Nhái phong cách tranh: Phải có luật đủ mạnh!

Nhái phong cách tranh: Phải có luật đủ mạnh!
TP - Sau loạt bài về chuyện nhái phong cách tranh trên báo Tiền Phong, khá nhiều họa sĩ đã mong muốn tiếp tục được góp tiếng nói rõ ràng, thẳng thắn xung quanh vấn đề này.
Nhái phong cách tranh: Phải có luật đủ mạnh! ảnh 1
Người đàn bà và bình hoa cúc.Tranh của Degas (Tranh chỉ có tính minh họa)

Nhiều nghệ sĩ đề cập đến góc độ pháp lý và vai trò của nhà quản lý...

Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Có gallery đã nhờ tôi vẽ theo kiểu một họa sĩ Hồng Kông

Chuyện ai nhái phong cách tranh của ai, gallery nào dung túng cho việc này thì trong giới mỹ thuật lâu nay, ai cũng biết rõ cả rồi nên theo tôi, người nào làm việc đó nên biết xấu hổ thì hơn là lên tiếng cãi vã.

Mục đích của kẻ nhái phong cách tranh khác với mục đích của người chịu ảnh hưởng phong cách ở chỗ: Kẻ nhái muốn kiếm tiền nên phải trưng mình ra các gallery thương mại, còn người ảnh hưởng là muốn tìm kiếm con đường sáng tạo của riêng mình nên thường lặng lẽ làm việc.

Bản thân tôi cũng chứng kiến nhiều cảnh nực cười xung quanh chuyện tranh nhái phong cách này ở một vài gallery. Cũng có gallery từng đề nghị tôi vẽ theo kiểu của một họa sĩ trừu tượng Hồng Kông khi đó đang bán chạy trong thị trường khu vực.

Tôi trả lời họ bằng cách vác tất cả tranh đang gửi bán ở đó về nhà. Suy cho cùng, những kẻ nhái tranh người khác thật đáng thương vì họ đã tự tước đoạt đi quyền được sáng tạo của chính mình.

Để giải quyết được chuyện này, tôi nghĩ cần phải có một hành lang luật pháp nghiêm minh đối với việc kinh doanh mỹ thuật. Thực tế, ta chưa có hành lang như thế nên cũng rất cần tiếng nói mạnh  mẽ của dư luận, của giới mỹ thuật để góp phần khiến cho những kẻ mạo danh nghệ sĩ phải thấm thía sự xấu hổ.

Họa sĩ Quách Đông Phương: Tôi đã từng suýt đánh nhau với một chủ gallery nhái tranh

Chuyện tranh nhái phong cách đã xảy ra từ khá lâu nay ở Việt Nam. Việc sao chép tranh công khai ở dọc những phố kiểu như Nguyễn Thái Học, Hà Nội, chẳng hạn thì thôi, ta không cần bàn đến.

Đáng nói hơn cả là chuyện các gallery “nuôi” một nhóm người cũng tốt nghiệp các trường mỹ thuật chuyên “nhái phong cách tranh” của những họa sĩ đã có danh phận. Thế nào là nhái ư? Không cần phải bàn cãi về chuyện này vì chỉ nhìn thoáng qua, người trong nghề biết ngay.

10 năm trước đây, tôi và họa sĩ Lê Thiết Cương suýt nữa thì đánh nhau với một chủ gallery vì dám làm chuyện đó với tranh của Cương, nhưng nay thấy tình trạng đó phổ biến quá nên nghĩ tốt nhất là tránh sang một bên.

Tôi cho rằng có khoảng 10 gallery - trong số hàng trăm nơi treo biển gallery ở Hà Nội - được xem là thuộc đẳng cấp cao hơn thì không dưới 50% số đó đã và đang dính dáng đến chuyện tranh nhái phong cách này.

Trong TP HCM có lẽ số gallery dính líu đến còn nhiều hơn. Một thực tế cần phải biết là đa phần người nước ngoài khi mua tranh của Việt Nam đều không nhớ tên họa sĩ, mà chỉ nhớ đến dạng tranh họ thích, họ cần.

Vì thế, các chủ gallery còn ngang nhiên nói với khách rằng kẻ nhái phong cách mà họ đang “nuôi” mới là họa sĩ sáng tạo thực sự!... Báo chí tạo nên dư luận về chuyện này cũng rất tốt cho giới mỹ thuật nhưng có lẽ thật khó để giải quyết được cho rốt ráo (và tôi muốn tránh là vì thế, gallery nào làm bậy thì, tôi không hợp tác nữa).

