Ngày 19/11, Văn phòng UBND TPHCM có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình về việc giải quyết vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
Theo đó, ông Lê Hòa Bình chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường khẩn trương chủ động phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, xác định và hướng dẫn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở có nghĩa vụ bổ sung tài chính để làm cơ sở thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà trong dự án phát triển nhà ở theo quy định pháp luật.
Đối với các dự án phát triển nhà ở có phạm vi xây dựng, giao Sở Xây dựng chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát và xử lý dứt điểm vi phạm theo đúng quy định pháp luật để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường đã tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận cho 352 dự án. Trong đó, đã cấp giấy chứng nhận được 85.046 “sổ hồng” cho căn hộ và nhà ở thấp tầng.
Việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án được Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM giải quyết tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2018 cấp được 13.026 căn. Năm 2019 cấp được 12.331 căn. Năm 2020 cấp được 16.528 căn. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, đã giải quyết cấp giấy chứng nhận được 12.476 căn nhà, dự kiến 3 tháng cuối năm sẽ cấp thêm được 6.500 căn.
Cư dân chung cư The EverRich Infinity căng băng rôn phản đối Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt bán chỗ đậu xe. |
Tuy nhiên, số lượng nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận vẫn còn rất nhiều, dù người mua nhà đã nhận bàn giao và vào ở ổn định. Điều này ảnh rất lớn đến thị trường bất động sản, lợi ích của người dân, cũng như uy tín của chủ đầu tư dự án.
Nguyên nhân, quá trình thực hiện dự án phát triển nhà ở của chủ đầu tư trải qua nhiều bước, nhiều giai đoạn với sự chi phối, áp dụng thực hiện nhiều pháp luật có liên quan. Trong đó, chủ đầu tư một số dự án phát triển nhà ở có vi phạm ở một hoặc một số quy định của các pháp luật có liên quan như thủ tục đầu tư, pháp luật về đất đai, nhà ở, xây dựng, tài chính tín dụng dẫn đến việc chủ đầu tư nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua còn chậm hoặc việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận của cơ quan đăng ký chưa đảm bảo được nhu cầu cấp giấy chứng nhận của người mua nhà, chủ đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cho biết, mục tiêu từ nay đến tháng 12/2023, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư dự án giải quyết cấp giấy chứng nhận cho 37.421 căn nhà đã đủ điều kiện. Đồng thời, tháo gỡ những dự án còn vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận cho người mua như những dự án có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch… và vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho loại hình bất động sản mới (shophouse, officetel).
Sở Tài nguyên Môi trường sẽ chủ động cùng với Hội đồng Thẩm định giá đất TPHCM để đẩy nhanh công tác thẩm định, trình UBND TPHCM phê duyệt nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các dự án nhà ở. Hoàn thiện, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ.
Ủy quyền cho các quận huyện cải tạo chung cư cũ
Sở Xây dựng TPHCM cũng có kiến nghị UBND TPHCM uỷ quyền, phân công cho UBND các quận và thành phố Thủ Đức thực hiện các thủ tục đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ đối với các nội dung liên quan đến thực hiện các thủ tục đầu tư của các sở, ngành như chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, thu hồi và giao đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp phép xây dựng…).
Đồng thời, xem xét tiếp tục uỷ quyền, phân công các nội dung như ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định chất lượng chung cho chủ sở hữu nhà chung cư; ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp nhà chung cư, quyết định cưỡng chế di dời và tổ chức thực hiện; phê duyệt phương án phá dỡ, phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn quận; ban hành văn bản kết luận kiểm định chất lượng chung cư; thẩm định phương án tháo dỡ khẩn cấp, phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp.