Từ điển BKVN: Nhiều sai sót nghiêm trọng, vì đâu?

Từ điển BKVN: Nhiều sai sót nghiêm trọng, vì đâu?
TP - Tại sao có tình trạng trên? Nhiều nhà chuyên môn khi được hỏi đều viện dẫn sự mất đoàn kết kéo dài của Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn TĐBKVN (HĐQG).
Từ điển BKVN: Nhiều sai sót nghiêm trọng, vì đâu? ảnh 1
“Từ điển Bách khoa Việt Nam” là bộ sách mà nhiều bạn trẻ thường phải vào các thư viện, hiệu sách lớn để tra cứu  ảnh: Phạm Yên

“HĐQG thường xảy ra kiện cáo, mất đoàn kết trong công tác quản lý, điều hành”, GS Phạm Như Cương, thành viên ban thường trực, HĐQG, phát biểu.

Từ ngày thành lập, HĐQG có ít ngày bể yên sóng lặng. HĐQG thường chia làm hai chiến tuyến, một bên là thiểu số do Chủ tịch HĐQG, GS Hà Học Trạc, đứng đầu và bên kia là đa số thành viên HĐQG.

Ngày 25/1/2006, nhóm 17 nhà khoa học trong HĐQG ký tên vào đơn thư kiến nghị đầu tiên trong lịch sử 19 năm tồn tại của HĐQG gửi Thủ tướng Phan Văn Khải tố cáo một số hành vi của GS Hà Học Trạc.

>> Kỳ 1: 6 nhóm sai sót điển hình

>> Kỳ 2 :  Vì đâu nên nỗi ?

Một trong các bức xúc được các nhà khoa học đề cập đến là tài chính. Trong vòng 19 năm, từ năm 1987- 2005, “với kinh phí hàng chục tỷ đồng, trong đó chỉ một phần bồi dưỡng cho lao động khoa học, mới hoàn thành được một công trình khoa học như vậy” và điều đó cho thấy cả “mô hình tổ chức, phương thức biên soạn, điều hành khoa học, và cả vấn đề nhân sự, đều bộc lộ nhiều hạn chế, nhược điểm cần rút kinh nghiệm”.

Một thành viên tham gia biên soạn mục từ kinh tế phàn nàn, để biên soạn được một mục từ, phải tra cứu, tìm hiểu rất nhiều nguồn và xử lý một khối lượng lớn công việc. “Thế mà mỗi mục từ, chúng tôi chỉ được trả 20.000 đồng”, bằng nhuận bút trả cho một tin đăng ở một tờ báo nhỏ. Trên 30 tỷ đồng bố trí cho bốn cuốn TĐBKVN, thử hỏi, số tiền lớn đó đi đâu hết?

Trong khi đó, chỉ để làm đề tài về phương pháp luận của Bách khoa Thư Việt Nam với nội dụng chủ yếu là sẽ làm cuốn Bách khoa thư Việt Nam thế nào, GS Hà Học Trạc cho chi 800 triệu đồng. Chỉ đến khi chi hết 600 triệu đồng cho đề tài, người ta mới phát hiện Chủ tịch HĐQG chỉ đạo chi “không theo thủ tục thông thường của công tác tài vụ là phải quyết toán lần chi trước rồi mới được cấp lần chi sau”.

Tôi là thủ trưởng

Khác với chế độ thủ trưởng ở các tổ chức khác, theo Quyết định Số 239/1998/QĐ-TTg do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 4/12/1998 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQG, HĐQG “làm việc theo nguyên tắc dân chủ, quyết định theo đa số hay theo tỷ lệ quy định trong quy chế và phân công trách nhiệm rõ ràng.

Các phiên họp toàn thể của Hội đồng có thẩm quyền cao nhất quyết định mọi công việc của Hội đồng...”. Các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, vì thế, bao giờ cũng gửi cho tập thể, “Kính gửi : HĐQG”, chứ không bao giờ ghi gửi cho cá nhân người đứng đầu HĐQG.

