>> Ánh Tuyết hồi niệm về Trịnh Công Sơn
Nhạc Trịnh chất lượng cao đến với sinh viên Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà. |
Dường như chương trình Bóng núi trong khán phòng sang trọng được bê nguyên ra sân thể dục. Màn hình LED hoành tráng thỉnh thoảng dùng để chạy lời cho khán giả hát theo kiểu karaoke, cùng hai màn chiếu hai bên. Không dễ để thấy mọi diễn biến trên sân khấu, trừ số ít khán giả được ngồi ở khu VIP.
Khá nhiều người đứng, buộc phải quan sát màn chiếu vì bị hai cột đèn chiếu sáng sân khấu chắn tầm nhìn. Bù lại âm thanh của chương trình khá ổn, ca sĩ toàn hàng đầu. Tưởng như tất cả những điều đó đáng ra phải gây êp-phê hơn. Khán giả đông ước chừng hơn vạn nhưng vỗ tay khá dè dặt, kể cả với tiết mục thuộc loại hay nhất chương trình do Hồng Nhung hay Mỹ Linh đảm nhiệm.
Có ít nhất hai khả năng. Một là khán giả đã mất thói quen vỗ tay sau khi ca sĩ hát xong. Hai là biên tập chương trình chưa nắm được mạch cảm nhận của sinh viên. Tiết mục được cổ động hào hứng nhất là Nối vòng tay lớn đậm chất rock do Viết Thanh trình bày.
Trước đó người dẫn chương trình phải mất nhiều công sức để khán giả hát vài câu: “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay…”, nhưng khi Viết Thanh vừa cất tiếng, cả ngàn người hát theo rần rần. Không khí như một show rock thật sự. Tiếc rằng Viết Thanh chỉ hát một bài và đó là tiết mục kết.
Tiết mục đứng thứ hai về cường độ vỗ tay là Phôi pha của ca sĩ bất đắc dĩ người Mỹ Kyo. Ca sĩ này ngồi lẫn trong khán giả. Người dẫn chương trình đi mời khán giả hát một câu Trịnh bất kỳ. Người đầu tiên bị gí mic, không hát được gì. Người thứ hai: “Ta là cát bụi, trở về cát bụi...” . Cũng có chữ “cát bụi” nhưng rất tiếc không phải bài của Trịnh Công Sơn.
Người thứ ba, thứ tư hát đều không chuẩn nhạc hoặc lệch lời. Rồi người dẫn tiến đến Kyo. Tất nhiên phát âm tiếng Việt của anh không chuẩn 100% nhưng đủ rõ ràng. Và anh hát không những chuẩn nhạc mà còn đạt về cảm xúc.
Phong thái chững chạc của anh bạn Mỹ khiến người ta nghi ngờ về một sự bất ngờ được sắp đặt trước. Sau khi Kyo hát xong, người dẫn mời anh hát tiếp cho sinh viên tại chương trình ở Huế, TPHCM và anh vui vẻ nhận lời.
Nghe Cẩm Vân hát nhạc Trịnh có cảm giác yên tâm do cảm xúc tròn đầy và lối nhả chữ đều đặn, chân phương. Hồng Nhung thuyết phục với Nhớ mùa thu Hà Nội bằng cách hát giản dị, xúc cảm, nhất là trước đó chị vừa kể lại những kỷ niệm xung quanh bài hát.
Mỹ Linh thể hiện đẳng cấp kỹ thuật với Em hãy ngủ đi. Ca sĩ opera Anh Bằng đầy kỹ thuật, giọng cao, khỏe, ngân cực dài- nhưng xem ra vẫn chưa đắc địa với Sóng về đâu. Minh Chuyên tại Sao Mai Điểm hẹn dường như có cách hát bài này phù hợp hơn.
Tất nhiên dù là diva hay ca sĩ mới vẫn không thể hát chuẩn lời 100%. Cũng không thể trách ai được vì đúng là tất cả đều được “thuê” đến để hát nhạc Trịnh, như bất cứ chương trình nào. Chúng ta đành bằng lòng hồi niệm một thời nhạc Trịnh còn đang sống động trong dòng chảy lịch sử, khi cả người sáng tác, người hát và người nghe cùng nằm trong một mối liên hệ yêu Trịnh.