Bùi Ngọc Tấn: Vẫn "Sống để kể lại"

Bùi Ngọc Tấn: Vẫn "Sống để kể lại"
TP - Như Marquez (Sống để kể lại là tên hồi ký của G. Marquez). Và như ông tự hứa với mình từ khi cầm bút trở lại sau 27 năm im lặng. Tháng Ba, Bùi Ngọc Tấn ra mắt tiểu thuyết mới Biển và chim bói cá bằng cuộc tọa đàm ở Hà Nội.

Tháng Tư thì bận bịu cho chuyến tham quan nước Mỹ một tháng theo lời mời của Trung tâm William Joiner. Cuộc trò chuyện với nhà văn sau tọa đàm và trước ngày ông lên đường.

Bùi Ngọc Tấn: Vẫn "Sống để kể lại" ảnh 1
Đọ sức với người Đức ở Munich  (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thưa nhà văn Bùi Ngọc Tấn, dạo này sức khỏe ông ra sao?

Cảm ơn chị. Năm nay tôi 76 tuổi. Thất thập kê nguyệt. Các cụ nói vậy nhưng tôi chẳng tính ngày, tính tháng, tính năm. Nghĩa là cứ sống. Sống vui. Làm được đến đâu thì làm. Tôi bằng lòng với sức khỏe của tôi. Cuộc sống gian nan vất vả là thế. Vẫn giữ được thân xác như thế này là tốt rồi.

Tôi cố giữ lấy cái đầu. Cũng suy thoái nhiều đấy. Nhiều lúc cứ lẩm bẩm một mình. Như lão già câu cá Santiago (Ông già và biển cả- PV). Lại còn quên nữa. Cái xa thì nhớ, cái gần thì quên. Nhưng chưa đến nỗi hỏng hẳn. Vẫn còn nhúc nhắc ngày ngày gõ máy được chữ nào hay chữ ấy.

Một thành tích đáng khoe là cai được thuốc lá. Viêm họng quá. Đành phải từ bỏ lý thuyết: Đời còn cái gì nữa ngoài điếu thuốc.

Ít gặp, nhưng mỗi khi gặp ông, tôi lại nhớ câu "Già mà biết sống già thì cũng hay lắm chứ" hình như Nguyễn Khải viết trong "Thượng đế thì cười". Nghĩa là một tuổi già an nhiên trầm tĩnh, đôn hậu, hài hước. Ông đã thật thanh thản sau quãng đời dài không bình yên?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh 1934 ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Phóng viên báo Tiền Phong 1954-1959. Tác phẩm xuất bản từ 1995 đến nay: Một thời để mất (Hồi ký 1995), Những người rách việc (Tập truyện ngắn 1996), Một ngày dài đằng đẵng (Tập truyện ngắn 1996), Chuyện kể năm 2000 (2000), Rừng xưa xanh lá (Chân dung văn học 2002), Biển và chim bói cá (Tiểu thuyết 2008).

Với tôi sống già hay sống trẻ cũng vậy thôi. Giống nhau và đều hay cả. Miễn là biết sống như một người phải sống. Trung thực. Nhân ái. Hài hước. Và làm việc...

Còn sống già, sống lâu với tôi là để thấy niềm tin của mình thành sự thật, để yêu đời hơn.

Tôi nhớ vào khoảng năm 1991-1992, Phùng Quán xuống Hải Phòng thăm tôi. Chia tay lần trước tóc còn xanh, gặp lại cả hai tóc đều bạc. Biết bao sóng gió trong quãng thời gian ấy.

Chúng tôi nói với nhau: "Phải sống dai". Nhưng chỉ năm sau Phùng Quán ra đi. Tôi cũng nói với Nguyễn Khải: "Phải sống dai". Khải còn nói thêm: "Sống dai là thắng". Cái lần gặp Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Hải Phòng tôi cũng chúc Đại tướng sống lâu, sống dai để... thắng.

Tôi không chỉ thanh thản trong tuổi già, mà còn không ngờ mình có được một tuổi già như đang có. Một tuổi già  vẫn còn nhiều nghi kỵ nhưng đầy sẻ chia, có thể nói, một tuổi già hạnh phúc.

"Biển và chim bói cá" vừa xuất bản có vẻ thủ pháp không có gì mới?