Nhưng không hiểu sao, sau mỗi lần tranh cãi với các thành viên HĐQG, GS Hà Học Trạc luôn kết luận bằng câu “Tôi là thủ trưởng. Tôi quyết định mọi việc và tôi chịu trách nhiệm”. Trong buổi tiếp xúc gần đây, người viết bài này cũng có cơ hội nghe câu đó từ GS Trạc.

Chính từ việc thực hiện không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo đơn thư của 17 nhà khoa học đầu ngành, cách hành xử của GS Hà Học Trạc khiến “Ban Thường trực HĐQG gần như bị tê liệt, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ bị vô hiệu hóa và cơ quan HĐQG lâm vào tình trạng mất ổn định, gây ảnh hưởng xấu đến thanh danh HĐQG”.

Trong cùng một tầng ba toà nhà năm tầng tọa ở số 109 phố Quán Thánh, Hà Nội, mấy năm qua, nhất là từ đầu năm 2005 đến nay, khoảng thời gian kết thúc hoạt động của HĐQG với hàng đống việc cần xử lý, các thành viên của HĐQG liên hệ với Chủ tịch HĐQG theo cơ chế đặc biệt. Họ viết thư hoặc gặp nhau theo nhóm cá nhân một. Sau đó, Chủ tịch HĐQG quyết mọi việc.

Không tổ chức họp Ban Thường trực HĐQG, không tham khảo ý kiến của tập thể, GS Hà Học Trạc đơn phương xử lý công việc khiến nhiều thành viên trong HĐQG bất bình.

Điển hình của mất đoàn kết có lẽ là việc tuyển dụng ông Phùng Ngọc Tấn, cán bộ công an làm công tác phòng chống ma tuý ở Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội, về HĐQG từ năm 2004 sau khi làm một vài thao tác để được tiếng là có tuân thủ quy chế dân chủ.

Trước phản ứng gay gắt của các thành viên thường trực, ngày 18/10/2004, GS Trạc làm một báo cáo giải trình gửi Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Mở đầu và kết thúc báo cáo đều thấy có câu “Thay mặt Hội đồng” và “Hội đồng xin báo cáo”.

Song thực chất đây là báo cáo của cá nhân Chủ tịch HĐQG mà không hề dựa trên ý kiến tập thể nào. Báo cáo “thay mặt HĐQG” ấy không quên đề cập “đồng chí Phùng Ngọc Tấn luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc được giao, các công việc Hội đồng có nhiều chuyển biến tốt”.

Trong khi đó, đơn thư tập thể của 17 nhà khoa học gửi Thủ tướng Phan Văn Khải đầu năm 2006 lại viết, từ khi ông Tấn về làm quyền Chánh Văn phòng và được giao làm chủ tài khoản cấp I, “nội bộ Văn phòng Hội đồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn gay gắt về xử lý, bãi miễn, điều động, về bổ nhiệm cán bộ không đúng quy chế của HĐQG và pháp luật nhà nước, nhất là đối với một số cán bộ biên tập chủ chốt trong phòng khoa học xã hội nhân văn và phòng khoa học- công nghệ.

Những việc làm sai trái đó làm một số cán bộ bất bình, gửi đơn thư khiếu nại lên Chủ tịch HĐQG nhưng không được giải quyết theo đúng luật. Họ buộc phải gửi đến các ủy viên thường trực và một số ủy viên hội đồng và khiếu nại lên cả cấp trên.

Cũ chưa xuôi, mới có lọt?

Khi được hỏi có bán TĐBKVN không, hầu hết chủ các hiệu sách nhỏ, sách vỉa hè quả quyết không tiêu thụ loại sách này vì không có người mua. Một số nhà sách lớn có bán nhưng số lượng hạn chế và không trọn bộ. Việc đứa con tinh thần không gây được sự chú ý của dư luận lại khiến nhiều thành viên ban soạn thảo vui.

