Thái Lan: Quân đội có thể lật đổ Chính phủ

Thái Lan: Quân đội có thể lật đổ Chính phủ
TP - Đám đông biểu tình ở Bangkok hôm qua tiếp tục chiếm giữ trụ sở ba bộ và bao vây Bộ Nội vụ, dù Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tuyên bố áp dụng Đạo luật an ninh nội địa tại thủ đô và vùng lân cận. 22 nước đã khuyến cáo công dân tránh đến các địa điểm đang có biểu tình ở Thái Lan.

> Thái Lan mở rộng luật an ninh đặc biệt
> Thái Lan: Người biểu tình chiếm trụ sở Bộ Tài chính

Theo luật an ninh nội địa, cảnh sát có quyền phong tỏa đường phố, ban bố lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập đông người và khám xét trong trường hợp cần thiết.

Trong tuyên bố trên truyền hình ngày 25/11, Thủ tướng Yingluck tuyên bố Đạo luật an ninh nội địa có hiệu lực ở thủ đô Bangkok, tỉnh Nonthaburi, một huyện ở tỉnh Samut Prakarn và một huyện ở tỉnh Pathum Thani, vì người biểu tình đã vi phạm luật pháp khi xâm phạm trụ sở các cơ quan chính phủ.

Bà Yingluck nói rằng, người biểu tình đã chuyển từ tụ tập hòa bình sang sử dụng người dân để chiếm các cơ quan chính phủ, phá hỏng cổng vào, cắt điện và nước - những hành động đe dọa an ninh quốc gia. Vì thế, việc áp dụng Đạo luật an ninh nội địa là cần thiết để duy trì luật pháp và trật tự. Thủ tướng nhấn mạnh, chính phủ sẽ không dùng vũ lực để trấn áp người biểu tình.

Ra lệnh bắt thủ lĩnh biểu tình

Tuy nhiên, thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố không dừng lại, không giải tán đám đông, thậm chí còn kêu gọi thêm người dân tham gia chống chính phủ.

Vị cựu phó thủ tướng này còn kêu gọi người biểu tình chiếm giữ các cơ quan nhà nước trên toàn quốc, kể cả trụ sở cấp tỉnh và quận, huyện nhằm làm tê liệt chính phủ.

“Hãy vào các cơ quan nhà nước, nhưng không mang theo súng và không làm hại ai. Đây là việc đoạt lại quyền lực của nhà nước bằng biện pháp hòa bình”, ông Suthep nói.

Ông cho rằng, chính phủ cùng hơn một nửa số nhà làm luật của Thái Lan đã hành động bất tuân luật pháp, vì họ bác bỏ quyền lực của Tòa án Hiến pháp, nghĩa là họ không chấp nhận hiến pháp.

Tòa án Hình sự Thái Lan hôm qua ban hành lệnh bắt ông Suthep vì hành vi chiếm giữ trụ sở các bộ nhằm lật đổ chính phủ. Cảnh sát Bangkok cho biết đang thu thập bằng chứng chống lại các thủ lĩnh biểu tình khác. Tuy nhiên, chứng cứ thu thập được cho tới nay chỉ xác định được ông Suthep vi phạm luật.

Phát ngôn viên của Sở Cảnh sát thủ đô Adul Narongsak hôm qua nói rằng, một nhóm thuộc Quân đội Nhân dân Thái Lan (một liên minh mới thành lập với tư tưởng chống đối đảng Puea Thái và cựu Thủ tướng Thaksin Sinawatra), do Tướng Preecha Iamsuwan cầm đầu, dẫn người biểu tình xông vào chiếm trụ sở Bộ Nông nghiệp, Bộ Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông từ trưa 26/11 rồi yêu cầu các cán bộ, nhân viên rời khỏi các cơ quan này, báo The Nation của Thái Lan đưa tin.

Khoảng 3.000 người biểu tình sau đó di chuyển đến Bộ Nội vụ, yêu cầu các cán bộ rời khỏi đó trước đầu giờ chiều, dọa cắt điện và nước của các tòa nhà. Tuy nhiên, vì cổng của trụ sở Bộ Nội vụ đóng và cảnh sát đứng canh, nên người biểu tình đứng vây bên ngoài, không chịu rời đi.

Thủ tướng đối mặt bỏ phiếu bất tín nhiệm

Có mặt tại Quốc hội sáng qua, Thủ tướng Yingluck kêu gọi chấm dứt tình trạng “luật đám đông”, trong bối cảnh bà sắp phải đối mặt cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Quốc hội Thái Lan thảo luận trong hai ngày, bắt đầu từ hôm qua, rồi bỏ phiếu ngày 28/11. Những người bất mãn với Thủ tướng Yingluck cáo buộc bà là “bù nhìn” của anh trai Thaksin, người bị quân đội tước quyền khi đang ở Mỹ năm 2006. Từ đó, ông Thaksin sống lưu vong và bị tòa Thái Lan kết án vắng mặt 2 năm tù giam vì tội tham nhũng. “Những cáo buộc chống lại tôi quá khắc nghiệt và không công bằng”, bà Yingluck nói trong bài phát biểu trên truyền hình hôm qua.

Hy vọng đợt bỏ phiếu này sẽ giúp lật đổ Thủ tướng Yingluck thông qua cách thức hợp pháp, phe đối lập cáo buộc đảng của bà tham nhũng và nỗ lực thông qua luật nhằm rửa tội tham nhũng cho ông Thaksin. Tuy nhiên, bà Yingluck được dự đoán là sẽ thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày mai.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết đã gửi thư tới Liên Hợp Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga…, giải thích tình hình đang diễn ra ở nước này, khẳng định hành vi chiếm đóng cơ quan của chính phủ là bất hợp pháp, phi dân chủ và tác động xấu đến an ninh quốc gia, báo Bangkok Post cho biết.

Có thể xảy ra đảo chính quân sự

Tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản), học giả Pavin Chachavalpongpun phát biểu rằng, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan có thể kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự, “quân đội có thể lật đổ chính phủ vì họ từng làm như vậy với chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra”, Xinhua đưa tin. Theo nhiều chuyên gia, đợt bất ổn chính trị lần này sẽ khiến Thái Lan mất 25 tỷ baht (hơn 16.000 tỷ đồng) doanh thu du lịch trong tháng tới. Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư ở Thái Lan có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến việc dòng vốn chảy sang nước khác.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trao 300 suất quà Tết đến đồng bào khó khăn ở Quảng Trị
Trao 300 suất quà Tết đến đồng bào khó khăn ở Quảng Trị
TPO - Ngày 9/1, nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) phối hợp với Báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức tặng 300 suất quà, mỗi suất quà 600.000 đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Đông Hà, huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.