Sen giấy cũng được tái hiện ở ngay làng Thanh Tiên, qua chương trình nghệ thuật sắp đặt tổng hợp “Sắc màu Thanh Tiên” của họa sĩ Thân Văn Huy, khai mạc vào sáng 5/6.
Sen giấy Thanh Tiên phục chế trở lại sau hơn 60 năm bị thất truyền |
Thanh Tiên đã là làng quê nổi tiếng của nghề làm hoa giấy tại xứ Huế hàng trăm năm nay.
Hoa giấy nơi đây chỉ dành để phục vụ cho hoạt động tâm linh của người dân xứ Huế cũng như nhiều vùng lân cận, với hàng chục loại hoa ngũ sắc sặc sỡ như quỳ, lan, hoa chùm, tường vi, hoa búp, hoa cúc, bông lùng, bông đũa....
Những bàn tay thợ quê đã khéo léo cắt, uốn, xếp, tô, vẽ, dán tạo thành muôn loại hoa. Để rồi chúng theo bước chân dân làng tỏa đi khắp các nẻo phố phường, làng xóm mỗi dịp lễ, tết, ngày rằm... Nhưng với riêng hoa sen giấy, từ lâu người dân Thanh Tiên không còn nhìn thấy chúng.
Bộ sưu tập hoa giấy Thanh Tiên được nâng bước thành nghệ thuật của họa sĩ Thân Văn Huy dịp Festival Huế 2006 cũng vắng bóng sen giấy. Theo các lão làng, sen giấy Thanh Tiên đã biến mất từ hơn 60 năm trước.
Một vài người làng còn lưu giữ từ cha ông đôi chút kỹ thuật làm hoa sen như ông Nguyễn Lược, Nguyễn Hóa từ gần 2 năm nay đã cố công tìm tòi, nghiên cứu, phục chế lại hoa sen giấy.
Đến nay, đã có gần 700 đóa sen giấy Thanh Tiên được phục chế để phục vụ lễ hội. Điều đặc biệt, sen giấy Thanh Tiên không hẳn chỉ dùng cho thờ cúng mà còn là vật trang trí xinh đẹp, lạ mắt. Đây sẽ là cơ hội cải thiện đời sống làng nghề ở Thanh Tiên trong một tương lai gần.
Trong lần đầu tiên trở lại, sen giấy Thanh Tiên đã tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới thưởng thức nghệ thuật, từ sân khấu khai mạc Festival Huế 2008 đến các thư phòng và điểm trình diễn nghệ thuật sắp đặt.