GS Phan Huy Lê căn cứ bản đồ Hồng Đức và các sử liệu chữ viết, kể cả văn bia, địa chí, thơ văn, xác định một cách tương đối phạm vi của Cấm thành như sau:
Trung tâm của Cấm thành là điện Càn Nguyên/ Thiên An/ Kính Thiên, 3 điện đều xây dựng trên một địa điểm là Núi Nùng. Đoan Môn là cửa phía Nam của Cấm thành. Cột Cờ tức Kỳ đài do nhà Nguyễn xây dựng năm 1805 trên nền cửa Tam Môn là cửa phía ngoài cùng của Đoan Môn.
Chùa Diên Hựu tức Một Cột hiện còn ở vị trí phía Tây Cấm thành hay nói cách khác, giới hạn phía Tây của Cấm thành ở về phía Đông chùa Một Cột hiện nay. Khán Sơn là ngọn núi nằm ở phía ngoài gần cổng Tây Bắc của Cấm thành, nằm ở bên trong, vào góc Tây Bắc của thành Hà Nội, tức khoảng gần góc Phan Đình Phùng - Hùng Vương hiện tại...
Từ những di tích hiện còn lấy làm vật chuẩn hay chỉ giới của Cấm thành, có thể xác định được vị trí, qui mô và phạm vi tương đối của Cấm thành. Tính toán trên bản đồ số của thành phố Hà Nội hiện nay, nếu tạm coi Cấm thành có hình vuông thì mỗi cạnh là gần 700m.
Trên cơ sở đó, GS Phan Huy Lê đoán định khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu ở về phía Tây của điện Kính Thiên khoảng 100m, hoàn toàn nằm trong phạm vi Cấm thành, chiếm một diện tích phía Tây của Cấm thành.
PGS.TS Tống Trung Tín nói, ý kiến của GS Phan Huy Lê trùng với nghiên cứu của ông, đồng thời cung cấp thêm thông tin: Giới khảo cổ VN đang đào ở số 62-64 Trần Phú - Hà Nội, cũng phát hiện con đường hoa chanh thời Trần như đã tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. “Chúng tôi có suy nghĩ rằng, Hoàng thành còn rất rộng về phía Tây, vượt qua Thành cổ rất nhiều”, ông Tín nói.
PGS. TS Nishimura Masanari, Ths. Nishino Noriko (Trường Đại học Kansai - Nhật Bản) cùng PGS. TS Tống Trung Tín và TS Bùi Minh Trí (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cùng có chung tham luận khẳng định, vào thế kỷ 15, hướng kiến trúc lệch đi nhiều so với giai đoạn trước, còn công trình nhân tạo đào ao hồ hoặc kênh ở khu D3 và bồi đất ở phía khu D2 đều thuộc thế kỷ 17 và chứng tỏ có một sự quy hoạch lớn.
Điều đáng chú ý, hố D2 và D3 đều nằm phía Tây Bắc Hoàng thành. Vậy, sự phát triển về phía Tây của Hoàng thành Thăng Long đang dần được giới khoa học làm sáng rõ.
Hình ảnh 3D cho Hoàng thành
TS Olivier Tessier đến từ Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội cho rằng Hoàng thành Thăng Long nên xây dựng thành Công viên bảo tàng và khảo cổ học, trong đó gồm hai bảo tàng tại chỗ: một bảo tàng nhỏ khép kín và một bảo tàng lớn “mở”, phục dựng tháp Phật trắng (yếu tố tạo sức hấp dẫn gắn với lịch sử khu di tích), các trang thiết bị để đón tiếp khách tham quan (quầy bán vé, cửa hàng, khu vệ sinh).
Ông Olivier cũng đề xuất tái tạo hình ảnh 3D cho khu Hoàng thành. Từ năm 2004, EFEO đã tuyên bố sẵn sàng góp sức trong phạm vi khả năng và chuyên môn của mình, nay Viện này vẫn giữ nguyên tuyên bố.
PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng: Vấn đề bảo tồn đang rất nóng với di tích này. Một số nhà viễn thám đến đo đạc, chúng tôi hoan nghênh nhưng cũng cảnh báo liệu có hiệu quả và chính xác không khi 3 tầng văn hoá chồng lên nhau như thế, hơn nữa có giúp ích gì cho khảo cổ học không.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN nói: “Có những cái tưởng như đơn giản hoá ra lại rất phức tạp”. Ông nhắc một kỷ niệm ở Mỹ Sơn, khi che bằng tôn lại vô tình làm cho lớp gạch của tháp Chăm mủn nát nhanh hơn là không che mái.
Cuộc hội thảo hấp dẫn tới cả những phút đợi chờ vị chức sắc của Viện Khoa học Xã hội VN tới đọc lời bế mạc. Không có nhiều thời giờ dành cho trao đổi, thậm chí 41 tham luận gửi đến không thể đọc hết trong 2 ngày.
Giới khoa học VN thu nhận đáng kể từ cuộc này, nhất là xác định hướng Cấm thành chênh 40 59’ so với hướng mà khoa học VN xác định trước đây, biết thước đo xây dựng Hoàng thành của thời Lý là 29,9cm.
Sau 5 năm nghiên cứu, sử học và khảo cổ đã bóc tách riêng biệt thời Lý và Trần, hơn nữa với thời Lý chúng ta còn chia nhỏ ra ba giai đoạn đầu, giữa và cuối.
Từ những bàn luận về tường- thành, phân biệt tường và thành của từng thời đại sẽ gợi ý cho những nghiên cứu thú vị trong thời gian tới. Với cường độ quyết liệt, các nhà khảo cổ đã kịp phân loại 1.300 đồng tiền kim loại, đồng thời đưa ra một nhận thức mới: thế kỷ 15 Việt Nam không chỉ có gốm Chu Đậu mà còn có những lò gốm sứ ở Thăng Long.
Những bí mật của Hoàng thành Thăng Long đang dần được mở ra, và theo GS Phan Huy Lê, cần thêm những nghiên cứu, những hội thảo đa ngành, đa quốc gia để Hoàng thành Thăng Long hiện rõ dưới mắt người hôm nay.