Đính chính

Trong bài “Từ điển Bách khoa Việt Nam - Nhiều sai sót nghiêm trọng, vì đâu? - Kỳ II” đăng trên Tiền Phong thứ Sáu, số 70 ngày 7/4/2006, có đoạn “Ông Trần Thọ Kim, Phó ban Kinh tế HĐQG, nói: “GS Trạc có tổ chức họp đâu mà biết chúng tôi không tới”.

Đoạn đó xin đọc lại là : “Ông Trần Thọ Kim, nguyên Phó Ban Biên tập sách, NXB Chính trị Quốc gia, nói : “GS Hà Học Trạc có tổ chức họp đâu mà các ủy viên HĐQG đến họp”.

Tác giả chân thành cáo lỗi ông Trần Thọ Kim và độc giả.

“Độc giả không đọc lại mừng”, một nhà khoa học nói, “TĐBKVN là loại sách công cụ của các loại sách công cụ, là chuẩn mực để các loại sách khác học tập. TĐBKVN sai nhiều như thế, không đọc còn tốt hơn”.

Theo nhiều nhà khoa học tham gia biên soạn từ điển, nguyên nhân dẫn đến sai sót có nhiều bao gồm cả chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân khách quan là thiếu chỉ đạo sát sao của nhà nước. “Nhà nước đầu tư nhiều nhưng lại theo kiểu khoán trắng”, ông Trần Thọ Kim nói, “Một hội đồng khoa học mà lại có con dấu quốc huy giống như một bộ chức năng.

Sản phẩm do nhà nước khoán trắng vô thời hạn, năm này làm không xong thì sang năm khác. Kinh phí do nhà nước rót trong khi sản phẩm do xã hội, tức là do độc giả, nghiệm thu và đánh giá sau khi sách đã xuất bản”.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sai sót là do yếu tố chủ quan. Nhiều năm qua, HĐQG hoạt động theo phương pháp lãnh đạo kiểu hành chính của các cơ quan chức năng thông thường, mọi việc đều áp đặt theo mệnh lệnh của thủ trưởng. Trong khi đó, các cộng tác viên là những người làm việc theo chế độ tự nguyện.

Chính kiểu lãnh đạo áp đặt khiến cho nội bộ HĐQG thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn ảnh hưởng đến chất lượng của cuốn sách. Trong lúc mớ bùng nhùng của HĐQG chưa được tháo gỡ, trong lúc nhiều người băn khoăn về chất lượng của sản phẩm TĐBKVN, đương kim Chủ tịch HĐQG lại ráo riết hình thành bộ máy mới để bắt tay xây dựng bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam đầu tiên 24 tập với 30.000 mục từ thuộc 24 chuyên ngành và tổng kinh phí cỡ 50 tỷ đồng.

Như để bố cáo cho kế hoạch này, GS Hà Học Trạc cho ấn hành cuốn “Lịch sử- Lý luận và thực tiễn biên soạn bách khoa toàn thư”. Cuốn sách mang tên ông không thông qua Ban Thường trực HĐQG và hoàn thành sau khi xài một tỷ đồng từ ngân quỹ HĐQG. PGS Bùi Đình Thanh, Trưởng Tiểu ban Lịch sử, từng có bài phản ánh về chất lượng cuốn sách đăng trên báo Tiền Phong số 43 ngày 1/3/2006.

Lấy gì đảm bảo bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ không chứa đựng sai sót và sai sót ấu trĩ như đối với TĐBKVN nếu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó không được mổ xẻ và giải quyết dứt điểm? 

Lấy gì đảm bảo bộ máy mới hoạt động hiệu quả khi bộ khung của nó được hình thành từ những ý tưởng thiết kế của người đứng đầu HĐQG nhưng không tìm được tiếng nói chung và sự ủng hộ không ít nhà khoa học lão thành?

Chỉ riêng việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ vốn rất thông thường đến giờ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Không ít ủy viên hội đồng “quyết làm cho ra nhẽ” việc này. Còn GS Trạc không dưới một lần tái khẳng định “Chuyện đó kết thúc rồi”.

Thực ra, nhiều người bảo, chuyện chưa thể kết thúc được.

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.