàn dư của tư sản Tây phương.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam nhắc đến nhạc vàng theo quan điểm phê phán vào đầu những năm 1950. Đối tượng phê phán là một số tác giả sau này được xếp vào thời kỳ tiền chiến, kể cả Văn Cao, Phạm Duy... Ngày nay, chắc chỉ những bản tình ca thực sự não nề, với cách hát lả lướt đặc trưng của Duy Khánh, Chế Linh, Thanh Tuyền… mới được gọi là nhạc vàng.

Không mấy ai tìm cách định nghĩa nhạc sến. Cách gọi này mang tính chủ quan nhiều hơn, trong đó sến có thể vẫn chỉ là tính từ. Nó thể hiện sự cảm nhận, và nhiều khi một thái độ đối với âm nhạc hơn là gọi tên một dòng nhạc.

Nếu ai đó bị kêu là sến, có thể họ sẽ có phản ứng tiêu cực. Ca sĩ Hương Lan, mấy năm trước phát biểu trên báo: "Tôi không biết những người hay dùng từ sến để chê một bài nào đó, họ có hiểu sến là gì hay không; hay cái gì không thích thì đều cho là sến. Cũng như từ cải lương vậy, đó là một loại hình nghệ thuật, sao mọi người có thể tùy tiện sử dụng mỗi khi muốn chê cái gì đó (sao sến quá, sao cải lương quá). Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại”.

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo cho rằng, từ "sến" bắt nguồn từ "sen" trong "con sen"- từ gốc Pháp vào những năm 1930-40 dùng để chỉ cô giúp việc ở miền Bắc. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan lại cắt nghĩa "sến" nguyên là "Maria Sến"- đọc theo lối Việt hóa tên nữ diễn viên người Áo Maria Schell.

Cô Schell trở thành hiện tượng ở các đô thị miền Nam đầu những năm 1960, sau khi thủ vai một vũ nữ hộp đêm hát múa một cách khiêu khích, bốc lửa trong phim Anh em nhà Karamazov - Hollywood dựng năm 1958 theo tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky.

Hoàng Phủ Ngọc Phan kể: "Lúc này bắt đầu xuất hiện những fan của Maria Schell. Trẻ em đường phố tập tành nhún nhảy bài Mambo Italiano. Các cô gái đợt sóng mới lăng-xê kiểu tóc xõa xượi, mắt xanh Bel, phô trương thân hình... Trên sân khấu phòng trà, mọc lên những ngôi sao ca nhạc gào thét, quằn quại như con thanh xà, bạch xà.

Từ Mari Sến thoạt tiên được dùng như một biến âm của Maria Schell để chỉ dạng biến thái này trong sinh hoạt của giới trẻ". Đáng chú ý rằng bài Mambo Italiano mà cô Sến Tây trình diễn không liên quan gì đến tốc độ của nhạc sến Ta. Cứ cho rằng "sến" có nguồn gốc từ phiên âm tiếng nước ngoài, nhưng chắc hẳn phải có một sự tương hợp với từ sẵn có trong nước thì người ta mới đọc Schell thành Sến chứ không phải thành Seo hay Cheo gì đó.

Hai cây đàn chủ lực trong trình diễn âm nhạc tài tử ở miền Tây Nam Bộ ngày nay là ghi ta phím lõm và đàn sến. Trong đó, đàn sến có thể coi là "người phát ngôn" lâu đời và chủ chốt của dòng nhạc tài tử. Nó có mặt cả trong dàn nhạc tuồng.

Trong khi ghi ta phím lõm mới chỉ được khoét phím và có mặt trong dàn nhạc tài tử cải lương cuối những năm 1930, theo Lê Đình Bích: "Đàn sến ba dây nguyên thủy có nguồn gốc từ Tần Cầm (cây đàn của đế chế Tần Thủy Hoàng, 221 - 207 TCN).

Tiếng Hoa phát âm Tần Cầm là Xỉn Xỉn (Qin Qin), vì vậy âm sến là biến âm của tên cây đàn do người Hoa mang theo trong quá trình nhập cư vào miền Tây Nam Bộ. Tần Cầm còn được gọi là Mai Hoa Cầm vì bầu đàn hình hoa mai sáu cánh, cần đàn có 12 phím, trong khi đàn sến 2 dây, cần đàn có 14 phím".

Rất có thể thuở xưa, khi nghe một bản đàn tài tử cải lương chơi bằng đàn sến thật hay, người nghe đã thốt lên: "Chơi thế này mới gọi là sến!". Và sến đã trở thành tính từ đồng nghĩa với mùi mẫn, tình cảm, đi vào lòng người.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.