Những cuốn sách gấp rút hoàn thành trong thời gian “thụ án” |
Thấy chúng tôi, nhà văn mừng rỡ khoe luôn: “Tớ vừa mãn hạn tù. Đã viết được 3 cuốn sách. Vào cả đây, làm một choóc mừng cho tớ”.
Ấy thế mà khi ngồi xuống ghế, nhà văn Trường Thanh lại say sưa kể về cái lần đi đóng vai ông đại tá, chính ủy trong bộ phim “Thị xã trong tầm tay”. Thực ra, nhìn kỹ nhà văn cũng có dáng “làm quan” ra phết.
“Viên đại tá” bất đắc dĩ
Rót chén rượu sóng sánh đưa cho tôi, nhà văn Trường Thanh bảo: “Năm nào cũng vậy, đúng dịp Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, anh em bạn bè văn chương lại gửi biếu rượu nếp hoa vàng.
Năm nay có một chuyện vui. Ngoài việc hết hạn tù, tôi còn được biết đến như… một người lính kiên trung! Mà là sĩ quan cao cấp kia nhé, Chính ủy chỉ huy mặt trận Lạng Sơn cơ mà!”.
Số là vào cuối thu năm 1981, Trường Thanh đang dạy học tại trường cấp 1-2 thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) thì một hôm, tại nhà riêng xuất hiện một xe com-măng-ca chở đầy người đến tìm ông.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh, xưởng phim truyện Việt Nam mang một cây thuốc lá “xịn” ra mời mọc: “Tôi nghe thấy anh em “trong làng” ở Hà Nội giới thiệu ông là người am tường về con người và mảnh đất xứ Lạng nên muốn ông giúp làm cố vấn kịch bản văn học cho bộ phim về mảnh đất Lạng Sơn”.
Nhà văn hồi tưởng và kể lại cho tôi nghe về “cái duyên” đến với điện ảnh lần ấy. Bộ phim “Thị xã trong tầm tay” dài chừng hơn 2 tiếng đồng hồ kể về một anh chàng phóng viên lên miền biên ải xứ Lạng giữa bom rơi, đạn nổ tìm người yêu là một cô gái người dân tộc Tày xinh đẹp.
Bộ phim là bản anh hùng ca về miền đất, con người Lạng Sơn thủy chung, bất khuất trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ quê hương, đất nước. Vai Đại tá, Chính ủy xuất hiện chừng mươi phút trong bộ phim, nhưng đòi hỏi người thủ vai này phải toát lên được sắc thái, gương mặt của người chỉ huy một cách quyết đoán, oai phong.
Riêng cảnh này, quay đi, quay lại mấy “đúp” vẫn không xong. Bỗng nhiên đạo diễn Đặng Nhật Minh nhìn nhà văn Trường Thanh hồi lâu rồi vỗ vai bảo nhỏ: “Hay ông giúp tôi nhé. Nom ông bệ vệ, cũng hợp đấy !”. Nào ngờ, thử vai “ăn ngay”.
Chỉ có điều, bộ quần áo “đại tá” có sẵn thì chật quá nên đoàn làm phim phải sang Tỉnh đội Lạng Sơn mượn tạm bộ quân phục của đại tá Hoàng Đình Kiu, Chỉ huy phó Tỉnh đội Lạng Sơn cho nhà văn Trường Thanh mặc. Hóa ra, hai người là họ hàng xa với nhau nên nom diện mạo lẫn dáng vóc cứ y như một.
- Nơi bấm máy là hang Tam Thanh (thuộc phường Tam Thanh, thị xã Lạng Sơn), lâu ngày không có người đến nên ẩm ướt, tối om. Vào vai “A lô chỉ huy” độ vài phút lại phải chui ra cửa hàng để thở.
Nhà văn Trường Thanh kể. Vai đại tá, chính ủy chỉ “diễn” vài động tác là đi lại nơi trụ sở chỉ huy tiền phương và thỉnh thoảng nghe điện thoại và ra lệnh cho các cánh quân.
Song việc thể hiện vai diễn ở gương mặt “ngài đại tá” nghiêm túc, mà không cương cứng là điều khó nhất. Nhà văn tâm sự: “Sau này, đạo điễn Đặng Nhật Minh hay gọi tôi là “Chính ủy” và được trả 50 đồng tiền vai diễn. Khao cả làng, mãi không hết!”.
Một thời gian ngắn sau đó, với niềm đam mê văn chương, Trường Thanh chuyển nghề lên thị xã Lạng Sơn làm công tác Văn học Nghệ thuật và sau này giữ cương vị là Chủ tịch Hội VHNT Lạng Sơn kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Lạng cho đến khi nghỉ hưu.
Ông đã xuất bản tất thảy 13 cuốn sách in chung và riêng, trong đó có “Kỳ tích Chi Lăng” và “Hoa trong bão” (đã được xây dựng thành phim truyện cùng tên) là hai tác phẩm được bạn đọc cả nước biết đến.
Tuy nhiên, nhà văn tâm sự: Nhớ nhất là 3 lần “duyên nợ” đến với sân khấu và điện ảnh. Lần đầu tiên, đang học cấp 3 Trần Phú (huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh), với cái “mẽ” phát tướng sớm nên Trường Thanh được chọn đóng vai Quận trưởng trong vở kịch “Viên quận trưởng”.
Các bạn trong lớp tung hô lắm và một nữ sinh cũng vì đó mà cảm mến. Đến năm 1982, báo Lạng Sơn có nhờ ông viết kịch bản về nhà báo ISaTacanô (phóng viên Nhật Bản) đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trên mảnh đất xứ Lạng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.
Bộ phim tư liệu, nghệ thuật mang tên “Hoa đưa hương nơi đất anh nằm” dài độ 47 phút do Trường Thanh viết kịch bản kiêm đạo diễn đã được đánh giá cao ở Nhật Bản.
Thế rồi, đùng một cái, ông “dính” vào vòng lao lý bằng một vụ án kinh tế và lĩnh án 3 năm tù treo. Khác với việc vào vai “Đại tá, chính ủy” oai phong, lẫm liệt, nhà văn Trường Thanh được giao cho chức Phó giám đốc một Cty THHH chuyên buôn bán “hợp đồng ma” lừa đảo tiền hoàn thuế của nhà nước.
Cuộc đời như một cuốn tiểu thuyết vậy. Khi tỉnh táo, nhận ra sự mánh lới, lừa lọc của người đời thì đã sắp về nơi cuối chân trời. Nhà văn Trường Thanh tâm sự nhỏ nhẹ với chúng tôi trong lúc trời chạng vạng tối.
Vượt lên để “tranh thủ” trả nghĩa cho đời
Căn nhà 71 phố Nguyễn Thái Học, phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) hiện là nơi nhà văn sinh sống và viết sách. Trong 3 năm “thụ án tại gia”, nhà văn Trường Thanh đã viết một mạch 3 cuốn sách. Cuốn thứ nhất mang tên “Một thời biên ải” (Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn xuất bản 2008), “Ngôi nhà của cha” (NXB Văn hóa Thông tin) và “Hương ngàn” (NXB Hội Nhà văn đang in).
Theo như nhà văn nói, ông viết để trả nghĩa cho anh em, bè bạn và bạn đọc. Tuy nhiên, những ngày đầu cũng không tránh khỏi những xao động, chán nản.
Giới văn nghệ sĩ trong, ngoài tỉnh xôn xao vì chuyện “nhà văn đi làm kinh tế” của ông. Có người nhìn nhà văn với con mắt khác lạ. Tuy nhiên, ông thấy việc mình ngừng làm việc là một tội lỗi.
Và thế là ngày - lẫn đêm trên gác xép nhỏ, lúc nào cũng đỏ đèn để ông tra cứu các tư liệu về lịch sử, xây dựng các tuyến nhân vật cách mạng sẽ xuất hiện trong trang sách của ông như: Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi, Hoàng Ngân.
Có những hôm, viết xong một chương tiểu thuyết, ông thấy người mệt mỏi thì chợt có tiếng gà gáy. Thì ra, trời đã sáng từ khi nào. Lại có lần vợ mang tô cháo nóng lên gác cho ông bồi dưỡng, khi dừng tay viết, tô cháo đã lạnh tanh.
Ông tâm sự, có dạo hay lên cơn sốt đột xuất, đang viết, bỗng cây bút rời khỏi tay rơi xuống trang viết nhòe mực. Ông biết mình đã có tiền sử bệnh áp huyết cao nên sợ nửa chừng, cuốn tiểu thuyết không hoàn thành trọn vẹn.
Khi biết câu chuyện Trường Thanh “cày” trên trang giấy suốt trên 1.000 ngày “cải tạo”, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã điện thoại đến nói: “Tôi tỏ lòng khâm phục ông, bởi với người khác, nếu không đột quỵ thì cũng suy sụp tinh thần. Nói để ông mừng, cuốn Hương ngàn, Thư viện Quốc gia dự kiến sẽ lấy 400 cuốn”.
Nhà văn Trường Thanh được coi là người chuyên viết mảng “Tiểu thuyết lịch sử”. Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu về danh lam, thắng cảnh và những nhân vật có tiếng ở xứ Lạng.
Ông giơ tờ lịch được gấp kỹ cất trong túi áo và bảo: “Ngày 25/10/2007 là ngày mình chính thức mãn hạn tù. Kể từ đó, mình thấy thanh thản hơn, viết nhanh hơn”.
Cởi mở tấm lòng, ông tiết lộ với chúng tôi, hiện đang tập trung để viết về mối tình đẹp, huyền thoại giữa người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ và Hoàng Ngân.
Đã 20 năm dầy công chuẩn bị tư liệu, nay đã đến lúc “khai hoa, kết nhụy”. Qua đó, nhiều tình tiết thú vị đã được phát hiện. Ví như Hoàng Ngân không chỉ trộm thương, trộm nhớ anh Thụ vì sự uyên thâm đông tây kim cổ, học nhiều, biết rộng mà còn chú ý đến nhiều chi tiết...
Nhà văn Trường Thanh say sưa kể về những chương, những đoạn mà ông ưng ý trong cuốn tiểu thuyết đang viết dở. Mái tóc bạc màu rung rinh chợt nhoà vào bóng đêm đang xuống thật gần...
Xứ Lạng, cuối tháng 6/2008