Tôi kể cuộc sống tôi đã sống, tôi đã chiêm nghiệm. Còn thủ pháp có bước phát triển đấy chứ. Một thứ tiểu thuyết không có cốt truyện. Biển và chim bói cá không có nhân vật chính. Tất cả đều bình đẳng. 

Nhiều người bảo tôi dùng thủ pháp cắt dán, rồi mảnh vỡ, rằng tôi đưa phóng sự vào tiểu thuyết, một thủ pháp hiện đại. Lại có người nói tiểu thuyết của tôi khó đọc...

Thực sự tôi chỉ muốn viết sao cho sát gần cuộc sống. Và mong độc giả đọc tôi không theo cách cũ.

Tọa đàm về cuốn này ở Hà Nội, ông triết lý: "Không có gì lỏng lẻo mà chặt chẽ như cuộc sống; và quan hệ giữa con người với nhau cũng vừa gắn bó vừa rời rạc". Ông có thể nói thêm về điều này?

Cuộc sống như chúng ta đang sống, hoặc như tôi chứng kiến và viết về nó là cuộc sống của những người bình thường, không chia thành tuyến này tuyến nọ như trong phim hình sự, hay như các tác phẩm cổ điển có Iago bên này Othello bên kia; có Javert và có Jean Val Jean.

Cuộc sống phổ biến của những người lao động hôm nay không rạch ròi tuyến tính. Nó nhờ nhờ, nó co giãn, những con người  khao khát một cuộc sống tối thiểu, thụ động, quanh quéo cò con để có thể tồn tại, để nhích lên một vài centimet và chờ đợi...

Điều gắn bó là cùng một mẫu số chung. Và rời rạc vì ai cũng loay hoay, bằng lòng với kết quả xoay xỏa của mình. Lỏng lẻo mà chặt chẽ cũng là thế.

Nhớ lại, năm 2000 ở Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 6, Bùi Ngọc Tấn là nhân vật “hot” nhất. Được biết chuyện, trước đại hội, một lãnh đạo Hội Nhà văn có đến gặp ông và dặn dò, đến đó, Bùi Ngọc Tấn không nên trả lời phỏng vấn, không phát biểu, cũng không tham luận?

Đại hội năm ấy thật sự làm tôi xúc động không thể nào quên.

Trước đại hội, có tin tôi bị tước quyền đại biểu. Một buổi, nhà thơ Hữu Thỉnh- Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (trong đại hội được bầu là Tổng thư ký) xuống Hải Phòng thăm tôi, đưa tôi một chai vang Pháp, một phong bì 100 nghìn đồng, chính thức thông báo rằng tôi vẫn là đại biểu đại hội (sau này Bằng Việt có nói với tôi, dự kiến không cho tôi dự đại hội là có thực) và yêu cầu tôi ba không như chị nói.

Tôi bảo Hữu Thỉnh: "Những điều muốn nói, sách mình nói cả rồi. Mình đi họp chỉ với mục đích lớn nhất là gặp lại bạn cũ. Nếu không, có thể đến lúc chết cũng không gặp được nhau".

Xin nói thêm về ba không. Nhà văn Nguyễn Khải có nói một câu rất hay: "Mười không cũng được. Sự có mặt của Bùi Ngọc Tấn đã là bản tham luận hay nhất đại hội". Thế nhưng thật lạ là, năm 2001, gặp Nguyễn Khải ở TPHCM với mấy người nữa, tôi cảm ơn anh về câu nói ấy, anh ráo hoảnh: "Không. Mình có nói thế đâu"!

Rộng ra, tình đồng nghiệp ở giới viết ra sao, nhất là khi ông bất đồ nổi tiếng?

99,9 phần trăm là tuyệt vời, là chia sẻ, là niềm vui chung. Nhưng cũng có những phản ứng thật không thể hiểu. Có người đặt điều, bịa chuyện nói xấu sau lưng.

Có người không thể nhìn mặt tôi... Đó là những người khi nhà anh mới sắm một chiếc ti vi cũng đồng nghĩa nhà anh ta mất cắp một chiếc ti vi. Nhưng thôi…

Trước kia ông không kỳ vọng, mất niềm tin vào giải thưởng chính thống- nhất là giải Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng rồi "Rừng xưa xanh lá" của ông nhận giải Hội Nhà văn Việt Nam 2005. Điều này chứng tỏ gì?

