Nhiều giờ sau khi vụ tấn công xe tải khiến 113 người thương vong ở Barcelona vào ngày 17/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng lên Twitter lời cổ vũ những người bị ảnh hưởng “cứng rắn và mạnh mẽ” và đưa ra đề nghị giúp đỡ từ Mỹ.
Ông Trump còn lên án chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong một thông điệp khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo nước Mỹ lại tiếp tục gây tranh cãi khi trích dẫn vụ hành quyết tập thể từ thế kỷ trước.
Trước những chia sẻ của ông Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết, chính quyền Mỹ sẵn sàng giúp đỡ các cơ quan thực thi pháp luật Tây Ban Nha. “Những kẻ khủng bố trên toàn thế giới nên biết rằng, Mỹ và các đồng minh sẽ tìm thấy và đưa chúng ra trước công lý”, ông Tillerson phát biểu.
Cũng truyền thông điệp trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tinh thần đoàn kết, chung tay đẩy lùi khủng bố.
Tại Anh, Thủ tướng Theresa May thể hiện sự tiếc thương đối với các nạn nhân trong vụ tấn công “khủng khiếp” ở Barcelona, đồng thời ca ngợi nỗ lực cứu hộ của các dịch vụ khẩn cấp.
“Vương quốc Anh sát cánh cùng Tây Ban Nha chống lại khủng bố”, bà May nói thêm.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson chia sẻ, Đại sứ quán ở Tây Ban Nha "đang làm tất cả để xác định công dân Anh cần giúp đỡ hay không".
Trong khi, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cho biết, "vô cùng sốc" khi biết tin. Ông cũng gửi lời thương tiếc và an ủi đến “các nạn nhân, người thân và bạn bè của họ”.
Bên cạnh những lời sẻ chia, cổ vũ tinh thần, các nước còn thể hiện sự đồng cảm đến những người bị ảnh hưởng trong vụ tấn công xe ở Barcelona bằng những cách khác.
Tại New York, tòa Trung tâm Thương mại Thế giới đã được thắp sáng với ánh đèn màu đỏ và vàng trong đêm theo màu sắc quốc kỳ Tây Ban Nha, bày tỏ tình đoàn kết với người dân Barcelona.
Ngược lại, tất cả đèn ở tháp Eiffel đều tắt để tưởng niệm những người thiệt mạng và cầu nguyện cho các nạn nhân bị thương sớm hồi phục.
Trung tâm Thương mại Thế giới sáng đèn hướng về Tây Ban Nha.
Tháp Eiffel tắt đèn tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: Twitter