Phải có một hệ thống luật pháp đủ mạnh, đủ sức nặng mới giải quyết được vấn đề. Mỗi một họa sĩ đã thành danh rồi phải có một luật sư riêng để bảo vệ nghệ thuật và quyền lợi của mình thì may ra mới xóa sạch được tình trạng thật giả lẫn lộn này.

Họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm: Tôi cảm thấy xấu hổ vì cũng là một họa sĩ

Cuối năm ngoái tại Hội chợ nghệ thuật Singapore (ArtSingapore, 29/9 đến 3/10/2005), tôi đã chứng kiến một chuyện: một chủ gallery người Mỹ chuyên sưu tập tranh Đào Hải Phong, còn in cả tranh của anh lên danh thiếp, đã lớn tiếng với chủ một gallery ở Hà Nội- vì trong gian hàng của gallery này có bày tranh nhái phong cách Đào Hải Phong một cách quá rõ ràng.

Lúc đó, tôi cảm thấy xấu hổ thay vì mình cũng là một họa sĩ, một người Việt. Tôi tin rằng đề cập đến chuyện này với 100 họa sĩ thì chắc chắn, 99 người cảm thấy bức xúc. Hội họa giống như một thánh địa nên tôi cho rằng trước tiên, họa sĩ không thể im lặng trước những biểu hiện làm nhơ bẩn thánh địa của mình, làm cho mình phải xấu hổ với thiên hạ.

Họa sĩ Vũ Bích Thủy: Các nhà quản lý văn hóa – nghệ thuật cũng cần lên tiếng

Nói về việc thế nào là nhái phong cách thì tôi chỉ cần cô đọng thế này: Trên báo Tiền Phong số 47 (ngày 2/3/2006) có đăng 4 bức tranh, hai bức của anh Đào Hải Phong, và hai bức của Nguyễn Văn Đức. Nếu bịt tên của người vẽ lại thì tôi nghĩ đó là tranh của một người.

Thêm ý kiến của nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương trên Tiền Phong số báo 50 (ngày 10/3/2006) thì quả là xác đáng rồi. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Cá nhân tôi nghĩ đến vấn đề giáo dục cho người làm nghệ thuật.

Làm thế nào khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ thấm hiểu được sự cao quý của nghề này để không bán rẻ nó cho đồng tiền mới được. Đến một lúc nào đó, những kẻ nhái phong cách không thể kêu ca về sự nghèo thiếu kinh tế để làm bậy với nghệ thuật.

Tôi nghĩ rằng không chỉ có giới họa sĩ chúng tôi, chính các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, các nhà lý luận phê bình nghệ thuật cũng cần phải lên tiếng về thực trạng này để chính quyền nhà nước biết rõ hơn nữa và tiến tới thiết lập một hành lang pháp lý bảo vệ được quyền lợi cho người làm nghệ thuật, bảo vệ được sự lành mạnh của môi trường làm nghệ thuật ở Việt Nam.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải: Chúng ta còn nghèo ý tưởng và thiếu lòng tự trọng

Nghe chuyện này tôi cũng thấy buồn. Song theo quan điểm của tôi, những gì mà báo Tiền Phong vừa đề cập đến là những chuyện không đáng bàn. Đó chưa thể được gọi là nhái phong cách được vì phong cách là câu chuyện của cả một đời người làm nghệ thuật.

Có lẽ chỉ nên gọi đó là nhái motif mà đã là nhái motif thì không đáng để bàn; đó chỉ là chuyện tự ái cá nhân mà thôi. Khi một họa sĩ nhúng nghệ thuật của mình vào thương trường thì phải chấp nhận sự cạnh tranh, nhất là cạnh tranh không lành mạnh.

Nhái motif là một dạng cạnh tranh không lành mạnh mà thôi. Cái đáng bàn hơn, theo tôi, phải là nhái ý tưởng, là ăn cắp ý tưởng, là lòng tự trọng nghề nghiệp. Tôi phải nói rằng một số người làm nghệ thuật hiện nay nghèo ý tưởng và thiếu lòng tự trọng.

MỚI - NÓNG