13.000 phóng viên 'quây' Tổng thống Putin

13.000 phóng viên 'quây' Tổng thống Putin
TP - Chiều 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức cuộc họp báo lớn được truyền hình trực tiếp và trực tuyến, với sự có mặt của hơn 13.000 nhà báo trong nước và quốc tế được đặt câu hỏi không hạn chế chủ đề.

> Tổng thống Nga Putin họp trực tiếp với 1.300 phóng viên
> Tổng thống Putin nói về việc triển khai tên lửa Iskander

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các câu hỏi và trả lời tại cuộc họp báo được dịch ra đồng thời ba thứ tiếng gồm Nga, Anh, Đức. Đây là sự kiện hằng năm mang dấu ấn riêng của Tổng thống Putin và được giới truyền thông gọi là cuộc họp báo ma-ra-tông vì thường kéo dài một mạch hơn 4 tiếng.

Ngày 19/12, Tổng thống Putin nói rằng, chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) là cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cần được điều chỉnh bằng các quy định và thông lệ chặt chẽ.

Trước đề nghị xác nhận thông tin nói rằng Nga đã triển khai các tên lửa chiến thuật tầm trung Iskander mang đầu đạn hạt nhân tại Kaliningrad, Tổng thống Putin nói Nga chưa triển khai loại tên lửa tầm bắn 400 km này tại Kaliningrad.

Ông nói: “Chúng tôi chưa đưa ra quyết định nào như vậy… Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng lá chắn tên lửa đe dọa tiềm năng hạt nhân của chúng tôi, và do đó chúng tôi phải đáp trả. Một trong những khả năng đáp lại đó là đặt các tên lửa Iskander tại Kaliningrad”.

Trước cuộc họp báo hai ngày, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra một tuyên bố không rõ ràng, rằng tên lửa Iskander đã được triển khai tại vùng quân sự phía Tây nước Nga, bao gồm Kaliningrad và hầu hết phần lãnh thổ phía châu Âu của Nga.

Sau tuyên bố này, đại diện nhiều nước thành viên NATO bày tỏ lo ngại rằng, nếu điều đó là sự thực thì việc triển khai tên lửa Iskander đang làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa Nga và NATO khiến khối quân sự Bắc Đại Tây Dương phải có hành động đáp trả. Mỹ cho rằng, việc triển khai tên lửa Iskander của Nga tại Kaliningrad sẽ làm mất ổn định cả khu vực.

Giúp Ukraine vì là anh em

Giới truyền thông cũng chất vấn về quan hệ Nga-Ukraine. Tổng thống Putin cho biết gói trợ giúp tài chính 15 tỷ USD mà Nga và Ukraine ký đầu tuần này thực chất là một khoản cho vay và số tiền đó sẽ phải được hoàn trả cho phía Nga.

Ông Putin nêu rõ: “Khoản tiền 15 tỷ USD mà Nga cho Ukraine vay sẽ được đăng ký tại thị trường chứng khoán Ireland, theo luật của nước Anh. Do đó, khoản cho vay này được bảo vệ và tôi không thấy một sự lãng phí nào”.

Tổng thống Putin quả quyết đó là sự trợ giúp cần thiết đối với một nước anh em. Ông nói rằng, sự viện trợ này cho Ukraine không liên quan cuộc biểu tình chống Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đang diễn ra tại Kiev. “Chúng tôi đưa ra quyết định viện trợ này không phải vì lợi ích của ban lãnh đạo Ukraine hiện nay mà vì nhân dân Ukraine”, ông Putin nói.

Trước câu hỏi đề nghị liệt kê một số nhân vật lãnh đạo hàng đầu có ảnh hưởng lớn trên chính trường Nga hiện nay theo quan điểm của riêng Tổng thống, ông Putin đáp ngay rằng, nhà chính trị có ảnh hưởng lớn thứ 2 ở Nga hiện nay là ông Gennady Zyuganov, Tổng thư ký đảng Cộng sản Nga.

Nhân vật thứ 3 là ông Vladimir Zhirinovsky, lãnh tụ đảng Dân chủ Tự do (LDP) theo đường lối dân túy cánh hữu. Ông Zhirrinovsky hoạt động nổi bật vào thập niên 90 trên chính trường Nga. Nhân vật thứ 4 là ông Sergei Mironov, lãnh tụ đảng cánh tả Nước Nga duy nhất (JRP).

Riêng về đương kim Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đồng thời là lãnh đạo đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất (URP), Tổng thống Putin chỉ đề cập thoáng qua.

Ông Putin tránh nêu tên các nhà lãnh đạo phong trào biểu tình phản đối đông người, trong đó có nhân vật đối lập cực đoan Alexei Navalny tranh cử không thành công chức Thị trưởng Mátxcơva hồi tháng 9 năm ngoái. Về việc sẽ chọn ai làm người kế nhiệm, ông Putin trả lời ngắn gọn: “Tôi không nói bởi vì chẳng có gì để nói”.

Nguyễn Đại Phượng
Theo Ria-Novosti

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG