Tác giả và bài thơ viết bằng tiếng Trung |
Vào một chiều cuối năm, chị gọi điện cho tôi từ thành phố Đài Bắc, nơi chị đã sống và làm việc ở đó bốn năm rồi. Chị nói với tôi chị vừa được giải trong cuộc thi khéo tay hay làm do Hiệp hội những người lao động nước ngoài ở Đài Loan tổ chức. Chị không phải là một nghệ nhân, càng không phải là một nhà điêu khắc. Tác phẩm dự thi của chị là một sản phẩm gốm sứ nghệ thuật do chính chị làm ra.
Khi phải chứng kiến cảnh sống cùng cực và bất hạnh của một số phụ nữ Việt Nam đi làm dâu xứ người và mới đây là của những người lao động Việt Nam ở Madives trong một video clip, tôi mới thấy chị là người may mắn.
Chị đến Đài Bắc bốn năm trước để giúp việc cho một gia đình. Và đó lại là một gia đình trí thức Đài Bắc. Ông chủ là giáo sư đại học còn vợ ông là nghệ sỹ tạo hình. Ông bà chủ nhà đã khuyến khích chị học tiếng Hoa. Họ nói cho chị nghe về nghệ thuật và ý nghĩa cuộc sống con người.
Bà chủ nhà đã dạy cho chị cách làm những đồ gốm sứ nghệ thuật. Bởi thế, tôi không hề ngạc nhiên khi nghe tin chị được giải cho một tác phẩm gốm sứ nghệ thuật.
Khoảng nửa năm trước, chị cũng gọi điện cho tôi vào một cuối chiều, xúc động báo cho tôi biết chị vừa đoạt giải nhất trong một cuộc thi thơ dành cho những người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Đài Loan. Rồi chị đọc cho tôi nghe bài thơ ấy qua điện thoại.
Chị tha thiết nhờ tôi hãy góp ý cho chị về bài thơ đó. Nhưng tôi đã không có ý kiến gì. Bởi lúc đó, tôi thấy rằng tôi không được phép can dự cho dù thô thiển hay tinh tế vào niềm vui của chị, vào một tâm hồn đang tràn ngập yêu thương cuộc sống này. Bởi những bài thơ chị viết ra khác hoàn toàn với nhiều bài thơ của những người mang danh nhà thơ như tôi.
Những bài thơ của một khát vọng sống, khát vọng yêu thương vô bờ và trong sáng lạ kỳ. Những bài thơ của chị chính là hành động sống của chị. Chúng đồng nhất với chị, không có khoảng cách và sự khác nhau giữa bài thơ và đời sống của tác giả như rất nhiều những bài thơ của các nhà thơ chúng ta. Chính vì thế mà tôi không góp ý. Sẽ rất hài hước và thảm hại khi chúng ta góp ý niềm vui, góp ý ước mơ hay góp ý sự chân thành của người khác. Tôi đã thô thiển nghĩ như vậy.
Phạm Thị Tường đứng giữa, ôm hoa nhận giải thưởng |
Một năm trước, tôi đến Đài Loan dự Liên hoan thơ quốc tế ở Đài Bắc. Ngay buổi chiều vừa đặt chân đến Đài Bắc, Ban tổ chức đã đưa cho tôi tập tuyển thơ của các tác giả tham dự Liên hoan thơ in chủ yếu bằng hai thứ tiếng : Anh và Hoa. Trong đó có một số bài thơ ghi rõ : Thơ của các tác giả là người lao động nước ngoài. Và tôi đọc thấy một cái tên : Pham Thi Tuong. Tôi biết đó là tên của một người Việt Nam. Nhưng tôi chẳng có thêm thông tin gì về tác giả.
Và cho đến ngày cuối cùng của Liên hoan Thơ thì tôi gặp người có cái tên ấy. Đó là một người đàn bà Việt Nam đang giúp việc cho một gia đình ở Đài Bắc. Chị tên là Phạm Thị Tường. Khi người dẫn chương trình giới thiệu chị lên đọc thơ thì tôi mới biết chị có đến. Một phụ nữ thùy mị mỉm cười và bước lên sân khấu.
Chị giới thiệu về bản thân mình bằng tiếng Hoa. Rồi chị ngâm bài thơ do chị sáng tác. Đây là cách ngâm thơ truyền thống của Việt Nam. Bài thơ nói về hai người mẹ : một người mẹ Việt và một người mẹ Đài Loan. Người mẹ Đài Loan ấy chính là bà chủ nhà nơi chị đang giúp việc.
Tôi đã đến chào và chúc mừng khi chị ngâm xong bài thơ. Chị rất xúc động và rất vui khi gặp tôi, một nhà thơ Việt Nam. Nhưng chị đâu biết rằng: tôi xúc động và vui hơn cả chị. Bởi lúc đó, tôi lại nhận ra một lần nữa rằng: Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung vẫn còn nguyên vẹn sự kỳ diệu và uy quyền của nó. Nó vẫn làm cho những đời sống cho dù tăm tối và đói rét nhất được tỏa sáng và trở nên thiêng liêng.
Và chị, Phạm Thị Tường, là một ví dụ. Một người giúp việc đã bước lên trên cùng một diễn đàn để đọc thơ cùng những nhà thơ quốc tế. Có phải người Đài Loan hay nói cụ thể hơn những người trong Ban tổ chức của Hiệp hội những nhà thơ Đài Loan đã "bình dân hóa" thơ ca hay họ đã coi thơ ca là một Lễ hội của mọi con người?
Phạm Thị Tường quê ở Hà Tĩnh. Nhà chị ở nông trường Thanh Hà. Chị đã từng làm công nhân ở nông trường này. Nhưng rồi chị bỏ nông trường, bởi công việc ở đây không thể giúp chị trang trải cuộc sống và nuôi con cái học hành. Suốt những năm tháng đó, đói nghèo luôn luôn ập đến với chị như một cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt.
Cuối cùng, chị đã phải cúi đầu lau nước mắt rời xa những người thân yêu đi làm nghề giúp việc ở xứ người. Trước khi đi, chị đã nghe đã đọc bao câu chuyện về số phận bi thảm của những người đi làm dâu hay làm người giúp việc xa xứ. Nhưng người chồng đau ốm của chị và những đứa con trông chờ vào chị. Chị phải đi cho dù nhiều lúc đầy sợ hãi.
Chị luôn nói với tôi chị là người may mắn. Bởi chị đã giúp việc cho một gia đình trí thức, nghệ sỹ. Nó làm chị thay đổi. Một thay đổi lớn lao. Cũng có bao người đi làm thuê như chị. Họ cũng được trả lương như chị, cũng tiết kiệm như chị, cũng được chủ nhà đối xử công bằng như chị. Và nhiều người sau khi trở về nước dù có thêm một khoản tiền thì cuộc đời họ vẫn u buồn. Bởi những đồng tiền kia không phải là phép thiêng đổi thay tâm hồn họ.
Nhưng chị khác họ ở một điều vô cùng quan trọng, đó là đã nhận ra ý nghĩa lớn lao đối với cuộc đời khi được sống trong một đời sống của văn hóa của một gia đình trí thức, nghệ sỹ tạo nên. Và khi nhận ra được đời sống tinh thần ấy chị thấy lòng mình đổi thay và mở ra một đôi cánh. Chị thấy cuộc đời không chỉ là những đồng tiền mà có một điều khác thật lớn lao và thật cần thiết cho cuộc đời chị. Đó là những giấc mơ đẹp và thiêng liêng về cuộc sống này.
Có lần tôi hỏi sao chị không cho xuất bản những bài thơ của mình để trở thành nhà thơ như rất nhiều người đang làm vậy ở Việt Nam. Tất nhiên hỏi vậy là tôi muốn hiểu chị hơn. Tôi muốn xem chị có giống bao người háo danh và ảo tưởng như tôi từng biết ở Việt Nam hay không. Tôi thực sự xin lỗi chị vì điều ấy.
Khi nghe tôi hỏi, chị hoảng hốt xua tay. Chị chỉ biết làm thơ khi trong lòng có những điều gì đó reo vang và những dòng chữ chị viết cho dù rất vụng về vẫn làm chị đổi thay. Chị thấy yêu và tin cuộc đời này hơn. Chị thấy những đày đọa của đói nghèo và những u uẩn vẫn trĩu nặng tâm hồn bỗng tan biến khi được đặt vào một môi trường văn hóa và chính văn hóa đã làm cho những giấc mơ đẹp đẽ thức dậy, tỏa sáng và làm tan đi những phần bóng tối đang phủ lên cuộc đời ấy.
Chị đã hết hợp đồng 3 năm, nhưng chủ nhà muốn chị ở với họ thêm 3 năm nữa. Chị đã đồng ý. Giờ chỉ còn 2 năm nữa là chị trở về nhà. Chị vẫn hàng ngày học thêm tiếng Hoa, vẫn viết những bài thơ từ những reo vang trong tâm hồn chị, vẫn học làm gốm sứ nghệ thuật…
Chị thừa biết rằng: những thứ đó không giúp chị kiếm được một đồng nào khi trở về nhà, nhưng nó làm cho tâm hồn chị đổi thay. Nó làm cho chị thấy rằng: Cuộc sống còn những lý do khác để con người sống có ý nghĩa nhất bên cạnh những đồng tiền.