Chứng tỏ việc xét và trao giải không hoàn toàn sai lầm. Thật ra trong các tác phẩm được giải thưởng có những cuốn rất xứng đáng mà tiêu biểu là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, một tiểu thuyết làm vinh dự cho văn chương Việt Nam. Thế mà có thời người ta mở cuộc vận động để rút lại giải thưởng đó.

Trong nhiều hồi ký và truyện ngắn, ông kể về thời làm phóng viên Tiền Phong (1954-1959) như những ngày hạnh phúc nhất. Có phải chỉ vì đang tuổi 20…

Tuổi 20 bao giờ chẳng đẹp. Đất nước lại mới hòa bình. Xã hội tốt đẹp. Người ta được làm công việc mình khao khát. Người ta mơ ước. Người ta tin tưởng. Người ta yêu nữa. Một thời đã qua đẹp ngang thời thơ ấu....

Hồi đó ông viết gì? Một bạn văn của Bùi Ngọc Tấn nhận xét, hoàn cảnh ấy thì chỉ là những bài báo tầm phơ, nhưng công việc làm báo, đi nhiều đã cho ông cùng các bạn vốn liếng để viết văn và đó mới là cái được nhất.

Tôi viết về nông thôn. Đi nhiều. Ghi chép nhiều. Tập truyện ngắn đầu tiên Đêm tháng Mười (1962) là kết quả những năm tháng ấy. Nhưng đấy chỉ là kết quả phụ.

Cái chính tôi được khi làm phóng viên Tiền Phong là sống giữa những người bạn cùng lứa tuổi, cùng cách sống, cùng khát vọng đam mê, những Tất Vinh, Mạc Lân, Nguyễn Trí Tình, Vũ Lê Mai... Những ngày ấy, những người bạn ấy đã góp phần tạo nên tôi hôm nay.

Bây giờ ông có đọc Tiền Phong? Ông thấy báo so với thời của ông thế nào?

Tôi thường xuyên mua Tiền Phong. Cách làm báo, cách viết hiện nay khác xa thời chúng tôi. Tôi thèm được làm báo như các bạn hôm nay. Và khâm phục các bạn. Mới nhất là loạt bài điều tra về đất đai Hà Tây trước khi sáp nhập Hà Nội thu hút tôi và đông đảo bạn đọc.

Ông từng lấy làm tiếc, lẽ ra đã ở thủ đô thì cứ "Sống mãi với thủ đô". Như Nguyên Hồng - tự dưng đùng đùng đưa vợ con về Nhã Nam. Giờ ông còn tiếc nuối điều gì?

Thủ đô bao giờ cũng là thủ đô dù có thế nào chăng nữa. Nghe theo lời khuyên của Đảng, của các nhà văn đàn anh, tôi rời Hà Nội về Hải Phòng để thâm nhập thực tế, thâm nhập công nông, viết tác phẩm của đời mình. Tôi đã phải sống cạn một kiếp tôi để rồi viết về chính nó.

Giao lưu với bạn đọc ở Viện Goethe, ông kể, ông viết đúng như mình nghĩ, không pha chế, không thêm xi rô.  Trong trang viết cũng thấy ông ghét nhất sự giả dối. Vương Sóc- nhà văn và nhà phê bình hiện đại Trung Quốc mô tả bức tranh xã hội Trung Quốc là "nói dối đi nói dối lại, không biết thành thật là thế nào". Ngày nay, giả dối nhiều hay ít hơn thời của ông?

Liều lượng nói dối thời trước ít hơn, nhưng nó chính là căn nguyên của bệnh nói dối trắng trợn hôm nay. Trong một cuốn sách, tôi đã viết: "Chúng ta đã quen nghe những lời dối trá để qua đó biết được sự thật".

Và dường như có bớt đi "những người phụ trách cuộc sống" (chữ của Trần Dần)? Nên những bi kịch kiểu Bùi Ngọc Tấn chỉ còn là chuyện quá khứ?

Tôi mong rằng nó bớt đi.

Cảm ơn và chúc sức khỏe nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

MỚI - NÓNG